Có một “câu lạc bộ” thơ văn thời Tây Sơn
8:34', 16/6/ 2006 (GMT+7)

Có thể khẳng định, hình thức “câu lạc bộ” văn thơ tự phát đã hình thành trên đất Bình Định ngay từ những ngày đầu trong quá trình lập nghiệp trên vùng đất mới. Và cũng chính nhờ một trong những “câu lạc bộ” như vậy mà Đào Duy Từ - một người chăn trâu cho hào phú Lê Đại Lang ở làng Cự Tài, huyện Bồng Sơn thuở trước - mới có dịp trổ tài trước kẻ sĩ trong vùng, làm cho Khám Lý Trần Đức Hòa biết đến và tiến cử lên chúa Nguyễn.

Đến trước ngày khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, nhiều nhà nho - thi sĩ ở Bình Định hăng hái ra giúp rập ba anh em Tây Sơn. Chẳng hạn, Lê Văn Nhân quê ở An Nhơn làm Tri huyện Tuy Viễn nổi tiếng về thơ, từ vàø văn tứ lục; Mã Vĩnh Thắng quê ở Tuy Viễn, thơ mang phong cách phóng dật; Đinh Sĩ An quê ở Bình Khê, giỏi thơ văn, xướng họa, cùng với Ngô Diên Diệu, Phan Bỉnh Vân và Huỳnh Chiếu được người đương thời gọi là “tứ tài tử”. Là những nhà nho trọng khí tiết, trung thành với nhà Tây Sơn, nên dưới triều Cảnh Thịnh, họ đã khảng khái tố cáo sự lộng quyền của Bùi Đắc Tuyên. Do vậy, người thì bị bãi chức, người phẫn chí xin lui về quê nhà.

Ba danh sĩ nổi tiếng Bình Định thời ấy là Trần Trọng Vĩ, Đinh Sĩ An, Đặng Mộng Kỳ gặp nhau ở Bồng Sơn trong hoàn cảnh như vậy. Cảm khái trước thời thế, họ quyết định thành lập Thi xã Lưỡng Hoài, lấy thơ văn ca ngợi kẻ hiền tài, phê phán phường gian nịnh. Mặc dầu gọi là Lưỡng Hoài, nhưng quy tụ trong Thi xã không chỉ có những nhà thơ ở Hoài Nhơn và Hoài Ân, mà nhiều nhà thơ khác trong phủ Quy Nhơn cũng cùng tham dự. Hàng tháng, các nhà thơ trong Thi xã họp nhau lại, đọc thơ mình, nghe thơ bạn, phẩm bình chỗ hay, góp ý chỗ cần sửa chữa. Có khi, lại cùng làm thơ theo một đề tài để thể hiện khả năng ứng tác. Các buổi sinh hoạt này được các thầy đồ trong vùng dẫn học trò tới dự để mở mang kiến thức.

Thi xã Lưỡng Hoài chỉ tồn tại vài năm dưới thời Cảnh Thịnh. Nhưng đây cũng là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người Bình Định thời ấy.

  • Song Lộc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định thông sử diễn ca (III)  (15/06/2006)
Điều hạnh phúc nhất của tôi   (15/06/2006)
Hương dừa   (14/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (I)  (14/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (II)   (15/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca  (14/06/2006)
Thượng sĩ Trần Đức Việt dũng cảm bắt giữ bọn côn đồ   (13/06/2006)
Phò mã Trương Văn Đa trấn thủ Gia Định  (09/06/2006)
Người quản trang tự nguyện ở Phước Nghĩa  (05/06/2006)
Bàn thành tứ hữu  (02/06/2006)
“Đi bụi” trên đất Tây Sơn  (01/06/2006)
Người mang lại niềm vui cho giáo dân Quy Hiệp  (30/05/2006)
Anh Long bắt trộm  (30/05/2006)
Cá chạch nấu lá gừng   (25/05/2006)
Một luật sư trợ giúp pháp lý tích cực   (24/05/2006)