Bình Định thuỷ tú sơn kỳ
Như tranh thuỷ mạc, như tia nắng hồng.
Từ Bình Đê đến Cù Mông,
Núi non trùng điệp, ruộng đồng bao la.
Rừng vàng, biển bạc quê ta
Nặng tình đất nước, chan hoà lòng dân.
Nghìn xưa, Bến Đá-Thạch Tân
Phân ranh Quảng Ngãi, Hoài Nhơn rõ ràng.
Bình Đê mở lối thông thương
Hai miền Bình, Quảng trên đường bắc nam.
Hoài Ân có dãy Kim Sơn
Thời Lê nổi tiếng khai vàng cống vua;
Tổng Dinh, căn cứ năm xưa
Của Tăng Bạt Hổ dưới cờ Cần Vương.
Bích Kê thuộc huyện Hoài Nhơn,
Chớp Chài, đồn trại Văn thân Bùi Điền.
Phù Mỹ, Lạc Phụng ngắm nhìn
Nước đầm Trà Ổ lung linh mây trời.
Trên đường thiên lý xa vời
Có đèo Phủ Cũ, một thời nổi danh
Với vùng Tam Tượng chè xanh
Đậm đà hương vị, thắm tình quê hương.
Đèo Nhông, tên chữ Hải Lương
Còn ghi chiến tích ngoan cường sáu lăm (1)
Tượng đài chiến thắng vinh quang
Hiên ngang, lẫm liệt giữa ngàn cây xanh.
Màn Lăng, ranh giới phân minh
Hoài Ân, Phù Mỹ, gập ghềnh cheo leo
Thạch Khê-Trung Hội đường đèo
Xưa kia nổi tiếng cọp beo thịt người.
Có truông tên gọi Truông Mây
Nơi đây chàng Lía bị vây trong thành,
Anh hùng vì nghĩa hy sinh,
Tấm gương sáng chói muôn nghìn năm sau.
Núi Bà có đá Vọng Phu;
Có hang Chàng Lía ăn sâu tận cùng;
Có ngôi cổ tự Linh Phong
Gọi chùa Ông Núi nặng lòng dân gian.
Cảnh quan kỳ mỹ tuyệt trần
Cây xanh chen đá, đá cành chen nhau,
Suối khe róc rách sân sau,
Quanh co rồi lại gặp nhau tại hồ
Hương sen bát ngát, lững lờ,
Phiêu diêu cửa Phật, hư vô cõi trần.
“Đề Gi có hòn Lang Sơn
Có đầm Đạm Thuỷ nước dờn dợn xanh”(2)
Hòn Lang sóng với Vỉ Rồng
Ngắm nhìn động cát điểm son hằng hà.
Quy Nhơn nổi tiếng gần xa
Phương Mai, Gành Ráng đậm đà sắc hương!
Triều Châu thấp núi, thưa rừng,
Hòn Mai, Điệp Chữ, Chớp Vung...liền kề.
Cổ Rùa cùng với Hổ Ky
“Giao nha hổ khẩu”, xưa nay thế hùng.
Mũi Mác, Hòn Yến- đất lành,
Đàn chim én đến nhả vàng mùa xuân.
Gành Ráng, đuôi núi Xuân Vân
Chạy ra bờ biển từ vùng Vũng Chua.
Chất chồng những khối đá to
Thiên hình, vạn trạng, hình thù khác nhau.
Nào là Voi Đá, Vọng Phu,
Hòn Chồng, Gấu Đá...nằm chầu biển khơi,
Nào Đầu Sư tử nhìn trời
Chực vờn ra biển nuốt trôi sóng thần...
Một vùng đá nhỏ xanh tròn
Tạo nên Bãi Trứng tiên rồng thuở xưa-
Bãi tắm Hoàng hậu mộng mơ
Dưới lầu Bảo Đại bên bờ biển xanh.
Trên đồi Gành Ráng thanh bình
Hồn thơ Mặc Tử nặng tình nước non.
Qui Hoà nằm ở phía nam
Dong Đùa- suối nhỏ bắt nguồn Xuân Vân.
Nơi đây nổi tiếng trại phong,
Lương y từ mẫu, hết lòng vì dân.
Hoa Đà, Hải Thượng Lãn Ông,
Danh y thế giới...tượng đồng thiêng liêng.
Cù Mông, ranh giới Phú Yên,
Đèo dài, khúc khuỷu chênh vênh đất trời...
Chiều chiều én liệng, mây trôi
Nhớ Trần Quang Diệu sáng ngời Canh Thân (3).
Vân Canh có dãy Dương An
Được tôn Núi Chúa cao ngàn mét hơn
Nhân dân thường gọi Hòn Ông,
Cây cao, rừng rậm quanh năm xanh dờn.
Tây nam, điệp điệp, trùng trùng
Tây Sơn hoành tráng, sử vàng còn ghi
Biết bao sự tích thần kỳ,
Chiến công oanh liệt xưa nay chưa từng.
