Người đàn bà "vác tù và cấp nước"
10:38', 9/7/ 2006 (GMT+7)

Một mình lặn lội đến từng nhà dân để vận động bắt nước máy; tổ chức họp tại từng khu dân cư một để thuyết minh sự ưu việt của việc cùng nhau xây dựng hệ thống đường ống; tự mình khảo sát thực địa để có thể vừa thuyết phục Công ty cấp thóat nước chịu dẫn nước lên núi, vừa thuyết phục được đối tác cho vay dự án sẽ tác động tích cực đến đời sống của người dân như thế nào... Nhiều năm nay bà Phạm Thị Thu (SN 1957, ở tổ 38, khu vực 7, phường Đống Đa, TPQuy Nhơn) - Chủ tịch Hội LHPN phường Đống Đa đã “ăn cơm nhà vác tù và cấp nước” cho hàng trăm hộ nghèo ở phường Đống Đa.

 

Bà Phạm Thị Thu đang bàn bạc chuẩn bị bắt nước máy cho bà con Khu vực 4.

 

Cách đây 3 năm, khi Chương trình hỗ trợ phát triển dựa vào cộng đồng TP Quy Nhơn ký kết với Tổ chức ENDA Việt Nam (Environmental Developmet Action in the Third World) thỏa thuận tài trợ nguồn vốn vay để các hộ dân khó khăn có kinh phí bắt nước máy, phường Đống Đa đã nhanh chóng có tên trong chương trình. Phần lớn dân cư ở phường Đống Đa là những lao động nghèo, thu nhập không ổn định. Cùng một lúc phải nộp một khoản tiền lớn cho việc bắt nước máy xem ra vượt quá khả năng của họ. Nhưng được vay, nhiều hộ lại không dám vay, vì sợ vay rồi không có tiền trả. Thế là bà Thu bàn với chị em phụ nữ nên đi vận động để người dân hưởng ứng. Vả lại nếu không tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi này, thì không biết đến khi nào các khu dân cư trong phường mới bắt được nước máy.

Lúc đầu, ý tưởng đi vận động từng nhà dân vay vốn bắt nước máy của bà Thu đưa ra bị nhiều người cho là hoang tưởng. Có người còn bảo: “Lo mà về nhà nấu cơm cho chồng, cho con, chứ đi vận động bắt nước máy cho dân ai mà nghe”. Thế mà bà Thu quyết tâm phải làm được để chứng minh cho mọi người thấy. Nói đi đôi với làm, cứ sau giờ làm việc bà Thu bắt đầu lội bộ vào các khu dân cư, thậm chí phải leo tuốt lên những ngôi nhà ở trên núi để vận động. Trưa không gặp, chiều đi tiếp, chiều không gặp tối lại đến. Vận động lần thứ nhất người dân chưa tin, lại vận động lần thứ hai và… cho đến lúc người dân thông rồi mới thôi.

Với sự kiên trì đó của bà Thu đã mang lại kết quả, từ năm 2004 đến nay đã có hàng trăm hộ dân nghèo của 7 khu vực trong phường, vay vốn bắt nước máy. Hiện nay, bà Thu cũng đã vận động được 116 hộ dân ở khu vực 4, khu vực được xem là khó khăn nhất phường cũng là khu vực cuối cùng được bắt nước máy.

Bà Thu cho biết: “Số tiền cho các hộ dân vay dựa trên kinh phí thực tế sau khi Công ty Cấp thoát nước Bình Định khảo sát, tính toán. Chẳng hạn, các hộ dân ở khu vực 1, kinh phí bắt nước máy trọn gói là 830.000 đồng/hộ, thì phường sẽ cho vay 800.000 đồng/hộ. Mỗi tháng, số hộ vay vốn này sẽ phải trả lãi suất 1% và cộng thêm 100.000 đồng tiền vốn. Như vậy chỉ sau 8 tháng là họ đã trả xong khoản vốn vay để bắt nước máy. Nếu chỉ nói trơn là cho vay ưu đãi bà con sẽ nhát vay. Tính của dân nghèo ở mình nó vậy. Đã nghèo thì rất sợ nợ, sợ vay. Nhưng nếu không vay thì biết lấy đâu ra cả cục tiền như vậy. Mình giúp bà con tính rành rẽ ra từng khoản một, lãi suất bao nhiêu, nó là ít hay là nhiều, mình sẽ trả trong bao lâu... Khi bà con tin thì họ sẽ vay. Có được chừng 5-7 hộ chịu vay là mọi việc có đà liền. Nghĩ thử coi, mình là cán bộ nhà nước hưởng lương ngân sách. Ngân sách là do dân đóng góp mà không làm được việc gì mang lại lợi ích cho dân, thì làm cán bộ để làm gì. Tui nghĩ như thế đó, nghĩ vậy nên dù gặp khó khăn trong lúc đi vận động tôi vẫn không nản chí. Giờ đây, mỗi lần tôi đến các khu vực, nhất là những khu vực nhà dân ở trên núi cao, tôi không còn nhìn thấy cảnh chị em phải đi xuống phía dưới gánh từng gánh nước, mà chỉ cần mở van là có nước sử dụng, tôi mừng vui lắm. Ngồi nghĩ lại, việc ăn cơm nhà vác tù và cấp nước của mình không bị uổng phí chút nào”.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiến cử hiền tài  (07/07/2006)
Tham quan làng nghề truyền thống An Nhơn  (07/07/2006)
Ông Tốt làm trang trại giỏi  (06/07/2006)
HỒI KÝ: ĐỜI TÔI VÀ NGHỆ THUẬT   (05/07/2006)
"Hạnh phúc lớn nhất là được bà con tin cậy"  (03/07/2006)
Khám phá Suối Tiên  (30/06/2006)
Người con hiếu thảo  (30/06/2006)
Vị hoàng tử đại đức  (30/06/2006)
Dùng nam châm tạo bảng viết từ tính: Một sáng kiến độc đáo  (29/06/2006)
Quy Nhơn và một góc hoa hè phố  (28/06/2006)
Người tiểu đội trưởng gương mẫu  (28/06/2006)
Tôi muốn dành cho quê nhà nhiều hơn nữa  (26/06/2006)
Người dũng tướng tuẫn tiết trong ngục  (23/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (VIII)  (23/06/2006)
Bãi Xép ngày hè  (23/06/2006)