Trò chuyện với sinh viên giỏi nhất thế giới
10:56', 3/8/ 2006 (GMT+7)

Nhận danh hiệu SV giỏi nhất nước Anh năm 2004.

Chưa xong chương trình A-Level (dự bị đại học), Nguyễn Chí Hiếu đã được nhiều trường đại học (ĐH) danh tiếng ở Anh gởi thư mời vào học. Còn một năm nữa mới tốt nghiệp ĐH, nhưng bao nhiêu công ty hàng đầu thế giới đã ngấp nghé muốn “xin”. Điều gì đã làm cho chàng trai trông có vẻ thư sinh, mặt còn “búng ra sữa” “đắt hàng” đến vậy?

8 giờ! Tôi điện thọai. Không có người nhấc máy. 9 giờ! Nghe giọng nói còn ngái ngủ từ đầu dây bên kia…

* Chào bạn, học khuya hay sao mà bây giờ mới dậy?

Tôi vẫn giữ thói quen đi ngủ rất khuya và thường trở dậy vào khoảng 10 giờ sáng nên hay bỏ mấy tiết học đầu giờ…

* Nghe bạn nói, tôi có cảm giác việc học ở bên Anh thật nhẹ nhàng, thoải mái? 

 Không hẳn vậy! Nhưng sinh viên (SV) chỉ phải bắt buộc lên lớp 4 tiết/ tuần, còn lại muốn ở nhà lên thư viện, lên mạng hay có thể làm bất cứ việc gì khác cũng được. Ở đây, các phương tiện hỗ trợ học tập khá đầy đủ, hiện đại, SV có thể học ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào. Miễn sao, vào các kỳ kiểm tra, anh phải làm bài cho tốt. Học thoải mái nhưng nếu không có kiến thức, anh sẽ không thể lọt qua được các kỳ kiểm tra bởi việc ra đề thi, chấm thi ở đây là do một Hội đồng sát hạch tổ chức, không thiên vị cho SV nào. Thí sinh cũng không thể mang tài liệu hay quay cóp được vì đề thi sẽ không ra theo kiểu học thuộc lòng, học vẹt. Sự sáng tạo và mới mẻ của mỗi SV sẽ được giáo viên đánh giá rất cao.

* Hãy bật mí về danh hiệu “SV giỏi nhất thế giới” đi!

Danh hiệu này do Viện Giáo dục Quốc tế phối hợp với tổ chức Goldman Sachs Foundation- một ngân hàng chuyên lo cho các hoạt động giáo dục- bình chọn. Lúc đó, nghe trường thông báo, tôi cũng thử nộp đơn và được trường xét tuyển. Có khoảng 800 SV của 80 trường ĐH trên khắp thế giới tham gia cuộc bình chọn hàng năm này (năm 2006 là năm thứ 6).

100 SV xuất sắc nhất đã được trao danh hiệu Goldman Sachs Global Leader (Nhà lãnh đạo tương lai). Thú thật, lúc đầu, tôi cũng chỉ muốn thử xem thế nào. Và khi nhận được kết quả thì ngạc nhiên và rất mừng. Tôi quan niệm, danh hiệu này như một giải thưởng làm giàu thêm vào bộ thành tích của mình. Được là 1/100 SV giỏi nhất thế giới, tôi sẽ có được mạng lưới bạn bè trên khắp thế giới và có thêm rất nhiều cơ hội về học bổng và việc làm để lựa chọn. Nhưng cái được lớn nhất là tôi sẽ được tham gia vào một hoạt động xã hội rất có ý nghĩa để trưởng thành.

* Vậy “Goldman Sachs Global Leader” Nguyễn Chí Hiếu sẽ làm một cái gì đó cho cộng đồng?

Hàng năm, Goldman Sachs Foundation sẽ cấp vốn cho khoảng 4- 5 dự án của các “nhà lãnh đạo tương lai”. Tất nhiên, dự án được chọn sẽ phải có ý nghĩa và có  tính khả thi.

