Năm 1985, khi lần đầu tiên đáp xuống Quy Nhơn, Văn Cao đề nghị được đi thăm những tháp Chàm ở Bình Định. Có phải Văn Cao nhớ đến trường thơ Bình Định thuở trước với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, mà tháp Chàm luôn trở về ám ảnh trong thơ họ.
|
Văn Cao (ảnh: hue.vnn.vn) |
Hay từ vô thức, Văn Cao muốn tìm đến những đài phát sóng. Vâng, có thể coi tháp Chàm như những đài phát sóng, là nơi liên lạc giữa hành tinh chúng ta với vũ trụ. Ở Bình Định có nhiều cụm tháp Chàm, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là tháp Đôi ở Quy Nhơn, tháp Bánh Ít ở Tuy Phước, và ba ngọn tháp Dương Long như ba quả chuông, như ba âm thanh đọng lại giữa một vùng đồi tĩnh lặng.
Văn Cao cùng vợ, bà Thúy Băng, đã được thỏa mãn cái nhu cầu nội tâm ấy. Và khi về lại Quy Nhơn sau chuyến viếng thăm các tháp Chàm, như cuộc gặp gỡ của người trái đất với công trình của người hành tinh khác. Văn Cao đã có ba bài thơ Quy Nhơn. Mở đầu bài "Quy Nhơn II" Văn Cao viết:
"Từ trời xanh
rơi
vài giọt tháp Chàm"
Có lẽ từ trước tới nay, chưa nhà thơ nhà văn nào, kể cả Chế Lan Viên, có được cảm nhận chính xác như thế về các tháp Chàm, về xuất xứ và sự có mặt bí ẩn của những ngọn tháp ấy trên mặt đất này. Mười năm sau khi viết những dòng thơ đầy linh cảm đó, Văn Cao ra đi. Ông đã rơi thẳng vào trời xanh, như "một giọt tháp Chàm".
Bây giờ, khi có dịp về thăm Quy Nhơn, thăm Bình Định, theo những tour du lịch hay trong những chuyến đi riêng tư, thầm lặng, bạn hãy dành thời gian viếng thăm những tháp Chàm nơi đó. Những tháp Chàm luôn đổi khác khi bạn viếng thăm chúng vào những thời gian khác nhau trong ngày.
Và ở những thời tiết khác nhau, chúng cũng trở lên khác. Những ngày mưa, tháp Chàm như co lại, tự quay vào với cuộc sống nội tâm bí ẩn. Còn những ngày nắng đẹp, thì buổi sáng, tháp Chàm như mở hết ăng-ten đón nhận những tín hiệu từ vũ trụ, còn buổi chiều, giữa những hoàng hôn đỏ rực trong yên lặng, những tháp Chàm bắt đầu nói chuyện với bầu trời.
Dù bạn vào giữa lòng tháp, dù bạn đứng bên chân tháp, lúc nào thật chăm chú, thật yên tĩnh, bạn sẽ nghe được những âm thanh lạ. Có thể, đó là những gì mà bầu trời thăm thẳm kia muốn nhắn gửi với bạn, qua trung gian tháp Chàm. Và xin nhớ rằng, Văn Cao cũng đã từng đứng lặng nơi bạn đứng, từng lắng nghe như bạn lắng nghe, từng cảm nhận như bạn cảm nhận.
. Theo Nông thôn ngày nay
|