Người con hiếu thảo
15:13', 30/6/ 2006 (GMT+7)

Những cụ già quê tôi, hàng ngày thường đem chuyện thầy Chạy hết lòng phụng dưỡng cha mẹ làm tấm gương dạy bảo con cháu. Nghe chuyện tôi nảy ra ý định tìm đến tận nơi xem thực hư ra sao.

Thầy Bùi Chạy năm nay 59 tuổi, cùng vợ là cô Lục Thị Hạnh, 54 tuổi hiện ở đường số 5, thôn Gia Chiểu, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân. Mấy năm trước, thầy - cô dạy ở Trường Trung cấp nông nghiệp thuộc xã Ân Tường Đông, nay cô Hạnh chuyển xuống dạy trường PTCS huyện Hoài Ân; còn thầy Chạy cách đây 3 năm vì con gái lớn đi lấy chồng, con trai út đi học đại học, các cụ không có người chăm nom nên thầy xin nghỉ hưu trước tuổi. Hai cụ thân sinh ra thầy thì một cụ 92 tuổi, một cụ 88 tuổi. Hai cụ thân sinh ra cô quê ở Cao Bằng được thầy- cô đón vào phụng dưỡng đã hơn 20 năm nay: một cụ 85 tuổi, một cụ 84 tuổi. Bốn cụ già thì hai cụ bị gãy xương chân không đi lại được, một cụ chỉ di chuyển xung quanh căn phòng bằng cách dùng 2 tay ôm chiếc ghế. Duy nhất có một cụ dùng 2 cây gậy là có thể đi ra ngoài. Bốn cụ ở chung trong căn hộ khép kín có đủ bếp ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh, có điện sáng, ti vi và đài bán dẫn.

Hàng ngày cô phải đến trường dạy còn thầy phải dậy sớm từ 5 giờ đạp xe lên Ân Tường Đông cách nhà hơn 10 cây số mua thực phẩm cho cả ngày rồi ở đó chăm sóc các cụ. Thu dọn cửa nhà, giúp các cụ làm vệ sinh cá nhân, thầy còn dành hàng tiếng đồng hồ để xoa bóp, chuyện trò an ủi các cụ. Khổ nhất là ngày cụ ông thân sinh ra thầy bị gãy xương phải nằm bệnh viện. Thầy vừa chăm sóc người ốm vừa chăm sóc 3 cụ còn lại nên phải đi đi về về như con thoi. Đêm đêm vì đau xương, cụ ông kêu rên đến nỗi bệnh nhân nằm cùng phòng không thể ngủ được phải chuyển đi nơi khác. Sáu tháng trời thầy hầu như không đêm nào ngủ được, ban ngày chợp mắt được một lúc rồi lại vội vã đạp xe lên Ân Tường Đông chăm sóc các cụ. Số tiền lương ít ỏi của thầy-cô thì phần lớn dành nuôi 2 đứa con ăn học đại học, nên còn lại chả là bao, phải chắt chiu tằn tiện lắm mới chi tiêu đủ. Cứ như vậy ròng rã 10 năm nay, thầy hết lòng chăm nom 4 người là cha mẹ mình và cha mẹ vợ không một lời phàn nàn kêu ca. Thầy dành tiền mua cho các cụ 1 chiếc xe lăn. Ngày lễ ngày tết thầy đặt các cụ lên xe, đẩy xe lên tận ủy ban xã để các cụ chào cờ mùng một tết và gặp gỡ bạn bè.

Khi tôi thổ lộ viết bài về việc làm của thầy, thầy gạt đi mà nói: “Đấy là trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ mình, có gì mà đáng nói”. Vâng, có lẽ cái đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hết lòng kính yêu phụng dưỡng cha mẹ đã thấm sâu vào nếp nghĩ của vợ chồng thầy, hay bao nhiêu năm đứng trên bục giảng dạy dỗ học trò về đạo làm người đã khiến vợ chồng thầy coi điều đó là việc làm bình thường không có gì đáng nói ?

  • Đinh Dũng Toản
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vị hoàng tử đại đức  (30/06/2006)
Dùng nam châm tạo bảng viết từ tính: Một sáng kiến độc đáo  (29/06/2006)
Quy Nhơn và một góc hoa hè phố  (28/06/2006)
Người tiểu đội trưởng gương mẫu  (28/06/2006)
Tôi muốn dành cho quê nhà nhiều hơn nữa  (26/06/2006)
Người dũng tướng tuẫn tiết trong ngục  (23/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (VIII)  (23/06/2006)
Bãi Xép ngày hè  (23/06/2006)
Bước chân ngắn trên đường xa vạn dặm  (21/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (VII)  (21/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (VI)  (20/06/2006)
Việc gì khó có bá Nhượng !  (20/06/2006)
Tú Anh vượt khó, học giỏi  (20/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (V)  (19/06/2006)
Mẹ đỡ đầu của 3 trẻ mồ côi  (19/06/2006)