Lê Đại Lang là một hào phú ở Hoài Nhơn. Ông là người thích văn chương, nên thường cùng các nhà nho họp bàn kinh sử. Lúc bấy giờ có Đào Duy Từ quê ở Hoài Trai (Thanh Hóa) là người học rộng tài cao, phẫn chí vì luật lệ thi cử khắt khe của vua Lê, chúa Trịnh, bèn lặng lẽ vào Đàng Trong tìm chân chúa. Tới Hoài Nhơn, biết Quận công Trần Đức Hòa là em kết nghĩa của chúa Sãi, ông bèn tìm cách tiến thân. Nhà Lê Đại Lang chỉ cách nhà quan Khám lý Trần Đức Hòa một dòng sông nhỏ, nên Đào Duy Từ giả dạng người hành khất tới xin ăn và được hào phú họ Lê thuê làm người chăn trâu.
Một đêm, các nhà nho trong vùng tới nhà họ Lê đàm luận chuyện văn chương. Lùa trâu vào chuồng xong, Đào Duy Từ cầm roi, mang nón lá ghếch chân lên thềm lắng nghe. Khách lên tiếng quát đuổi. Người chăn trâu có dịp biện thuyết về nho quân tử, nho tiểu nhân, về người chăn trâu anh hùng, người chăn trâu tôi tớ. Một phen chủ, khách được kẻ nghèo hèn bàn luận như suối chảy về Bách gia, Tam giáo. Người chăn trâu dứt lời, chủ nhà thốt lên: “Tài giỏi vậy sao giấu mãi lão phu. Không phân biệt được ngọc, đá. Tội lắm thay!”. Thế rồi, mời người chăn trâu ngồi lên chiếu trên đàm đạo tiếp. Từ đấy, họ Lê đối xử với Đào Duy Từ như bậc thượng khách.
Ít lâu sau, Lê Đại Lang tiến cử Đào Duy Từ với quan Khám lý. Mến kẻ hiền tài, quan Khám lý liền gả con gái cho. Đào Duy Từ viết Ngọa long cương vãn, được quan Khám lý dâng lên Chúa. Chúa mừng lắm, cho vời ra kinh. Qua hội kiến, Chúa cho đây là nhân tài mà mình đang trông đợi, liền phong làm Nha úy Nội tán tước Lộc Khê Hầu và rồi chúa tôi Kế mưu trù tính quy mô lớn/ Chính sự khuôn phò xã tắc yên.
Đào Duy Từ trở thành đệ nhất công thần của chúa Nguyễn, lập công rất lớn. Nhưng nếu không có một Lê Đại Lang biết tiến cử người hiền tài, không có quan Khám lý hết lòng yêu quý nhà nho lỡ vận, không có một vị Chúa biết sử dụng nhân tài thì sao cánh chim Bằng có thể vỗ cánh ?
|