Bước chân ngắn trên đường xa vạn dặm
16:20', 21/6/ 2006 (GMT+7)

Hằng ngày, trên nhiều con dốc quanh co của thành phố sương mù Đà Lạt, người ta thường nhìn thấy một chàng thanh niên cao chưa đến mét hai cọc cạch chiếc xe đạp sà vào bất kỳ hàng nước hoặc quán cà phê nào để chìa tập vé số ra trước mặt mọi người. “Phú đấy! Chàng thi sĩ họ Võ đấy!” - một người bạn văn nghệ cách nay hơn 5 năm đã nói với tôi câu này.

Võ Tấn Phú

Chàng thanh niên ấy quê ở Bình Định, là người có ngoại hình không bình thường (cao chưa đến 1,2m), suốt ngày lang thang kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo. Người mà tôi muốn nói đến trong bài viết này là anh Võ Tấn Phú, 33 tuổi, thành viên của Câu lạc bộ Sáng tác trẻ thuộc Hội VHNT Lâm Đồng, phụ trách nhóm Ao trắng Đà Lạt.

Là đồng hương Bình Định, lại quen biết với anh đã hơn 5 năm, nhưng mãi đến nay, tôi mới có dịp viết về anh. Lý do: Anh chuẩn bị cho ra mắt tập thơ với tiêu đề Chút tình gửi lại. Cầm tập bản thảo của người đồng hương có thân phận nghiệt ngã trên tay, có gì đó … rưng rưng trong tôi không nén nổi! Rưng rưng bởi ấn phẩm sắp ra đời này là cả gia tài tinh thần vô cùng lớn của một con người kém may mắn: Người có ngoại hình không bình thường, kiếm sống bằng nghề bán vé số, và đặc biệt là không được học hành đến nơi đến chốn như nhiều nhà thơ khác.

Trước tiên, xin được kể một chút về con người kém may mắn ấy. Võ Tấn Phú sinh ra ở một vùng quê Bình Định. Năm lên ba, cậu bé “không bình thường” Võ Tấn Phú được bố mẹ cho đi ở với người dì cùng tộc họ. Cuộc sống “què quặt” cả về tình thương lẫn tương lai của Phú bắt đầu từ đó. Lớn thêm vài tuổi, Phú bỏ nhà lên Đà Lạt kiếm sống bằng nghề… ăn xin. Cứ thế, dấu chân cậu bé chưa đến tuổi lên mười này đã hằn lên trên khắp quãng đường từ quê hương cậu - Bình Định - đến xứ sở sương mù Đà Lạt qua năm lần bảy lượt đi về quãng đường dài dằng dặc ấy.

Đi đến đâu, Phú xin ăn tới đó. Và một ngày đầu năm 1997, chàng thanh niên có thân hình thấp bé khác thường ấy đã quyết định “định cư” ở Đà Lạt với sự lựa chọn có lẽ không thể khác được: Bán vé số “chuyên nghiệp”! “Cơ hội của cuộc đời dành cho tôi không nhiều. Vì sự khiếm khuyết của hình vóc. Vì trình độ văn hóa của tôi chỉ mới dừng lại ở lớp 6” - Võ Tấn Phú tâm sự.

Và cũng từ dạo ấy, từ chiêm nghiệm, từ sự quan sát của con người không bình thường, những dòng thơ của Phú ra đời: “Nỗi buồn của tôi/đã chôn chặt dưới đáy đại dương/cùng những nỗi buồn khác/…/Trần gian này chật chội/cứ để tôi ôm nỗi buồn của mình/Về với đất/ngủ yên” (Gom nỗi buồn về). Đọc những dòng này, nếu ai đó có ý định trách anh thì xin chớ vội. Bởi, đó chỉ cái nhìn của một con người ngay từ lúc mới sinh ra đã kém may mắn như Phú. “Nhưng rồi, cũng từ dạo ấy, một trong những may mắn của cuộc đời tôi là được gặp gỡ, giao lưu với các anh chị, cô chú cầm bút thuộc lớp người đi trước. Họ đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ…” - Phú nói. Đây là những dòng tâm sự “thật như đếm” của con người bất hạnh: “Tôi như vầng dương mới mọc/Nương bóng tre xanh, trườn mình lên đỉnh dốc/Khát khao dâng hiến đời mình/Các anh sẽ chờ, dù ngày tháng trôi nhanh/…/Tôi/Chú chim non/Ngày đêm luyện cho thuần tiếng hót…” (Thơ tặng người đi trước).

Ở một “tâm sự” khác, Phú viết: “Anh qua nửa đời hơn thiệt/Một mình nhưng không cô đơn/Bạn bè mến thương nhiều lắm/Chia nhau cả những giận hờn” (Viết cho người yêu cũ). Cũng từ đó, “con mắt nhìn” của Phú đã có sự thay đổi. Trước hết, anh nhìn “Ông lão hành khất” (tên một tác phẩm của Phú) bằng cái nhìn vừa đồng cảm nhưng cũng rất tinh đời pha chút ngạo nghễ thường tình: “Ông sẽ về đâu/Khi đường phố không còn chỗ cho người hành khất/Chiếc gậy thời gian/Khua vỡ lòng đêm/…/Ông lão ngước mặt lên trời/Cười vang trong mưa”. Trong bài “Ước mơ”, Phú viết hẳng đề tặng - “Tặng người bán vé số”: “Lang thang dọc phố sinh viên/Một chiều mưa không ướt áo/Thấy em cười nói hồn nhiên/Ngỡ mình đứng trong tâm bão/…/Từ đó không ai gọi nữa/Cái tên cha mẹ đặt cho/Mỗi lần đi ngang trước cửa/Người ta vẫy lại, ước mơ…”.

