Thêm một giả thuyết mới về mộ vua Quang Trung
11:10', 1/8/ 2006 (GMT+7)

Trong chuyến đi câu cá gần cửa biển Phú Hài, ông Võ Hồng - một người dân xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã tình cờ lạc bước đến trước ngôi mộ cổ khá đặc biệt nằm khuất trong một khu vườn vắng vẻ cách thành phố Phan Thiết chưa đầy 10 km. Bên mộ có pho tượng tạc một võ tướng với dáng mạo uy nghiêm to như người thật. Trên bụng của tượng khắc mấy dòng chữ Hán...

Tin chắc nhân vật chôn bên dưới "nhứt định không phải người thường" nhưng mãi đến ngày qua đời vào năm 1990, ông Võ Hồng vẫn chưa rõ đó là ai. Vấn nạn để lại đã truyền một cách mạnh mẽ sang người con gái của ông là chị Võ Thị Minh Liêm, sinh năm 1956, tốt nghiệp đại học (ngoại ngữ) tại TP.HCM và suốt 16 năm qua chị vừa dạy học vừa đi tìm sự thật về lai lịch người nằm dưới mộ. Cuối cùng chị đi đến giả thuyết đó là mộ của vua Quang Trung và nhiều lần đến tòa soạn Báo Thanh Niên để trình bày chi tiết. Chị nói:

- Ai đọc sử cũng biết sau ngày lên ngôi năm 1802, vua Gia Long "tận pháp trừng trị" nhà Tây Sơn, sai quật mộ vua Quang Trung ở lăng Đan Dương lên, nghiền nát xương cốt thành tro rồi trộn với thuốc súng mà bắn. Nhưng đó chỉ là mộ giả. Vì lúc bấy giờ vua Quang Trung qua đời kể đã chục năm (mất năm 1792, ở tuổi 40) nên người nhà Tây Sơn đủ thời gian để bí mật chuyển di hài nhà vua đến một nơi khác. Tôi nghĩ rằng nơi đó nằm ở miền đất cực Nam Trung Bộ là địa bàn mà nhà Tây Sơn rất rành rõ đường đi nước bước. Và có thể chính Hoàng hậu Ngọc Hân theo lời tiên đoán của ngài La Sơn phu tử về hậu vận ngắn ngủi của nhà Tây Sơn nên bà đích thân dẫn các tùy tướng lẳng lặng đưa di hài vua Quang Trung lên thuyền, xuôi về hướng Nam. Họ đến cửa biển Phú Hài gần Phan Thiết, rẽ vào nhánh sông nhỏ, rồi ngược dòng đổ bộ lên cánh rừng hoang vắng để chôn cất nhà vua ở vị trí hiện nay, dưới ngôi mộ cổ mà cha ruột tôi là cụ Võ Hồng phát hiện trong khu vườn hiếm người lai vãng kia. Ông chủ vườn người gốc Bình Định (là đất dấy nghiệp của nhà Tây Sơn), vợ ông ta là dân đảo Phú Quý (dân trên đảo này có thể là hậu duệ của các tướng sĩ Tây Sơn chạy tránh cuộc truy sát của nhà Nguyễn chứ không phải dân đánh cá bị bão dạt vào xưa kia), sinh sống trên đất vườn trải 5, 6 đời rồi. Họ đã thấy pho tượng bên mộ từ hồi còn nhỏ, gương mặt tượng rất quắc thước hao hao giống bức vẽ chân dung vua Quang Trung lưu truyền bấy lâu. Gần mộ cổ có nhiều mộ khác. Xa hơn, về phía Long Hương cách đó khoảng 40 km, người ta cũng mới tìm được con dấu của vua Quang Trung đúc năm 1791 (một năm trước ngày nhà vua qua đời) do một đội cấm quân của nhà Tây Sơn giữ. Điều đó chứng tỏ họ vẫn có mặt sâu về phía Nam vào thời điểm đó - với những hoạt động trải dài đến khu mộ cổ".

