Cổ tích làng H’re
16:43', 24/7/ 2006 (GMT+7)

Suốt mùa hè, Long vừa đi làm thuê vừa phát rẫy trồng chuối, trồng bí.

Tài sản của cậu bé mồ côi là một đám mì và dăm bụi chuối trong hốc đá ở thượng nguồn sông Lại Giang, phía tây huyện An Lão, Bình Định. Để đến được nơi này không có lối mòn, chỉ nghe tiếng hú gọi để định hướng và luồn rừng băng tới...

Tuổi thơ dữ dội

Cách đây 11 năm, mẹ Đinh Văn Long lội sông Nước Giáp sang làng Đất Dài bên cạnh thăm người quen. Bất chợt mưa to, nước thượng nguồn đổ về, mẹ bị nước cuốn đi, ba ngày sau người làng mới tìm được thi thể. Vài tháng sau đó, cha Long bỏ đứa con côi cút để tìm đến với người đàn bà khác, năm ấy Long vừa tròn 7 tuổi và phải một mình đương đầu với cuộc sống khắc nghiệt miền sơn cước trong túp lều xiêu vẹo, đơn độc và heo hút ở cuối làng Nước Giáp.

Người làng Nước Giáp kể rằng: Ngày mẹ mất, cha bỏ đi, Long ốm tong teo như que củi, lủi thủi đi quanh làng, chờ ai cho gì ăn nấy với một chiếc quần cụt che thân. Bắp chuối rừng, khoai luộc, măng luộc là thức ăn hằng ngày của cậu bé mồ côi.

Trong ngôi làng H’re nghèo khó, không mấy gia đình có cơm có cháo để chia sẻ cho cậu bé mồ côi. Cậu bé đói quắt queo ngày ngày chỉ mong nghe được tiếng cồng chiêng đâu đó vang xa, vì đó chính là tín hiệu làng bên có lễ hội, có đám ma, là Long tìm đến chỉ để chờ người làng cho chút cái ăn trong bữa cúng ma, ngon hơn hoa chuối luộc hằng ngày.

Sống giữa rừng việc sinh tồn đâu thể chờ sự thương hại, khi lên 9, 10 tuổi Long đã biết cách bẫy chuột, bẫy rắn sống qua ngày. Chục con chuột hay vài con rắn cũng đổi được túi gạo, đủ ăn ba, bốn ngày.

Từ đó Long quyết chí không đi ăn xin nữa mà tự mình kiếm sống. Một lần đi tìm hoa chuối rừng, nhìn thấy mấy đứa nhỏ trong làng cắp sách vượt núi đi học, Long hỏi ra mới biết đi học được biết cái chữ, biết hát, biết bao điều hay xa hơn tiếng chiêng của núi rừng...

Long thích lắm nên bọn trẻ rủ rê Long cùng đi. Nhưng khi biết đi học cần phải có tiền thì Long càng quyết tâm hơn. Long luồn rừng sâu hơn, kiếm khe suối cao hơn để tìm ra những hang chuột, hang rắn bắt đem đổi ra gạo, ra tiền... Vẫn chưa đủ, để có quần áo tươm tất như chúng bạn, Long tự mình phát rẫy trồng chuối bán. Năm đó Long vừa tròn 11 tuổi.

Ngày Long quyết tâm đến trường, thầy cô và bạn bè ai cũng bất ngờ - thằng cu Long mồ côi nghèo nhất làng Nước Giáp đã tự lo được cho mình con đường đi tìm chữ. Học sau chúng bạn, tan học là lên rừng săn chuột bắt rắn, vậy mà không ai ngờ Long lại là học sinh tiên tiến suốt chín năm liền. Có những ngày lo tập trung học nên về làng trễ không bắt chuột được, Long đành phải vào lều ngủ để quên cái đói vì ăn mãi bắp chuối luộc chấm muối xót cái bụng lắm, thà nhịn còn hơn.

Trái tim không mồ côi

Cách đây ba năm, khi từ rẫy về muộn, ngang qua con suối bìa rừng Long gặp một thằng bé tha thẩn mò cá. Hỏi ra mới biết đó là Nhít, cũng cảnh mồ côi như Long, cũng quanh quẩn khắp xó rừng kiếm cái ăn như Long ngày nào. Không nói không rằng, Long đưa Nhít về túp lều của mình. Từ đó, trong túp lều nhỏ của hai đứa trẻ mồ côi đã có giọng nói, tiếng cười râm ran cả góc núi.

Rồi Long lại tìm mọi cách đưa Nhít đi học. “Có thêm Nhít, em phải làm thêm nhiều hơn nhưng ăn ít hơn. Chỉ những lúc đau ốm hai anh em mới dám nấu hai chén gạo, còn lúc khỏe thì chỉ được nấu một chén gạo thôi, ăn dặm thêm hoa chuối và khoai rừng để dành tiền cho cả hai đi học”. Long kể sợ nhất là mùa đông, mưa to không đi bẫy chuột được, gạo hết, hai anh em chỉ ăn mỗi ngày một bữa khoai luộc. Mùa mưa khoai sượng, muốn ăn no cũng khó nuốt trôi. Cả làng ai cũng khó, chẳng ai thừa gạo cho mình.

Có lẽ các thầy cô ở Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện An Lão là hiểu nỗi khổ của hai anh em Long, Nhít nhất. Sự phấn đấu của hai anh em mồ côi đã làm các thầy cô càng quyết tâm bám lớp, bám trường với học trò vùng cao hơn.

Còn Long vẫn cứ ân hận mãi vì năm lớp 10 và 11 do mải kiếm ăn mà em không đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến. Hai anh em cùng đi học nên luôn thiếu gạo là chuyện thường ngày. Đã mấy lần Long viết giấy xin phép nhà trường cho nghỉ học vì ốm nhưng thật ra em xin nghỉ để đi cuốc cỏ mì thuê kiếm gạo để tiếp tục đến trường. “Có gạo rồi em lại đến trường học tiếp, vừa học vừa kiếm cái ăn nên cũng khó lắm”.

Thầy cô trong trường biết chuyện nên chung tay góp cho anh em Long, Nhít mấy chục lon gạo và thùng mì gói. Long mang ra một bộ quần áo mới tinh khoe: “Vừa rồi thầy Tiến cho em một bộ quần áo mới này đây, em để dành cho năm lớp 12, nhưng rồi cũng tính để lại cho Nhít. Mấy ngày hè này nó ở suốt trên rẫy không về để ráng kiếm tiền cho năm học sắp bắt đầu, tội nghiệp Nhít, quần áo nó đã rách hết rồi...”.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái  (24/07/2006)
Sáu mươi tuổi vẫn tòng quân  (21/07/2006)
Nhớ phở Quy Nhơn  (21/07/2006)
Hạnh phúc của một gia đình nghèo  (20/07/2006)
Tài dùng người của Quang Trung - Nguyễn Huệ  (19/07/2006)
Lộc Xuyên Đặng Quý Địch: Người chép sử cho quê hương  (18/07/2006)
Uy vũ Quang Trung làm Càn Long nể phục  (17/07/2006)
Kỳ mưu của Quang Trung  (14/07/2006)
Người dẫn đường "Đông Du"  (14/07/2006)
Một thương binh làm kinh tế giỏi  (13/07/2006)
Chuyện của một học sinh nghèo vượt khó học giỏi   (11/07/2006)
Người đàn bà "vác tù và cấp nước"  (09/07/2006)
Tiến cử hiền tài  (07/07/2006)
Tham quan làng nghề truyền thống An Nhơn  (07/07/2006)
Ông Tốt làm trang trại giỏi  (06/07/2006)