Mấy đời vua Nguyễn đầu tiên
Thực thi chuyên chế, tập quyền rất cao.
Gia Long Nguyễn Ánh bắt đầu
Trả thù hèn hạ phong trào Tây Sơn.
Mả mồ Thái Đức, Quang Trung
Quật lên lấy sọ tống giam ngục thành,
Anh em, con cháu, cận thần
Tây Sơn tam kiệt đều đem chém đầu,
Di tích văn hoá phong trào
Tịch thu tiêu huỷ khác nào Tần vương (1)
Nhân dân Bình Định bàng hoàng
Lo âu mạng sống an toàn được chăng?
Những người quê ấp Tây Sơn
Đều lo đổi họ, đổi tên, đổi vùng.
Dân sinh nghiệt ngã vô cùng,
Tiêu điều làng xóm, ruộng đồng bỏ hoang...
Ban hành chính sách “vỗ an”
Lập lại địa bạ, tái phân công điền,(2)
Thời vua Minh Mạng ưu tiên
Dân nghèo thêm ruộng, bớt phần các quan.
Phép vua cũng thua lệ làng,
Đầu cơ chính sách, quan tham “béo cò”.
Quân điền, chính sách hư vô,
Người nghèo nhận ruộng xác xơ, bạc màu;
Phì nhiêu thuộc bọn nhà giàu,
Nhân dân đói rách, khổ đau tháng ngày...
Gia Long cho mở trường thi (3)
Tại tỉnh Bình Định để chiêu nhân tài.
Đại khoa tiến sĩ sáu người,
Cử nhân khoa bảng gần hai trăm nhà.
Tiến sĩ mười tám tuổi, tên là
Lê Văn Chân, Phù Mỹ, không ra quan trường.
-- # --
Tình hình xã hội nhân văn
Ngày càng phức tạp ngày càng rối ren.
Bán mua nắm trọn độc quyền,
Người Pháp thao túng mọi miền gần xa;
Tăng cường truyền đạo Gia Tô
Lung lạc dân chúng mơ hồ giặc Tây.
Rõ ràng hoà ước Vẹc-xây, (4)
Nguyễn Ánh là kẻ rước Tây vào nhà.
Âm mưu thôn tính nước ta
Lang sa thực hiện dần dà trước sau.
Được chân rồi lại lân đầu
Pháp chiếm Đà Nẵng đầu cầu xâm lăng.
Buộc vua Tự Đức phải nhường
Nam Kỳ lục tỉnh cho phường sói lang.
Nguy cơ mất nước rõ ràng
Nếu không giáng trả, giang san chẳng còn.
Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương
Hiệu triệu dân chúng, văn thân mọi miền
Cùng nhau đoàn kết đứng lên
Phò vua cứu nước, giữ gìn non sông.
Toàn dân một dải tâm đồng
Giương cao cờ nghĩa dốc lòng đánh Tây
“Có tao thì chẳng có mầy,
Thề cùng bạch quỷ có mầy không tao!”
Lời nguyền bay vút trời cao
Hoà cùng sông núi, thấm vào lòng dân.
Khắp nơi bão nổi, triều dâng
Cao trào chống Pháp xâm lăng cõi bờ,
Bảo toàn sự nghiệp cơ đồ,
Cần vương cứu nước, ngọn cờ thiêng liêng!
Văn thân Phù Mỹ Bùi Điền
Có Đào Doãn Địch (5) đứng lên tháp tùng
Mang quân tiến thẳng tỉnh thành
Hô hào hợp tác giữ gìn giang sơn.
Tổng đốc Lê Thận bất lương
Đã không hưởng ứng lại còn hung hăng
Sai quân đóng chặt cửa thành,
Thẳng tay bắn chết nghĩa quân bên ngoài.
Duy Cung Án sát tức thì (6)
Lệnh cho lính gác mở ngay cửa thành,
Nghĩa quân xông thẳng vào trong
Truy tìm tổng đốc, vỗ an dân tình.
Sau khi chiếm được phủ thành
Nghĩa quân truyền hịch, uy danh lẫy lừng!
Hịch truyền lan toả núi sông
Khắp nơi dân chúng rần rần đứng lên.