Một số dẫn chứng khác liên quan đến giả thuyết được chị Liêm nêu lên với GS Phan Huy Lê và các nhà nghiên cứu tại hội thảo về Phú Xuân - Thuận Hóa mở tại Huế mấy năm trước. GS Phan Huy Lê nói với chị: "Tôi đã đọc hết tài liệu của cô. Nếu cô có thêm bằng chứng thật khoa học, tôi sẽ đề xuất Nhà nước mở một cuộc khảo sát thực địa". Nhưng than ôi, chị Liêm kêu lên, nếu pho tượng kia còn thì sẽ thuyết phục hơn. Đằng này nó không ở chỗ cũ nữa, hỏi chủ vườn thì được trả lời tượng bị kẻ trộm lấy mất. Rồi đây các vết tích khác chắc cũng mất theo nếu không kịp thời bảo vệ. Chị thông báo hết sự việc trong đơn thỉnh nguyện gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin và cho biết thêm: "Nông dân đào ao nuôi tôm phát hiện bộ xương voi ở độ sâu 3 mét gần mộ cổ trên và trong vòng một cây số vuông quanh đó còn có nhiều mộ khác với hình dáng lạ mắt, trông xa như con voi đang nằm gọi là mộ voi phục. Có mộ như ngôi nhà xưa bên trên lợp ngói. Xin quý cấp lãnh đạo vui lòng duyệt xét đơn thỉnh nguyện này để có cuộc khảo sát làng quê tôi thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, nơi có những ngôi mộ cổ khá đặc biệt có khả năng liên quan đến dấu tích lịch sử và những anh hùng". Nội dung tương tự cũng được chị gửi đến các cơ quan nghiên cứu khoa học lịch sử ở trung ương và địa phương để chỉ nhận vỏn vẹn hai lá thư phúc đáp chung chung rồi thôi. Thấy không mấy kết quả, đồng nghiệp và ngay cả người trong gia đình ban đầu cộng tác ủng hộ chị về sau tỏ ra chán nản bảo: "Mi đừng có khùng lao đầu vào một việc mơ hồ không ai thèm ngó tới". Nhưng chị vẫn giữ quyết tâm của mình, vì theo chị, cho dù không tìm thấy mộ vua Quang Trung đi nữa, thì một cuộc khảo sát như thế cũng mang lại những tài liệu khảo cổ học bổ ích về các ngôi mộ cổ ở vùng đất có dấu chân nhà Tây Sơn hiện diện. Chúng tôi nghĩ tấm lòng tha thiết đi tìm sự thật lịch sử của chị Minh Liêm rất đáng quý. Tuy nhiên kết luận cuối cùng vẫn phải nhờ đến công việc của các nhà khoa học. Hiện chị đau rất nặng phải vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cách đây vài tháng. Khi viết những dòng này chúng tôi hay tin chị đã về quê Bình Thuận mang theo một số tài liệu mới về giả thuyết của mình để thảo thêm một thư thỉnh nguyện nữa trên cuộc hành trình đang mở...

. Theo TNO

 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, khi sự thật chưa sáng rõ người ta có quyền đưa ra các giả thuyết và riêng ông đã từ lâu khẳng định dấu tích lăng mộ Hoàng đế Quang Trung nằm trên gò Dương Xuân, ấp Bình An, TP Huế. Tuy có một số phản biện đối với giả thuyết trên của ông, song gần đây tiếp xúc với phóng viên Báo Thanh Niên ông vẫn giữ ý kiến của mình. Theo ông, lăng vua Quang Trung tức lăng Đan Dương nằm một nơi nào đó gần chùa Thiền Lâm (cũ). Ông bảo khi nhà Nguyễn làm lễ hiến phù đã quật phá lăng này, chuyển chùa đi nơi khác và tuyên bố "phủ Dương Xuân mất tích" cùng với xương cốt của Hoàng đế Quang Trung bị bắn tan thành khói, nhưng công bố đó sai với thực tế, vì ngôi mộ bị quật là mộ giả, còn mộ thật của vua Quang Trung đến nay vẫn được bảo vệ an toàn dưới lòng đất sâu của Huế(?).

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nuôi con ăn học bằng lúa, khoai quê nghèo  (01/08/2006)
Sông Kôn mùa võ  (31/07/2006)
Còn không hở cốm ?  (31/07/2006)
"Nước loạn anh hùng khoác chiến y"  (28/07/2006)
Người đàn bà tìm mộ  (27/07/2006)
Văn Cao và tháp Chàm Bình Định  (26/07/2006)
Cô thủ khoa yêu nghề giáo  (25/07/2006)
Cổ tích làng H’re  (24/07/2006)
Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái  (31/07/2006)
Sáu mươi tuổi vẫn tòng quân  (21/07/2006)
Nhớ phở Quy Nhơn  (21/07/2006)
Hạnh phúc của một gia đình nghèo  (20/07/2006)
Tài dùng người của Quang Trung - Nguyễn Huệ  (19/07/2006)
Lộc Xuyên Đặng Quý Địch: Người chép sử cho quê hương  (18/07/2006)
Uy vũ Quang Trung làm Càn Long nể phục  (17/07/2006)