Mỗi ngọn núi, mỗi dòng sông
Đều mang hào khí vẻ vang một thời:
Hiển Hách thuần phục ngựa trời,
Hai Trầu thu phục lòng người Ba Na.
Cô Hầu, đồng ruộng bao la
Cùng núi Hoàng Đế thiết tha nặng tình.
Hai hòn Ông Nhạc, Ông Bình
“Non xanh, nước biếc như tranh họa đồ.”
Nhớ xưa sau lễ tế cờ
Tại dốc cây Ké trên đèo An Khê,
Ầm ầm binh mã kéo về
Giữa lòng Tâm Phúc (4) đề huề khao quân,
Nửa đên, Hóc Yến tiệc tan,
Hôm sau quân kéo xuống hòn Đồng Phong,
Nơi đây binh sĩ thong dong
Tiếp nhận lương thực, gọi hòn Lãnh Lương (5).
. Hoành Sơn, tục gọi Núi Ngang,
Mộ phần Phi Phúc nằm trong dãy nầy.
Tương truyền chính tại nơi đây
Ấn vàng, kiếm bạc trao tay anh hùng.
Sấm rền “ Trì thống, phụ nguyên ”(6)
Đổi Hồ ra Nguyễn đứng lên phất cờ
Làm nên sự nghiệp cơ đồ
Lưu danh muôn thuở, bây giờ còn vang...
Phú Phong, căn cứ Cần Vương
Biết bao tên núi, tên làng, tên sông
Còn in dấu ấn Mai Công:
Đồng Hươu, Bắc trại dùng làm bản doanh,
Đồng Vụ, Nam trại-kho lương,
Đồng Le, Linh Đổng- động thần Linh Phong
Hang sâu thăm thẳm, mịt mùng,
Mật khu Xuân Thưởng bao năm tung hoành .
Kỳ Đồng, núi sỏi, thưa rừng,
Nơi đây trận chiến cuối cùng Mai Công!
Thứ Hương Sơn có bảo đồn
Của Mai Nguyên súy chặn đường giặc Tây.
Đồng Gian chảy xuống Đồng Hươu,
Sông Kôn uốn khúc quanh co, thác ghềnh
Ầm ầm nước đổ thác ngầm
Bồng bềnh đá dựng, gọi rằng Hầm Hô
Phong lan lơ lửng, mộng mơ,
Hoa sim tím ngát, hồn thơ đậm đà!
Tuy Phước có dãy Sơn Chà,
Có chùa Eo Mén do Bà Liên xây (7);
Mai Sơn rực rỡ vàng mai
Hồn mai Đào Tấn mộng dài toả hương .
Hàm Long lừng lẫy chiến công
Tại cầu Trường Úc, đánh thực dân trận đầu
Gươm Đào Doãn Địch giương cao,
Nghĩa quân xốc tới ào ào diệt Tây...
Hòn An Tượng, đỉnh không cao,
Nơi đây Quang Diệu anh hào lập công (8).
Nguồn An Tượng huyện An Nhơn
Một thời nhộn nhịp bán buôn hai vùng
“Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên”.
-- # --
Quê ta, sông nước dịu hiền
Quanh năm tắm mát mọi miền gần xa.
Lại Giang, giai điệu bờ xe
Rì rào, réo rắt, say mê lòng người!
Nước trong mang lại xanh tươi
Cánh đồng thấm đẫm sức người dẻo dai.
Kôn giang nổi tiếng sông dài
Chảy qua bốn huyện, miệt mài lượn cong,
Âm thầm tưới mát ruộng đồng,
Điều hoà khí hậu một vùng nông thôn,
Dạt dào đổ xuống biển đông
Ngắm thành phố cảng Quy Nhơn huy hoàng.
La Tinh, sông ngắn, ít nguồn,
Mùa khô, nước kiệt, nổng cồn trơ vơ.
Hạ lưu, nước chảy lững lờ
Vào đầm Đạm Thuỷ bên bờ biển xanh.
Có con sông nhỏ Hà Thanh
Phát nguyên rừng núi Vân Canh, xuôi dòng
Đổ vào Thị Nại mênh mông,
Tàu thuyền tấp nập biển đông ra vào...
Quê ta non nước đẹp sao!
Một vùng sinh thái dồi dào tiềm năng
Mở mang du lịch cảnh quan
Gắn liền lịch sử, ngày càng văn minh.
(1) Chiến thắng Đèo Nhông-Dương Liễu ngày 8-2-1965 nhằm nhày mùng năm tết Ất Tỵ.
(1) Thơ Mộng Tuyết, thi nhân Việt Nam.
(2) Năm 1800 Trần Quang Diệu đánh tan quân Nguyễn Ánh.
(3) Tâm Phúc là tên gọi thung lũng Bà Phù.
(4) Hòn Lĩnh Lương là ngọn Đồng Phong.
(5) Chữ phụ ghép với chữ nguyên thành chữ nguyễn, hàm ý
Họ Nguyễn thống trị thiên hạ.
(6) Mẹ vợ cụ Đào Tấn.
(7) Năm 1800 Trần Quang Diệu đánh chiếm lại vùng An Tượng. |