Lộc Xuyên Đặng Quý Địch: Người chép sử cho quê hương
16:46', 18/7/ 2006 (GMT+7)

Nói đến những người viết sách về quê hương Bình Định, không thể không nhắc đến Đặng Quý Địch (bút hiệu Lộc Xuyên). Ông đã cho ra đời nhiều công trình, tác phẩm rất có giá trị…

Đã gần tới tuổi “cổ lai hy”, nhưng ngày nào ông Đặng Quý Địch cũng cặm cụi viết sách. Ảnh: H.T

Một trong những tác phẩm có giá trị nhất của nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch đó chính là Nhân vật Bình Định (xuất bản lần đầu năm 1971, được NXB Văn hóa Dân tộc tái bản năm 2006). Để hoàn thành cuốn sách này, ông đã cất công tra cứu, sưu tầm nhiều thư tịch cổ ở những thần phả, sắc phong, gia phả, truyền thuyết dân gian; lựa chọn, sắp xếp tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân trong tỉnh. Nhân vật Bình Định gồm những tiểu truyện về 54 nhân vật đã sống và làm việc trên đất Bình Định từ đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20. Trong số họ, có người là dân Bình Định gốc, có người phát tích ở nơi khác rồi mới đến Bình Định, có người từ nơi khác đến Bình Định rồi mới phát tích. Nhưng tựu trung, họ đều được dưỡng nuôi thể phách, hun đúc tinh thần từ mảnh đất này và làm nên sự nghiệp.

Nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch cũng góp công lớn trong việc giới thiệu về những danh nhân văn hóa Bình Định thông qua những tác phẩm viết về Bình Định Tam Đào (Đào Duy Từ, Đào Tấn, Đào Phan Duân). Trong Đào Duy Từ khảo biện, Đặng Quý Địch thể hiện cách viết phương pháp viết vừa khảo vừa biện. Đáng nói nhất, những tác phẩm của Đặng Quý Địch viết về Đào Tấn đã như xuyên suốt cả cuộc đời và sự nghiệp của vị danh nhân này. Với Tang sự trích biên (NXB Văn hóa Dân tộc, 2002), Đặng Quý Địch đã dịch lại tác phẩm văn xuôi cuối cùng và gần như duy nhất của Đào Tấn. Mai viên cố sự (NXB Văn hóa Dân tộc, 2005) thể hiện những đóng góp của Đặng Quí Địch trong cách nhìn nhận Đào Tấn. Thú vị nhất là những bài viết mang tính phát hiện của Đặng Quý Địch như Đào Tấn với cây gậy trúc hay việc Đào Tấn học thiền...

Ngoài những tác phẩm đã xuất bản, Đặng Quý Địch cũng đã biên soạn xong rất nhiều tác phẩm có giá trị như Danh liên hợp toản (phiên dịch và chú giải 500 câu liễn nổi tiếng), Hương Sơn cố sự (giai thoại làng nho Bình Định), Văn tế Bình Định (biên tập và dịch giải 50 bài văn tế Hán Nôm, Quốc ngữ của các tác giả Bình Định), Võ kinh (phát hiện và biên dịch 17 bài võ chữ Hán và chữ Nôm)… Đặc biệt, tập sách Những ngôi chùa tiêu biểu tỉnh Bình Định, thì phải mất 3 năm trời lặn lội, Đặng Quý Địch mới hoàn thành. Sách dày gần 3.000 trang, trong đó đã trình bày, khảo cứu về lịch sử, kiến trúc… của từng ngôi chùa. Đây là tư liệu quý giá cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Bình Định.

Lặn lội sưu tầm, tra cứu về mỗi vùng đất, trên từng trang văn; sự hiểu biết, sức đọc và sức viết của người sắp ở tuổi “cổ lai hy” này (ông sinh năm 1939), thật đáng nể. Tính đến nay, sau hơn 40 năm gắn bó với công việc nghiên cứu và viết sách, Đặng Quý Địch đã cho ra đời khoảng 20 tác phẩm rất có giá trị, đóng góp vào kho tàng trí thức của Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Uy vũ Quang Trung làm Càn Long nể phục  (17/07/2006)
Kỳ mưu của Quang Trung  (14/07/2006)
Người dẫn đường "Đông Du"  (14/07/2006)
Một thương binh làm kinh tế giỏi  (13/07/2006)
Chuyện của một học sinh nghèo vượt khó học giỏi   (11/07/2006)
Người đàn bà "vác tù và cấp nước"  (09/07/2006)
Tiến cử hiền tài  (07/07/2006)
Tham quan làng nghề truyền thống An Nhơn  (07/07/2006)
Ông Tốt làm trang trại giỏi  (06/07/2006)
HỒI KÝ: ĐỜI TÔI VÀ NGHỆ THUẬT   (05/07/2006)
"Hạnh phúc lớn nhất là được bà con tin cậy"  (03/07/2006)
Khám phá Suối Tiên  (30/06/2006)
Người con hiếu thảo  (30/06/2006)
Vị hoàng tử đại đức  (30/06/2006)
Dùng nam châm tạo bảng viết từ tính: Một sáng kiến độc đáo  (29/06/2006)