Trong phong trào Cần Vương và Đông Du, ở Bình Định đã xuất hiện chí sĩ yêu nước chống Pháp Tăng Bạt Hổ. Ông tên thật là Tăng Doãn Văn, sinh năm 1856 tại thôn An Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân ngày nay.
Là người có chí lớn, muốn đem tài đức ra cứu dân giúp nước nên Tăng Bạt Hổ từng tham gia đánh Pháp cùng quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Năm 1885, hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông tổ chức nghĩa quân đóng tại núi Kim Sơn hợp lực cùng nghĩa quân Bùi Điền ở núi Chóp Chài thuộc Phù Mỹ. Năm 1886, khi đem quân đánh đồn Lại Giang (Bồng Sơn), ông bị thương phải rút vào rừng sâu. Rồi trước tình thế triều đình khiếp nhược, ông chủ trương đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Năm 1887, ông bí mật lên Tây Nguyên, tìm đường sang Lào, Xiêm. Từ đấy ông đi Trung Quốc, Nhật Bản, sang tới Nga, châu Âu. Gần hai mươi năm qua nhiều nước Á, Âu giúp ông mở rộng tầm nhìn.
Năm 1903, ông về nước giữa lúc phong trào vận động Duy Tân và Đông Du đang phát triển mạnh và gặp Phan Bội Châu. Phan Bội Châu rất mừng vì gặp được người tin cẩn để cùng sang Nhật. Ngày 10 tháng 4 năm 1905, Tăng Bạt Hổ đưa Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính - hai nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân và Đông Du thời bấy giờ - sang Nhật. Tới Nhật, ba ông có dịp tiếp xúc, đàm đạo với Lương Khải Siêu - nhà cách mạng duy tân Trung Quốc nổi tiếng. Lương có lời khuyên ba ông trước mắt lo khai hóa nhân dân, rèn luyện nhân tài để có thực lực, còn Nhật chỉ nhờ nên về ngoại giao mà thôi. Sau chuyến đi Nhật lần đầu, Phan Bội Châu để Tăng Bạt Hổ ở lại thành phố Hoành Tân một thời gian để làm "đầu cầu" đón người sang Nhật học. Ngôi nhà Hội Đông Du thuê giao cho ông cai quản về sau gọi là "Bính Ngọ Hiên" để kỷ niệm ngày Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đặt chân lên đất Phù Tang.
Tháng 11 năm ấy, Phan Bội Châu sang Nhật lần thứ hai, đưa theo 6 thanh niên sang học. Lần này Phan và Tăng được Khuyển Dưỡng Nghị - Tổng lý Đảng Tiến bộ, mời tới nhà để hội đàm với Tôn Dật Tiên từ Mỹ mới về Nhật. Sau đó, Tăng Bạt Hổ soạn bài văn khuyến khích du học về truyền bá, cổ động thanh niên trong nước hưởng ứng.
Năm 1906 ông đi từ Nam ra tới Huế không may bị bệnh nặng và mất trên một chiếc thuyền trên sông Hương lúc vừa tròn 50 tuổi khi nghiệp lớn còn dở dang.
|