Nuôi con ăn học bằng lúa, khoai quê nghèo
9:57', 1/8/ 2006 (GMT+7)

“Con người ta đi học chỉ có “một chút”, con mình đi học mang theo cả xe ba-lua “của cải”…”. Ông Trần Thúc Khảo, ở thôn Thái Thuận, xã Cát Tài (Phù Cát) đã bắt đầu câu chuyện nuôi con ăn học với chúng tôi như thế.

 

Gia đình ông Trần Thúc Khảo được biểu dương trong Đại hội gia đình hiếu học tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ nhất.

 

* Cật lực lao động

Ông Khảo giải thích, của cải ở đây là củ mì, đậu, đỗ, lúa, heo, gà, bầu, bí… Vì mỗi lần các con vào trường, vợ chồng ông phải bòn mót từng chút trong nhà, bán đi lấy tiền cho con đi học. Cái thời bao cấp khó khăn, nhà ai cũng khó cả, nhưng đối với gia đình ông Khảo-  bà Thức còn khó khăn bội phần bởi đông con và đứa nào ông cũng “mộng” cho học tới nơi, tới chốn. Muốn cho con học thì ba, má phải xoay ra mà làm thôi. Làm tối mắt, tối mũi vẫn không đủ nuôi con ăn học, phải vay nợ. Cả nhà có 4 sào lúa làm công điểm cho hợp tác xã, làm sao đủ ăn. Tằn tiện chi tiêu, cuối cùng vợ chồng ông cũng sắm được 1 cái cộ, 1 chiếc máy suốt lúa cho mướn để lấy công. Nhờ vậy, người ta làm được 1 công/ ngày, riêng ông làm được 3 công/ ngày - một công lao động, 2 công cho mướn phương tiện lao động. Cuộc sống gia đình nhờ đó mà bớt nhọc nhằn hơn, nhưng để nuôi con ăn học thì còn là gánh nặng. Suốt ngày làm lụng nhưng đêm nào ông Khảo cũng không ngủ được vì còn bận suy tính làm thêm việc gì, làm cách nào để kiếm được tiền. Nghiệt nhất là cái năm “2 thằng học ở Huế, 1 thằng học ở Sài Gòn, bò đã bán, đến cái chuồng bò cũng phải bán”- ông Khảo kể. Nhà còn mỗi bụi tre, ông phải chặt từng cây tre đẩy xuống chợ Trung Chánh mà bán. Có hôm, trời mưa tầm tã, âm u, cha đẩy tre xuống chợ, con lầm lũi đi học về. Cha con giáp mặt nhau mà vẫn không nhận ra nhau để rồi lại phải đi tìm. Kỷ niệm ấy, ông không bao giờ quên được.

* Đổi chữ cho con

Của đầy non cũng không bằng cho con ba chữ! Ông Khảo luôn tâm niệm câu nói ấy của bậc hiền nhân để rồi đến bây giờ ông hoàn toàn mãn nguyện về cách vươn lên của gia đình mình. Các con ông, hiện có 2 người là giáo viên, 2 người là bác sĩ, 1 là kỹ sư. Riêng anh Trần Thúc Khang luôn là niềm tự hào của gia đình với thành tích học tập đáng nể: học sinh giỏi 12 năm liền, đạt giải nhì học sinh giỏi toán lớp 12 cấp tỉnh, tốt nghiệp đại học Y khoa Huế, lấy bằng thạc sĩ ngay trong năm tốt nghiệp và trở thành giảng viên ĐH Y Huế, hiện đang tu nghiệp ở Pháp. Các cháu nội, ngoại của ông đang học phổ thông, các năm học đều là học sinh giỏi. Gia đình ông nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa cấp huyện và cấp tỉnh. Vợ chồng ông tham gia tích cực vào công tác khuyến học và các hoạt động xã hội ở địa phương.

Ông Khảo đã cho biết về kinh nghiệm dạy con nên người của mình: người lớn trong gia đình phải lao động chân chính, gương mẫu, làm tấm gương cho con học tập. Bên cạnh đó, cha mẹ phải thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con cháu ý thức tiến thân, học để làm người, học để thoát được cảnh nghèo nàn, lạc hậu; luôn quan tâm, kiểm soát chuyện học hành của các con; xây dựng cho chúng nề nếp học tập tốt, tập thể dục để giữ gìn sức khỏe, lao động có khoa học. Tạo điều kiện cho con, cháu quan hệ với những người tốt, gia đình có nề nếp, kỷ cương, có truyền thống hiếu học…

  • Ngọc Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sông Kôn mùa võ  (31/07/2006)
Còn không hở cốm ?  (31/07/2006)
"Nước loạn anh hùng khoác chiến y"  (28/07/2006)
Người đàn bà tìm mộ  (27/07/2006)
Văn Cao và tháp Chàm Bình Định  (26/07/2006)
Cô thủ khoa yêu nghề giáo  (25/07/2006)
Cổ tích làng H’re  (24/07/2006)
Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái  (31/07/2006)
Sáu mươi tuổi vẫn tòng quân  (21/07/2006)
Nhớ phở Quy Nhơn  (21/07/2006)
Hạnh phúc của một gia đình nghèo  (20/07/2006)
Tài dùng người của Quang Trung - Nguyễn Huệ  (19/07/2006)
Lộc Xuyên Đặng Quý Địch: Người chép sử cho quê hương  (18/07/2006)
Uy vũ Quang Trung làm Càn Long nể phục  (17/07/2006)
Kỳ mưu của Quang Trung  (14/07/2006)