Từ Nam, Ngãi đến Phú Yên
Sĩ phu yêu nước các miền gần xa
Dốc lòng bảo vệ sơn hà,
Phò vua chống Pháp, cứu nhà, cứu dân.
Triều đình Đồng Khánh kinh hoàng
Cầu xin giặc Pháp đem quân diệt trừ.
Từ Hải Phòng, Pháp kéo vô
Vào đầm Thị Nại lên bờ Quy Nhơn
Mở ngay một cuộc tấn công
Đánh Đào Doãn Địch trên đường cầu Đôi
Đến cầu Trường Úc sục sôi,
Diễn ra ác liệt trận đầu đánh Tây.
Gươm Đào Doãn Địch giương cao
Nghĩa quân xốc tới chém nhào sói lang.
Chiến trường xác giặc ngổn ngang,
Quân ta càng đánh càng hăng tinh thần.
Giáo gươm địch với đạn đồng
Lại thêm đại bác thần công bắn vào,
Hai ngày thấm đẫm máu đào,
Quân ta lực lượng tiêu hao bội phần.
Nhân đêm trời tối, tìm đường
Rút về căn cứ núi rừng Phú Phong.
Tại đây Xuân Thưởng dốc lòng
Chiêu binh, mãi mã tháp tùng Cần Vương.
Trước khi từ giã cõi trần
Đào công trao lại binh quyền Mai công.(7)
Dưới trên đấu cật, chung lưng
Vào sinh ra tử nguyện cùng bên nhau.
Những mong cờ nghĩa giương cao
Mai công quy tụ anh hào bốn phương:
Trọng Trì, Nguyễn Hoá, Xuân Vân,
Trần Hanh, Đức Nhuận, Doãn Văn, Bùi Điền...
Lập bộ Tư lệnh Cần vương,
Chỉ huy mọi mặt giữ quyền tối cao
Do Mai nguyên suý đứng đầu
Với nhiều phụ tá tài cao, đức hiền.
Căn cứ kháng chiến dựng lên
Lộc Đỗng Bắc Trại dùng làm đại bản doanh;
Mật khu Linh Đỗng, Tổng Dinh;
Thứ Hương Sơn, thứ Xuân Vinh xây bão đồn
Chặn đường quân địch tấn công;
Đồng Vụ Nam Trại, kho lương hậu cần;
Lập tuyến phòng thủ xa gần
Nhằm ngăn cản bọn thực dân tiến vào...
Cần vương hùng khí bốc cao
Hai năm, kiểm soát phong trào tỉnh ta;
Tạo mối liên kết một nhà,
Nam, Ngãi, Bình, Phú mặn mà, sắt son.
Giúp tỉnh bạn đánh Nguyễn Thân
Giành quyền làm chủ nhiều vùng Ngãi, Nam
Lại còn vào giúp Phú Yên
Khánh Hoà, Ninh,Bình Thuận kết liền đánhTây;
Hỗ trợ các tỉnh Nam kỳ,
Duy Dương được phái vào đây giương cờ.(8)
Cần vương thanh thế rất to
Khiến tên Đồng Khánh âu lo đêm ngày,
Van xin bè lũ giặc Tây
Giúp triều đình Huế thẳng tay diệt trừ.
Nguyễn Thân, Bá Lộc hai đầu
Quảng Ngãi đánh úp, Khánh Hoà kéo ra
Còn phường cướp nước lang sa
Đem quân đổ bộ lên bờ Quy Nhơn.
Thực dân lực lượng rất đông
Lại thêm vũ khí tối tân rất nhiều.
Nguyễn Thân ngạo mạn kéo vào
Bị ta chặn đánh tại đèo Bình Đê.
Lại Giang, Phủ Cũ, Chớp Chài...
Quân ta phục kích diệt loài sói lang.
Lai Nghi đánh Pháp kiên cường,
Võ Can quyết tử nêu gương sáng ngời!
Trần Bá Lộc, cánh thứ hai
Bị ta chặn đánh tơi bời tại Quang Quang
Và gò Súng Bắn An Nhơn..(9)
Quân triều phối hợp binh hùng thực dân
Bao vây căn cứ nghĩa quân,
San bằng Lộc Đổng, chiếm vùng kho lương.
