Bình Định thông sử diễn ca (III)
15:34', 15/6/ 2006 (GMT+7)

Dưới thời chúa Nguyễn cầm quyền

Quê ta mở rộng đến miền Cù Mông.

 

Thánh Tông lập phủ Hoài Nhơn (1)

Diễn ra nhiều đợt di dân bắc vào

Đưa đi mở đất vùng cao,

Lập làng, đắp luỹ...biết bao công trình.

Bộ máy hành chính hình thành

Từ làng đến tổng; huyện đường dựng lên.

Phù Ly, Tuy Viễn, Bồng Sơn (2)

Đó là ba huyện đầu tiên phủ nhà.

 

Với tầm chiến lược nhìn xa,

Hoài Nhơn được đổi tên là Quy Nhơn.(3)

Đến thời chúa Nguyễn Phúc Tần

Quy Nhơn lại đổi ra thành Quy Ninh. (4)

Đem quân vượt khỏi sông Gianh

Phúc Tần gom bắt tù binh mang về

Đưa lên lập ấp An Khê,

Chiêu binh mãi mã hướng về phương Nam.

Phục hồi tên cũ Quy Nhơn,(5)

Phúc Khoát ra sức mở mang cõi bờ.

Đến khi Nguyễn Ánh làm vua

Địa danh Bình Định từ xưa đến giờ.

Hai phủ, năm huyện lập ra (6)

Đặt quan cai trị từ xa đến gần.

 

Các đời chúa Nguyễn chủ trương

Chấn hưng kinh tế, mở mang cõi bờ.

Nghề nông khuyến khích tăng gia,

Lâm sản nổi tiếng nhất là gỗ hương.

Giao thông thuỷ bộ nhiều đường,

Nguồn hàng xuất khẩu ngày càng nhiều hơn.

Những là gỗ quý, trầm hưong,

Ngà voi, tê giác, lụa nhung, bạc vàng...

 

Âm mưu cát cứ Đàng Trong

Thời cơ thuận lợi tấn công Đàng Ngoài,

Chúa Nguyễn trọng dụng nhân tài,

Động viên nguồn lực dựng xây phủ nhà.

Đức Hoà, Khám Lý tài ba,

Được coi “nghĩa đệ” ruột rà Phúc Nguyên.

Duy Từ, Nội Tán trung kiên,

Bậc thầy chiến lược chúa tin vô cùng.

Văn Chánh công lớn kinh bang

Huyện xa Tuy Viễn vỗ an dân lành.

 

Những mong tiếp cận văn minh,

Gia Tô được phép vào truyền Quy Nhơn,

Tại vùng Nước Mặn, Phước Quang

Toà nhà bằng gỗ, Thánh đường dựng lên

Nơi đây, từ điển đầu tiên

Bồ-La-tiếng Việt, khắp miền vang danh...

                        - # -

 

Trải qua Trịnh, Nguyễn phân tranh,

Cần lao phiêu tán, dân tình khổ đau.

Hận thù ngày một chất cao,

Anh hùng chàng Lía phất cao cờ hồng.

Lấy của những kẻ tham quan

Đem chia dân chúng nghèo nàn khắp nơi.

Nông dân lớp lớp, người người

Đi theo chàng Lía sáng ngời nghĩa nhân

Quan quân chúa Nguyễn kinh hoàng,      

Thẳng tay đàn áp bạo tàn lắm thay.

Chiều chiều én liệng truông Mây

Cảm thương chú Lía bị vây trong thành

 Anh hùng vì nghĩa hy sinh,        

Tấm gương phấn dũng lưu danh muôn đời!

Nhân dân nổi dậy khắp nơi,       

Chính quyền chúa Nguyễn rã rời tận xương...

 

 

(1) Năm 1471, Lê Hồng Đức năm thứ hai, lập phủ Hoài Nhơn.

(2) Huyện Bồng Sơn gồm An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn. Huyện Phù Ly  gồm Phù Mỹ, Phù Cát. Huyện Tuy Viễn gồm An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh và An Khê.

(3) Năm 1602.

(4) Năm 1651.

(5) Năm 1742.

(6) Năm 1799, Nguyễn Ánh đổi Quy Nhơn thành dinh Bình Định.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Điều hạnh phúc nhất của tôi   (15/06/2006)
Hương dừa   (14/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (I)  (14/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (II)   (15/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca  (14/06/2006)
Thượng sĩ Trần Đức Việt dũng cảm bắt giữ bọn côn đồ   (13/06/2006)
Phò mã Trương Văn Đa trấn thủ Gia Định  (09/06/2006)
Người quản trang tự nguyện ở Phước Nghĩa  (05/06/2006)
Bàn thành tứ hữu  (02/06/2006)
“Đi bụi” trên đất Tây Sơn  (01/06/2006)
Người mang lại niềm vui cho giáo dân Quy Hiệp  (30/05/2006)
Anh Long bắt trộm  (30/05/2006)
Cá chạch nấu lá gừng   (25/05/2006)
Một luật sư trợ giúp pháp lý tích cực   (24/05/2006)
Cô bé mê toán   (23/05/2006)