Lê Thượng Nghĩa là người huyện Bình Khê (Tây Sơn), sống dưới thời Minh Mạng. Thuở nhỏ, ông được cha mẹ cho theo đòi kinh sử, lớn lên từng hăm hở lều chõng đi thi nhưng rồi không giật nổi bằng tú tài. Không nhụt chí, ông chuyển sang học võ. Sẵn thể chất cường tráng, lại say mê luyện tập, sau nhiều năm thụ giáo, ông trở thành người tinh thông võ nghệ trong vùng. Ông là người thấm đẫm chất Bình Định, vốn chuộng võ tôn văn, nên vừa thích xướng họa văn thơ, vừa hay giao du cùng trang nghĩa hiệp. Bạn bè suy tôn ông là người chuộng nghĩa, đúng như tên gọi song thân đặt cho ông từ thuở lọt lòng.
Thời gian đèn sách đã giúp ông thấu hiểu đạo lý thánh hiền, hun đúc cho ông lòng yêu nước thương dân. Bởi vậy, khi Tổng đốc Đào Doãn Định và Cử nhân Mai Xuân Thưởng chiêu mộ nghĩa sĩ, dân binh phụng chiếu Cần Vương chống giặc, Lê Thượng Nghĩa lúc này đã 60 tuổi, vẫn hăng hái tòng quân. Ông là người cao tuổi nhất trong các chiến hữu Cần Vương, hơn Đào Doãn Định tới 7 tuổi và vào hàng cha chú của Mai Nguyên Soái. Là nhà thơ - chiến sĩ, ông viết Tòng quân hành động viên mọi người tham gia nghĩa quân: Dục ngựa xông pha chốn chiến trường/ Anh hùng nào tiếc máu cùng xương.
Chí giết giặc cứu nước luôn canh cánh trong ông. Đêm đêm, nghe tiếng quạ kêu mà thao thức trước cảnh núi sông chìm trong khói lửa. Hành quân qua thành Bình Định, xúc động trước cảnh đẹp của quê hương mà muốn vung kiếm hát khúc ca diệt thù. Đầu tháng 9 năm 1885, quân Pháp đổ bộ vào Quy Nhơn rồi tiến lên đánh thành Bình Định. Nghĩa quân chiến đấu dũng cảm, nhưng trước vũ khí hiện đại của địch, đành rút khỏi thành, lui quân lên miền núi. Sát cánh chiến đấu cùng nghĩa quân, Lê Thượng Nghĩa làm thơ để động viên mình và động viên các nghĩa sĩ bền gan giết giặc. Tháng 5 năm 1887, phong trào Cần Vương ở Bình Định thất bại, Mai Xuân Thưởng cùng một số chiến hữu lên đoạn đầu đài ở Gò Chàm. Lê Thượng Nghĩa bị bắt, rồi bị địch kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo.
Cảnh tù đày vẫn không khuất phục được khí phách anh hùng của ông. Trong tù, ông vẫn làm thơ động viên các chiến hữu giữ vững tinh thần chiến sĩ. Năm 1910, ông qua đời khi ở tuổi 84.
|