Mai công về thứ Hương Sơn,
Bất ngờ từ núi Kỳ Đồng phản công
Đánh quân xâm lược kinh hồn
Phải xin tăng viện khép vòng vây thêm.
Đánh nhau suốt bốn ngày đêm
Lộc Đổng bị vỡ, ta liền rút quân
Về vùng Linh Đổng bảo toàn
Lực lượng còn lại tìm đường vào Phú Yên,
Đến đèo Phú Quý, dốc Nhên,
Quân thù phục kích bắt liền Mai công,
Sáu mươi phụ tá, tuỳ tùng,
Sau hơn một tháng chúng đem hành hình...!
Đâu còn những trận tung hoành
Làm cho quân gịăc khiếp kinh quy hàng!
Cần vương sự nghiệp vẻ vang,
Mai công oanh liệt, kiên trung đâu còn !
Sông Kôn nước chảy đá mòn,
Tấm gương vì nước vẫn còn nghìn thu!
“ Ngó vô Linh Đổng mây mờ
Nhớ Mai nguyên suý dựng cờ đánh Tây”(10)
Ngày Rằm, Đinh Hợi, tháng Tư (11)
Hồn Mai Xuân Thưởng hiện về đâu đây?
-- # --
Cần vương Bình Định thế suy,
Nhân dân trong tỉnh cực kỳ âu lo.
Thực dân-phong kiến giở trò
Chiêu an, mua chuộc sĩ phu quy hàng.
Đồng thời đàn áp dã man
Những ai tiếp tục con đường nghĩa quân.
Võ Trứ, thuộc hạ Mai công(12)
Vào chùa Đá Trắng để nhân phong trào,
Tuyên truyền vận động đồng bào
Thượng du, Phật giáo nêu cao tinh thần
Phò vua cứu nước, cứu dân,
Tốt đời, đẹp đạo, giữ an bản làng.
Đinh Dậu, tháng bảy, ngày rằm (13)
Hội quân phát động quyết tâm diệt thù.
Có thầy “địa lý” quân sư (14)
Bàn mưu tính kế dựng cờ khởi binh.
Giáo gươm, đao rựa, cung tên
Cùng nhau mua sắm, đúc rèn khẩn trương.
Chánh Danh-Phù Cát, An Nhơn
Sẵn sàng hưởng ứng nghĩa quân “thầy chùa”.
Vào năm Mậu Tuất, tháng Tư (15)
Võ công cùng với mười sư dẫn đầu
Dân binh Bình Phú vùng cao
Hạ sơn tiến đánh Sông Cầu, Quy Nhơn.
Được tên tri huyện Đồng Xuân
Báo về Công sứ Phú Yên lệnh truyền
Điều quân thuộc đội Khố xanh
Chặn đường Dốc Quýt, Dốc Găng đón đầu. (16)
Hai bên quyết liệt đánh nhau,
Nghĩa quân thế yếu rút vào rừng sâu
Quyết tâm chống cự dài lâu.
Quân thù vây hãm, hò nhau đốt rừng.
Chúng còn tra khảo dân làng
Buộc mau kêu gọi nghĩa quân đầu hàng.
Thế cùng, Võ Trứ cam lòng
Nộp mình cho giặc cứu an dân lành.
Phong trào Bình Phú lụi tàn,
Cần vương hào khí muôn năm trường tồn!
Doãn Văn thất thế Lại Giang, (17)
Trọng thương nên phải tìm đường Tây Nguyên.
Thầy trò lặn lội suốt đêm,
Đang đi gặp hổ ra ngăn cản đường.
Tay gươm, đôi mắt lườm lườm
- Ta lo đại nghĩa, ngươi nên tránh đường!
Sơn lâm chúa tể bàng hoàng,
Cúi đầu, liếm mép, rẽ ngang vào rừng.
Từ đây binh sĩ đặt tên
Là Tăng Bạt Hổ khắp miền vang danh.
Vũ trang khởi nghĩa không thành
Bền tâm, Bạt Hổ tìm đường sang Xiêm
Rồi sang Trung Quốc kiếm tìm
Đồng minh cách mạng, nhưng buồn lắm thay
Danh nhân Vĩnh Phúc, Khải Siêu (18)
Cũng trong tình cảnh eo xèo như ta!
Ông sang Nhật Bản phồn hoa,
Được khuyên trước hết phải lo tự cường.
