Từng là người lính, chị Nguyễn Thị Thiện (SN 1953, ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn) hiểu rất rõ chuyện mất đồng đội, thất lạc mộ phần là đau đớn đến đâu. Sau chiến tranh, chị phục viên trở về quê đảm nhận chức vụ cán bộ công tác thương binh xã hội của xã. Và trong suốt 23 năm gần đây, chị âm thầm đi tìm và bốc mộ cho gần 200 liệt sĩ ở quê mình.
|
Chị Thiện đến thăm gia đình chính sách bà Dễ.
|
Trước khi trở thành cán bộ thương binh xã hội (1983), chị đã từng là mậu dịch viên ở HTX, văn thư, rồi cán bộ văn hóa của xã… Chị vẫn day dứt với ý nghĩ “còn mắc nợ khi chiến tranh đã chấm dứt hơn 30 năm nhưng vẫn còn nhiều đồng đội chưa được quy tập về nghĩa trang”. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng phải đến khi đảm nhận công việc cán bộ thương binh xã hội chị mới có điều kiện lặn lội thu thập thông tin và tìm kiếm khắp mọi nơi từng là chiến trường xưa ở xã để quy tập mộ liệt sĩ.
Nghe tôi hỏi, chị tìm được chừng bao nhiêu mộ, chị cười - “Nhiều quá, làm sao nhớ hết”. Ngay cả những kỷ niệm vui buồn cũng chỉ khi bạn bè ngồi lại với nhau mới nhớ ra kia.
Năm 1997 sau hơn 10 ngày vất vả khi đi bốc mộ liệt sĩ trong hai căn hầm bí mật trên núi Dông Bụng, thôn Xuân Vinh chị bốc được 7 mộ, thu xếp các anh về nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Mỹ. Linh cảm nhắc rằng - còn thiếu, chị đi tìm hỏi những nhân chứng sống, tra lại tài liệu lịch sử ở xã thì được biết thêm: trong trận đánh ấy có đến 10 chiến sĩ chưa tìm được tung tích. Chị lại vội vàng khăn gói thu xếp hành trang trở lại núi Dông Bụng, cố gắng tìm cho ra và đưa được 3 liệt sĩ còn sót lại về cùng đồng đội.
Sau đận đó, chị đổ bệnh nặng phải điều trị tại BVĐK khu vực Bồng Sơn. Mọi người đều nghĩ chắc chị sẽ không tiếp tục công việc khó nhọc gần như chỉ dành cho đàn ông này nữa. Vậy mà, chị vẫn không bỏ cuộc. Hết bệnh, chị lại lầm lũi lên gò xuống suối, đọc đọc tìm tìm.
5 năm gần đây, chị đã tìm và quy tập được thêm 41 mộ liệt sĩ, nâng tổng số mộ liệt sĩ đã quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Mỹ lên 416 mộ. Trong đó, có 200 mộ do chị Thiện quy tập.
“Thẳng tính, nhiệt tình, say mê công việc và có tinh thần trách nhiệm cao”- là nhận xét chung của mọi người khi nói về chị. Toàn xã Hoài Mỹ có 893 hộ chính sách, chiếm 28,4% số hộ của xã. Trong đó có 667 liệt sĩ, 527 gia đình liệt sĩ và 56 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 408 thương binh và 367 người được hưởng trợ cấp hàng tháng. Do đó, công việc chi trả trợ cấp, chăm sóc đời sống cho gia đình chính sách, vận động quyên góp… khiến chị bận rộn suốt ngày. Lúc ngơi việc, chị lại vội vàng thu xếp đến thăm hỏi, giúp đỡ gia đình chính sách neo đơn ở xã.
Khi chúng tôi tìm đến nhà, thì được tin chị đang đi thăm gia đình ông bà Trần Duy Hồng (82 tuổi) và Hồ Thị Dễ (80 tuổi) ở thôn Xuân Khánh đều là người có công với cách mạng. Chị Thiện vừa nghe tin cụ bà bị té gãy chân vội vàng đến thăm và giúp đỡ. Trước khi ra về, bà Dễ vẫn nắm chặt tay chị nhắn nhủ: “Cố tìm giúp mẹ mộ đứa con gái (liệt sĩ Trần Thị Học- PV) hy sinh năm 1972 tại Núi Bà - Phù Cát”.
Chị Thiện tâm sự: “Ngày nào mình còn sức khỏe, xã vẫn còn những liệt sĩ chưa tìm được mộ thì vẫn gắng bó với công việc đi tìm mộ này. Đó như là lời bày tỏ tấm lòng tri ân của mình với đồng đội đã hy sinh. Hiện mình đang cố gắng liên hệ với Phòng nội vụ - LĐTBXH huyện Hoài Nhơn và Sở LĐTBXH để đi tìm kiếm mộ chị Học để ông bà có thể yên tâm khi đã gần đất xa trời”.
|