Hạnh phúc của một gia đình nghèo
9:7', 20/7/ 2006 (GMT+7)

Cho đến giờ, căn nhà họ sống chưa có công trình phụ, giếng nước. Mọi thứ trong nhà đều giản tiện hết mức. Nhưng hình như họ không bận tâm lắm về điều ấy bởi họ đã có thứ tài sản lớn nhất - không mua được bằng tiền: đó chính là sự giỏi giang, thành đạt của bốn đứa con…

 

Vợ chồng ông Vũ Hoài Linh và bà Phan Thị Ngọc Trâm. Ảnh: T.H

 

1. Ngôi nhà chỉ có một phòng khách hơn 10 thước vuông và một gian bếp; tủ thờ, cái bàn uống nước với dăm chiếc ghế, chiếc giường đôi… Tất cả đều cũ kỹ nhưng sạch sẽ, tương phản với sắc màu tươi mới của những bằng khen được lồng kính cẩn thận, treo trên tường. Tôi liếc qua: Bằng tốt nghiệp Đại học (ĐH) Bách khoa TP. HCM loại giỏi của Vũ Trần Bảo Sơn năm 2000; các Bằng khen Vũ Phan Bảo Uyên đạt giải toán trong các kỳ thi Olympic Toán học Sinh viên trong 4 năm học ở Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Ở nhà giờ chỉ có hai vợ chồng: ông Vũ Hoài Linh (62 tuổi) và bà Phan Thị Ngọc Trâm (55 tuổi) ở thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân.

Trong câu chuyện về sự học của các con, ông Linh nói: "Vợ chồng tôi chẳng có tài sản quý giá gì để lại cho con ngoài việc truyền cho chúng lòng say mê học tập, khát khao vươn tới những gì tốt đẹp hơn". Bà Ngọc Trâm, ngồi bên chồng, điềm đạm: "Ngày bọn nhỏ học ôn thi đại học, con thức khi nào thì cha mẹ thức khi đó, nhắc nhở con học, bồi bổ thêm cho con. Khi thì trái chuối, củ lang luộc, trái bắp". Bà Trâm người gầy, xanh xao - vẻ thường có của người bị bệnh tim nặng. Bà đổ bệnh sau lần sinh đôi hai người con Vũ Phan Nhật Huy - Vũ Phan Nhật Thành. Thành ra sau, suýt nữa bị ngạt. Gần một tuổi mà cổ của Thành vẫn chưa thể ngẩng cao lên được. Từ năm 1983 đến năm 1990, cả gia đình họ di chuyển nhiều nơi, lúc ở Bà Rịa Vũng Tàu, lúc ở Phan Rang, lúc ở Lâm Đồng… Cơm có khi không đủ ăn, phải độn thêm củ lang, củ mì… Đến năm 1991, hai vợ chồng quyết định chọn quê ông ở thôn Vạn Hội làm chốn dừng chân. Thời ấy, một mình ông Linh cáng đáng mọi công việc trong nhà: chăm vợ đau, nuôi bầy con mọn và kiếm sinh kế.

2. Có lẽ, cảm nỗi vất vả nhọc nhằn của cha mẹ mà các con, từ Vũ Trần Bảo Sơn (SN 1976), Vũ Phan Bảo Uyên (1983) đến hai anh em Nhật Huy - Nhật Thành (SN 1984) đều là học sinh giỏi từ cấp 1 lên thẳng đến ĐH bằng con đường tự học là chính. Vợ chồng người hàng xóm kế bên nhà ông Linh nhận xét: "Anh em nó học thì gạch, ngói trên mái nhà có rớt xuống trước mặt cũng không hay. Vẻ ngoài trông khù khờ vậy mà  học lại cực kỳ giỏi".

Các con vào ĐH, ông bà chỉ lo nổi cho con những tháng đầu nhập học. Học kỳ II và các năm tiếp, các con tự đi làm thêm trang trải mọi thứ. Thời điểm khó khăn nhất của gia đình là khi cả ba chị em hầu như học ĐH cùng một lúc: Bảo Uyên hết năm 1, hai em trai tiếp bước theo chị. Có thời gian Bảo Uyên đã định nghỉ học, nhường suất cho hai em. Được ba mẹ động viên, cô tiếp tục học. Món quà cô tặng cha mẹ là 3 điểm 10 cho 3 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp ĐH.