Trở về Tổ quốc thân thương,
Ông gia nhập Hội Duy Tân nước nhà,
Tích cực vận động Đông du (19)
Dẫn đường đưa cụ Bội Châu ra nước ngoài
Hoạt động tại Nhật một thời
Cậy nhờ lòng tốt của người Phù Tang,
Những mong đồng chủng da vàng
Vui lòng giúp đỡ chống phường thực dân.
Nào ngờ chính phủ Nhật hoàng
Nghe theo giặc Pháp ép cụ Phan trở về...
Doãn Văn đột ngột ra đi (20)
Dở dang sự nghiệp một thời vẻ vang!
Phong trào cải cách Duy Tân
Nhập vào Bình Định, lan tràn khắp nơi:
Nam nhi không để tóc dài
Cái cũ lạc hậu thẳng tay bài trừ
“ Rủ nhau cắt tóc đi tu
Tụng kinh độc lập ở chùa Duy Tân”.
Dưới thời phong kiến-thực dân
Sưu cao thuế nặng quanh năm chất chồng
Lòng dân uất nghẹn căm hờn
Phong trào chống thuế nổ bùng khắp nơi. (21)
Dân cày, phủ, lý mọi người
Thảy đều tóc ngắn về nơi tỉnh thành
Dấy lên nhiều cuộc biểu tình
Giảm sưu, giảm thuế đấu tranh kiên cường.
Vạn người vây chặt tỉnh đường,
Lớp trong cảm tử; giữa, dân tự cường;
Lớp ngoài toả xuống các làng
Huy động lực lượng, quyên lương mọi nhà.
Tri huyện Tân Định, Khánh Hoà (22)
Hoà Cư tiến sĩ về nhà cư tang
Hoà mình cùng với dân làng
Bài binh, bố trận tấn công quân thù.
Ông là cố vấn tối cao
Linh hồn “ dân biến”,“ đồng bào” tỉnh ta.
Quân triều,lính Pháp, sai nha
Thẳng tay đàn áp thật là dã man
Hàng trăm người chết, bị thương;
Tay không đọ với súng gươm được nào !
Nghìn người bị bắt tống lao
Tử hình mấy chục, đày vào Côn Lôn.
Riêng Hồ S ĩ Tạo, chung thân,
“ Nhà giam tiến sĩ” mười hai năm ngậm ngùi!(23)
Chiến tranh thế giới nổ ra,
Thực dân thả sức lột da dân nghèo
Mang về chính quốc đuổi đeo
Âm mưu xâm lược phân chia thị trường.
Dân ta phẫn nộ tột cùng!
Đánh đổ đế quốc, ước mong đổi đời.
Trong cơn lửa bỏng, nước sôi
Việt Nam Quang Phục ra đời cứu dân.
Sĩ phu bàn với Duy Tân (24)
Định ngày khởi nghĩa kinh thành Phú Xuân.
Tiếc thay kế hoạch không thành,
Quang Phục Bình Định rã nhanh từ đầu!
Nhân dân vẫn cảnh ngựa trâu,
Vẫn đời nô lệ khổ đau muôn đời!
May thay cách mạng tháng Mười
Nổ ra thắng lợi sáng ngời nước Nga,
Mở ra thời đại chói loà
Cách mạng vô sản nở hoa hoàn cầu.
Nhân dân phấn khởi đón chào
Cải cách dân chủ tràn vào tỉnh ta.(25)
Cùng nhau góp vốn lập ra
Hội buôn mua bán hàng ta tự làm.
Phước An thương hội khai trương,
Phan Duân sáng lập tiếng vang mọi miền,
Hội buôn cốt để kiếm tiền
Hỗ trợ cách mạng, chiêu hiền, chiêu sinh...
Phong trào dân chủ, dân sinh
Từ đây lan khắp thị thành, nông thôn
Xuống đường bãi thị, đình công
Chống phường cai ký xén đồng lương eo;
Chống trường bắt buộc trò nghèo
Mặc đồ đồng phục gây bao phiền hà;
Các trường trung, tiểu công tư
Tổ chức truy điệu Tây Hồ Chu Trinh;
Chống quan tỉnh, huyện lộng hành
Trả thù thầy giáo, học sinh thảo hiền;
Quyên tiền ủng hộ Sào Nam (26)
Bị thực dân bắt giam cầm lâu nay.
