"Từ khi còn học phổ thông, mỗi lần nhìn giáo viên viết bài trên bảng, bụi phấn bay tứ tung, bám vào quần áo… tôi cứ nghĩ có cách nào để khắc phục những nhược điểm này không. Ý nghĩ này đeo đẳng mãi cho đến khi tôi tình cờ phát hiện ra rằng, những đặc tính của nam châm có thể tạo ra một loại bảng mới…". Đó là tâm sự của anh Nguyễn Đình Nhơn (quê ở thôn Vĩnh Trường, Cát Hanh, Phù Cát) về sáng kiến dùng nam châm tạo bảng viết từ tính (đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế năm 2005).
Bộ bảng viết hoạt động theo phương pháp từ tính có 3 bộ phận: bảng viết, dụng cụ viết và dụng cụ lau bảng. Bảng viết là một mặt phẳng được làm bằng thủy tinh, hay mica, có chứa các thanh nam châm (TNC)… để hiển thị chữ viết. Dụng cụ viết giống như những cây viết thông thường, nhưng lõi được làm bằng TNC khác cực với các TNC trên bảng viết. Dụng cụ lau bảng được làm bằng mút hay vải, bên trong cũng có chứa 1 TNC dạng tấm. Muốn tạo ra chữ viết, dùng dụng cụ viết hút các TNC về phía trước, giống như cách viết bình thường. Khi cần xóa, dùng dụng cụ lau bảng sao cho bề mặt tiếp xúc cùng cực với các TNC, khi đó, những TNC sẽ bị hút vào bên trong mặt phẳng và chữ viết "biến mất". Kích thước của bảng có thể điều chỉnh tùy theo yêu cầu sử dụng.
Dựa trên nguyên lý của nam châm, khi 2 thanh TNC tiếp xúc với nhau, sẽ đẩy nhau khi cùng cực và hút nhau khi khác cực, bộ bảng viết làm bằng thủy tinh, mica được cấu tạo gồm hàng triệu các lỗ có dạng hình ống… tạo nên một mặt phẳng. Mặt phẳng này là bề mặt để hiển thị chữ viết, hình ảnh… Bên trong các lỗ hình ống này là các TNC vĩnh cửu có kích thước nhỏ như những sợi cước, nằm lọt bên trong ống. Giữa mặt phẳng và các TNC được phủ những màu sắc nhất định, tương phản với nhau. Bình thường, các TNC nằm sâu trong các lỗ hình ống, khi có lực từ tác động lên mặt phẳng, các TNC sẽ bị hút ra ngoài tạo nên chữ viết hay hình ảnh.
Ngoài việc chế tạo ra bảng viết, nguyên lý này còn có thể ứng dụng làm ra các bức tranh dùng để trang trí. Chẳng hạn, khi các TNC trong lỗ được sơn một màu nóng như: cam, cam đỏ, vàng… còn mặt phẳng được sơn bằng một màu lạnh như xanh lá cây, xanh nhạt, tím nhạt… Khi trời nóng bức, ta dùng từ lực đẩy các TNC vào sâu bên trong, khi đó bức tường có màu lạnh. Khi trời rét ta cũng dùng từ lực kéo các TNC về phía trước, khi đó bức tường sẽ có màu nóng...
Đây là một sáng kiến độc đáo, vì mặc dù nam châm đã được sử dụng phổ biến trong thực tiễn nhưng dùng để tạo ra bảng viết thì chưa có. Dùng bảng từ tính trong giảng dạy là một giải pháp không ảnh hưởng sức khỏe cho người sử dụng, vì nam châm là loại nguyên liệu sạch, phổ biến, không gây hại đến sức khỏe. Vì tính thực tiễn và tính sáng tạo, giải pháp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế năm 2005, và là một trong hai giải pháp được cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích của tỉnh Bình Định từ trước đến nay.
Chủ nhân của sáng kiến này xuất thân là một sinh viên ngành cơ khí, nhưng hiện nay đang là… biên tập viên cho một nhà xuất bản tại Đồng Nai. Ngoài công tác biên tập, viết sách, thời gian rãnh rỗi anh lại dành cho những nghiên cứu, tìm kiếm những ý tưởng- những niềm đam mê từ khi còn là sinh viên. Anh Nhơn cho biết: Tôi tin rằng trong tương lai, loại bảng này sẽ được phổ biến trong thực tiễn, nhất là để tạo ra các bức tranh trang trí. Tôi sẵn sàng hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ với mọi đối tượng để sử dụng rộng rãi loại bảng từ tính tiện ích này".
|