Tin yêu hơn và cũng từ đó, thơ của Phú đã có cái nhìn trong trẻo trong chính sự ưu tư vốn dĩ: “Cần một chốn riêng tư để ru lòng mỗi khi bất ổn/Anh gọi em dằng dặc đường tình/Sao cứ xa như khói đời mỏng mảnh/Anh về nằm trên chiếc giường đơn/Gối tay trắng nghe mùa chuyển gió…” (Xa). Đặc biệt, một tình yêu đã đến với anh, “con mắt nhìn” ấy như mở toang cánh cửa lòng: “Xuân hôn vầng trán phố/En lượn vòm trời xanh/Ngàn thông lên tiếng hát/Gọi nụ mầm bung nhanh/…/Giữ cho nhau em nhé/Lời yêu thương nồng nàn/Nguyên sơ trên mí mắt/Niềm tin yêu mùa xuân” (Lời yêu thương mùa xuân).

Quê hương khắc ghi vào Phú những tủi hờn (đi ở cho bà dì và “bị hành hạ khủng khiếp” - như lời của Phú) nhưng Phú vẫn rất đằm thắm: “Trái ngô non lùi nóng hổi trao tay/Mà mắt gửi bao điều tình tự/Em có hiểu lòng người ở phố/Khát một vòng tay quê ấm áp thơm nồng” (Vòng tay quê). Quê hương trong con người bất hạnh này đôi khi là một “cánh chim hoang” nhưng những khát khao, những nỗi niềm của Phú lại cứ trong trẻo đến kỳ lạ trong chính những ưu tư, dằn vặt: “Gió ngàn xưa thổi lại/Mưa trắng trời trong xanh/Ta cúi đầu câm lặng/Giữa cuộc đời vắng tanh/…/Tiếng trăm năm réo gọi/Cánh chim hoang quay về/Gục đầu trong ngực mẹ/Bầu sữa nồng ngủ say” (Gọi cánh chim hoang). Anh nghĩ về chị gái của mình, người chị ở quê: “Cảnh nhà mình đơn vắng/Bố cao tuổi, mẹ già/Ngày nắng, đêm đông giá/Ai đưa cơm rót trà/Em bây giờ viễn xứ/Rong ruổi đời bôn ba/Chạnh lòng thương chị gái/Tuổi xuân thì dần qua” (Nhớ chị). Vẫn với dòng suy tưởng “Nhớ chị”, trong một bài thơ khác, Phú viết: “Vó ngựa hoang bao bụi đời trở lại/Mái nhà tranh quay hướng bờ sông/Khi chiều xuống trải ngàn hoa sắc đỏ/Có ai về để chị đợi hoàng hôn” (Thương chị hoàng hôn). 

Suốt ngày lang thang kiếm sống bằng những tờ vé số rủi may nhưng Phú, chàng trai Bình Định kém may mắn trên đất Đà Lạt - Lâm Đồng, vẫn cặm cụi sáng tác lại chính là “cái may” mà anh đã xác định được cho mình trong cuộc “rong chơi” và cả “đánh đố” với chuyện văn chương, thơ phú. Những tờ Áo Trắng, Văn nghệ TP HCM, Văn nghệ Quân đội… và nhiều báo chí địa phương đã đăng thơ của Phú. Đó cũng là một nguồn động viên.

Tập thơ đầu tay “Chút tình gửi lại” sắp ra đời với sự sẻ chia của bạn hữu về “kinh phí” cũng lại là một nguồn động viên khác! Nguồn động viên ấy, suy cho cùng, cũng không thấm vào đâu khi đặt nó vào con đường văn chương - chữ nghĩa của một con người kém may mắn như Phú. Có thể nói, con đường thơ văn quả là dài dằng dặc, nhưng với Phú thì bước chân của anh lại quá ngắn. Tuy nhiên, Võ Tấn Phú, chàng thanh niên có bước chân quá ngắn ấy, sẽ còn đi xa hơn nữa - tôi tin là như thế!

  • Võ Khắc Dũng

THƯƠNG CHỊ HOÀNG HÔN

Nắng sân trường thôi không in bóng nữa

Chị ra đồng thay mẹ nuôi em

Miền đất thấp, năm hai mùa nước lũ

Vai chị gầy, năm tháng gánh oằn thêm

 

Có cái gì không thể gọi bằng tên

Rung giữa gối, bàn tay côi úp mặt

Tiếng lũ chim gọi sau vườn réo rắt

Chị giấu lòng trong muôn nhuỵ hoa xinh

 

Vó ngựa hoang bao bụi đời trở lại

Mái nhà tranh quay hướng bờ sông

Khi chiều xuống trải ngàn hoa sắc đỏ

Có ai về để chị đợi hoàng hôn…

. Võ Tấn Phú

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định thông sử diễn ca (VII)  (21/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (VI)  (20/06/2006)
Việc gì khó có bá Nhượng !  (20/06/2006)
Tú Anh vượt khó, học giỏi  (20/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (V)  (19/06/2006)
Mẹ đỡ đầu của 3 trẻ mồ côi  (19/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (IV)  (17/06/2006)
Có một “câu lạc bộ” thơ văn thời Tây Sơn   (16/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (III)  (15/06/2006)
Điều hạnh phúc nhất của tôi   (15/06/2006)
Hương dừa   (14/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (I)  (14/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (II)   (15/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca  (14/06/2006)
Thượng sĩ Trần Đức Việt dũng cảm bắt giữ bọn côn đồ   (13/06/2006)