Phong trào như cánh diều bay
Gặp làn gió mới càng ngày càng cao.
Tư tưởng vô sản tràn vào
Thông qua thuỷ thủ các tàu viễn dương:
Người cùng khổ, Án thực dân
Thanh niên... xâm nhập chỉ đường tiến lên:
Giải phóng dân tộc gắn liền
Cách mạng vô sản trên nền Mác-Lênin,
Do Đảng Cộng sản anh minh
Giương cờ lãnh đạo, kết đoàn toàn dân.
Có hai tổ chức tiền thân:
Thanh niên, Tân Việt gieo mầm tỉnh ta. (27)
Đầu tiên Cửu Lợi lập ra
Thanh niên chi bộ gần xa các làng...(28)
Về sau, huyện bộ Hoài Nhơn
Ra đời bầu cử Nguyễn Trân đứng đầu...
Đồng thời Tân Việt cũng vào
Quy Nhơn tỉnh lỵ, bám sâu nhà máy Đèn
Và trường Quốc học Quy Nhơn,
Lan ra Phù Mỹ, An Nhơn, các trường...
Hoài Nhơn ra báo đông sương
Lao động, Lời bày vẽ tuyên truyền nhân dân
Đấu tranh cách mạng kiên cường,
Phá xiềng phong kiến, gông cùm thực dân,
Giành lại độc lập hoàn toàn,
Tự do, dân chủ, an lành cho dân.
Khắp nơi Phù Mỹ, Hoài Nhơn
Xuống đường, bãi khoá, truyền đơn, biểu tình...
Phong trào cách mạng lan nhanh
Nông thôn, miền núi, thị thành gần xa....
(1) Tần Thuỷ Hoàng, Trung Quốc.
(2) Năm 1839, Võ Xuân Cẩn trực tiếp chỉ đạo thực thi chính sách quân điền tại Bình Định.
(3) Gia Long lập năm 1813, nằm ở phí á tây nam thành Bình Định.
(4) Bá Đa Lộc thay mặt Nguyễn Ánh sang Pháp ký ngày 28-11-1787.
(5) Nguyên Tổng đốc Bình Định, quê Phước Hoà, Tuy Phước.
(6) Nguyễn Duy Cung, đương kim Án sát Bình Định.
(7) Đào Doãn Địch tạ thế ngày 20-8-1885.
(8) Võ Duy Dương quê Nhơn An, An Nhơn vào Nam bộ cùng Trương Định, Nguyễn Hữu Huân chống Pháp.
(9) Các tuyến phòng thủ của Cần Vương.
(10) Mai Xuân Thưởng bị bắt ngày 4-5-1887, bị hành quyết ngày 7-6-1887.
(11) Thơ Quách Tấn.
(12) Võ Trứ quê Tuy Phước, vào Phú Yên chống Pháp.
(13) Đinh Dậu 1897
(14) Trần Cao Vân, quê Quảng Nam vào Bình Định hoạt động chống Pháp, núp dưới danh nghĩa thầy địa lý.
(15) Năm 1898.
(16) Cách Sông Cầu khoảng 5 cây số.
(17) Đồn Phủ Cũ và đồn Lại Giang đều bị vỡ.
(18) Lương Khái Siêu, Lưu Vĩnh Phúc, Trung Quốc.
(19) Phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng.
(20) Tăng Bạt Hổ tạ thế ngày 27-8-1907.
(21) Phong trào chống thuế năm 1908 còn gọi là phong trào “đồng bào”.” dan bien”
(22) Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo quê Hoà Cư, An Nhơn.
(23) Hồ Sĩ Tạo bị giam tại thành Bình Định đến năm 1920 thì được ân xá.
(24) Vua Duy Tân bàn với Thái Phiên, Trần Cao Vân kế hoạch tổ chức khởi nghĩa ngày 4-5-1916, nhưng bị bại lộ.
(25) Phong trào 1919-1929.
(26) Cụ Phan Bội Châu còn có tên là Phan Sào Nam.
(27) Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và Tân Việt Cách mạng Đảng.
(28) Nay gọi là chi hội, huyện hội.
|