Chuyện của một học sinh nghèo vượt khó học giỏi
9:38', 11/7/ 2006 (GMT+7)

Tình cờ, tôi đã được gặp Trần Võ Thùy Dung, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn tại văn phòng Hội Khuyến học tỉnh khi em đến đây để nhận học bổng “Lá Xanh” của Hội Khuyến học Đông Du. Thùy Dung tâm sự: Em rất biết ơn những nhà hảo tâm người Nhật Bản và các cô, chú trong Hội Khuyến học Đông Du, Hội Khuyến học tỉnh. Nhiều năm qua, từ khi em còn học lớp 2, học bổng “Lá Xanh” đã theo sát những bước đường học tập của em, giúp em từng bước vượt qua khó khăn để học tập tốt.

       Trần Võ Thùy Dung

Thùy Dung lớn lên trong một gia đình nghèo ở tổ 20, khu vực 3, phường Lê Hồng Phong. “Ba đã ly dị với má em từ khi nào, em cũng chẳng còn nhớ rõ. Chỉ nhớ, mỗi lần ba đi đâu về là uống rượu say, là quậy phá, đánh đập má và la mắng chúng em…” - Dung kể trong nước mắt. Tuổi thơ của Dung là những ngày tháng buồn vì mất mát và thiếu vắng sự ấm cúng, hạnh phúc của một gia đình với tình yêu thương của cả ba lẫn má. Má em, một phụ nữ mới 39 tuổi nhưng đã phải sớm hôm vất vả để nuôi 2 con và mẹ chồng đã 82 tuổi, thường xuyên đau ốm. Buổi sáng, má bắt đầu ra khỏi nhà từ 4 giờ 30’ để đi chợ đêm, mua rau tận gốc về bán. Rồi tất tả ngược xuôi với gánh hàng rau cho đến tận trưa mới về nhà. Thu nhập chính của gia đình 4 người chỉ dựa vào những đồng lời qua hàng rau ngồi ở vỉa hè, khoảng 300.000 đồng/ tháng, nên hễ làm được thêm việc gì là má Dung lại đôn đáo làm ngay. “Trong mấy ngày TP Quy Nhơn có các anh chị về dự thi đại học, má còn tranh thủ chạy xe ôm để kiếm thêm tiền chi phí các khoản chi tiêu trong gia đình” - Dung kể.

Thương má vất vả, nên Dung rất chăm học. Những năm học tiểu học, Dung đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lên cấp 2, em là học sinh tiên tiến nhiều năm liền. Dung cho biết, em học tốt nhiều môn nhưng thích nhất là môn Anh văn. Dung có cô ruột là giáo viên Anh văn nên có thể nhờ cô kèm thêm. Còn các môn khác, em mua sách tham khảo về nhà tự học. Được nhận học bổng Lá Xanh, mỗi tháng Dung có thêm 90.000 đồng để chi phí cho việc học. Dung cho rằng chỉ có học thật giỏi thì cuộc sống của mình sau này mới đỡ vất vả, mới vượt ra khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện nay; hơn nữa em còn có trách nhiệm học giỏi để trả ơn những người tốt không quen biết từ Nhật Bản đã tiết kiệm để gởi sang Việt Nam giúp em mua sách vở, trả học phí…

Không chỉ vượt khó, học giỏi, hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình, nên ngoài thời gian học, Dung còn cố gắng làm việc nhà giúp mẹ. Ở lớp, em cũng luôn là người bạn vui vẻ, cởi mở, hay giúp đỡ bạn bè. Dung nói: “Em có nhiều bạn thân lắm! Các bạn thường động viên, an ủi, giúp đỡ em lúc khó khăn. Chúng em thường trao đổi với nhau trong học tập để cùng tiến bộ”.

  • Minh Ngọc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người đàn bà "vác tù và cấp nước"  (09/07/2006)
Tiến cử hiền tài  (07/07/2006)
Tham quan làng nghề truyền thống An Nhơn  (07/07/2006)
Ông Tốt làm trang trại giỏi  (06/07/2006)
HỒI KÝ: ĐỜI TÔI VÀ NGHỆ THUẬT   (05/07/2006)
"Hạnh phúc lớn nhất là được bà con tin cậy"  (03/07/2006)
Khám phá Suối Tiên  (30/06/2006)
Người con hiếu thảo  (30/06/2006)
Vị hoàng tử đại đức  (30/06/2006)
Dùng nam châm tạo bảng viết từ tính: Một sáng kiến độc đáo  (29/06/2006)
Quy Nhơn và một góc hoa hè phố  (28/06/2006)
Người tiểu đội trưởng gương mẫu  (28/06/2006)
Tôi muốn dành cho quê nhà nhiều hơn nữa  (26/06/2006)
Người dũng tướng tuẫn tiết trong ngục  (23/06/2006)
Bình Định thông sử diễn ca (VIII)  (23/06/2006)