"Nước loạn anh hùng khoác chiến y"- đó là câu thơ đầy cảm khái của Võ Trứ. Võ Trứ quê ở thôn Nhơn Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Thuở nhỏ, ông được cha mẹ cho theo đòi bút nghiên, từng lều chõng vào trường thi Bình Định, nhưng mộng khoa cử không thành. Khi thực dân Pháp chưa đánh chiếm Bình Định, có một thời ông được bổ làm chánh tổng, nhưng rất mực thương dân.
Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, ông cùng Đào Doãn Dịch, Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa chống Pháp. Ông là vị tướng giữ quân lệnh rất nghiêm, tuần tra canh gác bảo vệ căn cứ cẩn mật, chiến đấu rất anh dũng. Năm 1887, khi nghĩa quân tan rã, từ Tây Sơn, ông bí mật đi vào chùa Đá Bạc ở Sơn Hòa (Phú Yên) tiếp tục mưu đồ đại nghĩa.
Bị địch truy lùng gắt gao, nhưng tới tháng 7 năm 1897, một cuộc họp bàn kế hoạch khởi nghĩa vẫn diễn ra ở chùa Đá Trắng (Tuy An, Phú Yên). Võ Trứ chọn rừng Đồng Xuân với núi La Hiên hiểm trở, hang Xuân Lãnh làm nơi cất giấu lương thực và vũ khí, làm mật khu. Ông còn vận động đồng bào Thượng cầm vũ khí cùng nghĩa quân đứng lên đánh giặc. Năm 1898, Phú Yên bị mất mùa, chính quyền bắt dân đóng thuế gắt gao, lòng người căm giận. Lợi dụng tình thế, Võ Trứ quyết định khởi nghĩa. Mùa hè năm ấy, quân khởi nghĩa với cung tên, giáo mác tiến thẳng từ căn cứ xuống đánh chiếm Sông Cầu. Đến dốc Quýt, giặc Pháp điều quân đón đánh. Mặc dù chiến đấu anh dũng, song vũ khí thô sơ vẫn không thắng nổi súng ống hiện đại, Võ Trứ đành cho quân rút về căn cứ.
Để tiêu diệt nghĩa quân, quân Pháp dùng hỏa công đốt vùng rừng mật khu, lại bắt giam sư sãi, khủng bố dân chúng rất dã man. Trước tình thế ấy, Võ Trứ quyết định ra nộp mình cho giặc để cứu dân. Bị tra tấn, ông khảng khái lên án bọn quan lại Nam Triều làm tay sai cho Pháp. Không làm được gì hơn, chúng chặt đầu ông bêu ở cầu Tam Giang, Sông Cầu mấy ngày liền để uy hiếp tinh thần dân chúng.
|