Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. 2 người bác ruột của tôi đã hy sinh trong chiến tranh, cha mẹ tôi đều là cán bộ, đảng viên và đều là thương binh. Trong chiến tranh, có một lần mẹ tôi bị thương nặng, máu ra rất nhiều. May sao, mẹ tôi đã được cứu chữa kịp thời, được truyền máu nên qua được cơn hiểm nghèo và tiếp tục sống, hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng đất nước. Nghe mẹ kể lại chuyện xưa, tôi nhận ra rằng máu quý giá đến mức nào, bởi nó như liều thuốc hồi sinh cho những người trong cơn thập tử. Từ đó, tôi quyết định vượt qua mọi trở ngại về tâm lý để đến với phong trào hiến máu tình nguyện, chia sẻ một ít máu của mình cho những người trong cơn nguy hiểm.
|
ĐVTN Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh tình nguyện hiến máu nhân đạo. Ảnh: N.S |
Đó là một ngày cách đây 8 năm. Một người hàng xóm của tôi bị tai nạn giao thông, cần phải truyền máu, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng có rất ít người thân cùng nhóm máu với anh. Tình cờ nghe được chuyện và chứng kiến tình cảnh của anh, tôi quyết định cho anh 400cc máu. Thời gian sau, tôi tham gia hoạt động phong trào thanh niên địa phương và tích cực hơn trong công tác tình nguyện hiến máu cứu người. Đặc biệt có lúc đêm khuya, gà gáy, có ca cấp cứu nhưng bệnh viện không có máu, Thành Đoàn Quy Nhơn điện báo là tôi có mặt cho máu ngay. 8 năm qua, tôi đã tình nguyện hiến máu hơn 20 lần. Tôi không thể nhớ hết những trường hợp mình đã cho máu, trừ một vài trường hợp đặc biệt như cho máu nạn nhân của vụ tai nạn tàu hỏa tông xe chở đám cưới ở Tuy Phước, người cậu của một cán bộ đoàn phường ở Quy Nhơn…
Tôi cũng vận động khá nhiều bạn bè, ĐVTN tham gia tình nguyện hiến máu, góp phần cùng với các y - bác sĩ giành lại mạng sống cho nhiều người trong cơn nguy cấp. Đó chính là điều hạnh phúc nhất của tôi.
(Ghi theo lời kể của Nguyễn Nam Phương, Phó Chủ tịch Hội LHTN phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn)
|