 

Vũ Phan Bảo Uyên trong ngày lễ tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Ảnh: T.H

 

3. Người mẹ ngậm ngùi: "Những năm các con đi ĐH, chẳng có tết nào cả nhà đủ mặt. Bọn chúng đều tự nguyện ở lại thành phố làm thêm, trang trải học phí, sợ mỗi lần về tốn thêm tiền xe cho mẹ cha". Trong lá thư gởi cho cha nhân lần sinh nhật thứ 20, Bảo Sơn nói: "Từ nay, con hứa sẽ sống xứng đáng với những gì mà cha đã cho con trong cuộc đời này. Về phần con, cha đừng lo lắng, con đã xin làm gia sư hơn một tuần nay, lương tháng 400.000 đồng". Năm 2000, Bảo Sơn tốt nghiệp loại giỏi trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, ra trường làm việc ở Công ty FPT, lương 500 USD/tháng. Mới đây, Sơn nghỉ làm, theo học một lớp chuyên gia phần mềm cao cấp và chuẩn bị đi tu nghiệp ở Hàn Quốc.

Năm 2005, Bảo Uyên ra trường, trúng tuyển vào Công ty Đạm Phú Mỹ. Lương cao, thưởng hấp dẫn là niềm mơ ước của nhiều sinh viên mới ra trường. Nhưng cô lại không muốn "tụt hậu trong phòng lạnh ở cơ quan" mà đang có ý định tiếp tục học lên cao. Hai người con trai út Huy và Thành đang học ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh.

4. Ông Linh từng học Đại học Văn Khoa Huế. Năm 1965, ông bỏ học tình nguyện làm phóng viên chiến trường cho cách mạng đến ngày giải phóng. Do thay đổi chỗ ở nhiều lần đến nay ông vẫn chưa thể làm được các thủ tục xác nhận hưởng chế độ. Tâm sự với tôi, ông bảo không lấy đó làm phiền bởi đó là bổn phận của người dân khi đất nước có chiến tranh. Ông cũng không cho rằng mình nghèo bởi "tài sản lớn nhất vợ chồng ông có là sự thành đạt, giỏi giang của các con". Bà vợ cười: "Dân văn khoa lãng mạn nên dạy con cũng thế. Thời yêu tôi, ông ấy viết cả ngàn bài thơ. Rồi khi con nhỏ, ổng viết toàn nhật ký để dạy con, chúng lớn lại dạy bằng những lá thư. Ông ấy siêng viết lắm".

Năm 2005, gia đình ông được công nhận là Gia đình hiếu học cấp tỉnh. Đến nay, hai trong số 4 người con của ông bà đã ổn định, có thể lo lắng phần nào cho các em. Nhưng ông bà vẫn sống giản tiện hết mức. Mỗi lần vào thăm con, bà Trâm lại phải bán bớt mấy con gà làm lộ phí.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tài dùng người của Quang Trung - Nguyễn Huệ  (19/07/2006)
Lộc Xuyên Đặng Quý Địch: Người chép sử cho quê hương  (18/07/2006)
Uy vũ Quang Trung làm Càn Long nể phục  (17/07/2006)
Kỳ mưu của Quang Trung  (14/07/2006)
Người dẫn đường "Đông Du"  (14/07/2006)
Một thương binh làm kinh tế giỏi  (13/07/2006)
Chuyện của một học sinh nghèo vượt khó học giỏi   (11/07/2006)
Người đàn bà "vác tù và cấp nước"  (09/07/2006)
Tiến cử hiền tài  (07/07/2006)
Tham quan làng nghề truyền thống An Nhơn  (07/07/2006)
Ông Tốt làm trang trại giỏi  (06/07/2006)
HỒI KÝ: ĐỜI TÔI VÀ NGHỆ THUẬT   (05/07/2006)
"Hạnh phúc lớn nhất là được bà con tin cậy"  (03/07/2006)
Khám phá Suối Tiên  (30/06/2006)
Người con hiếu thảo  (30/06/2006)