Tôi đang suy nghĩ rất nhiều và muốn làm một cái gì đó vì cộng đồng. Một số anh chị thế hệ thứ 4, thứ 5 của “Goldman Sachs  Global Leader” đã đi dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo ở Châu Á; tổ chức quyên tiền để mở trường học hay lên kế hoạch đưa công nghệ thông tin vào các trường học ở Thái Lan; mở công ty tư vấn cho phụ nữ nghèo ở Pháp hay tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội khác.

Tôi đang chuẩn bị cho năm cuối ĐH và cũng đang muốn tìm một cơ hội để tiếp tục học lên tiến sỹ nên chưa có thời gian để đầu tư sâu cho dự án của mình. Nhưng nhất định, tôi sẽ tham gia, có thể là một dự án cung cấp sách giáo khoa, máy vi tính cho các trường học nghèo ở vùng quê Việt Nam chẳng hạn...

Trong suốt năm học vừa qua tại Học viện Kinh tế - Chính trị Luân Đôn, các hoạt động ngoại khóa “dữ dội” đã làm Hiếu bận bịu “quá trời” luôn. Nguyên cả học kỳ một là chuẩn bị cho “Đêm văn hóa Việt Nam” tại trường với vai trò vừa ban tổ chức, chỉ đạo sân khấu, vừa dạy múa, vừa dẫn chương trình vừa kiêm luôn diễn viên. Tiếp theo đó, là “Đêm nhạc Trịnh Công Sơn”, “Lễ hội Tết ở Birmingham” và dẫn chương trình cho “Lễ hội Văn hóa dân gian” ở Luân Đôn. Nghỉ hè, về Việt Nam, Hiếu tham gia với Trường Lê Quý Đôn tổ chức Hội thảo du học cho các bạn học sinh lớp 11, lớp 12. Và giữa tháng 8 này, lại bay vào TP Hồ Chí Minh giúp cho Hội đồng Anh tổ chức Hội thảo du học…

 

Học viện Kinh tế -Chính trị Luân Đôn- top 5 trường ĐH hàng đầu ở Anh nơi Hiếu đang du học.

 

* Coi bộ hoạt động của Hiếu đa dạng dữ à ?

Các trường ĐH nước ngoài, rất chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa của SV. Trong tuyển dụng cũng vậy, họ không chỉ xem kết quả học tập của SV này như thế nào mà còn phải thấy anh ta đã hoạt động tập thể ra sao. Ở trường của tôi cũng vậy, có đến hàng ngàn câu lạc bộ. SV tuỳ theo năng khiếu, sở thích của mình có thể tham gia vào một hoặc nhiều câu lạc bộ để thể hiện mình. Trong quá trình học tập ở trường, để biết cách làm việc, hoạt động với tập thể, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, cách điều hành, lãnh đạo hay tổ chức một phong trào, … không có sách vở nào dạy mình được mà phải “lăn xả” vào các hoạt động.

Thú thật, lúc đầu tôi không nghĩ là mình có thể làm được nhiều việc như thế. Nhưng khi đã nhận nhiệm vụ rồi thì phải gắng hết sức. Và một khi đã gắng hếât sức, tôi lại nhận thấy mình có khả năng làm được nhiều việc. Khả năng là một cái gì đó còn tiềm ẩn ở trong mỗi người, nếu bạn nhiệt tình tham gia vào các hoạt động, khả năng sẽ lộ diện ngay thôi! “Rễ có đắng mới biết quả ngọt!”. Bạn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc khi đã cống hiến hết mình.

* Trong một môi trường mà ở đó, mọi cá nhân được bộc lộ tài năng đến mức tối đa. Phải chăng, đó chính là lý do để rất nhiều học sinh, SV Việt Nam muốn ra nước ngoài học tập?

Ở trong nước các hoạt động xã hội, ngoại khóa của học sinh, SV cũng phát triển khá mạnh nhưng do “sức ép” về học tập hơi lớn nên các bạn không còn nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội. Mặt khác, có lẽ là do vấn đề kinh phí nên hoạt động ngoại khoá của các trường ĐH ở trong nước vẫn chưa thường xuyên và phổ cập được cho tất cả mọi SV. Còn ở đây, trường ĐH như một xã hội thu nhỏ. SV có thể tự do ngôn luận. Ýù kiến của SV luôn được lãnh đạo trường tôn trọng. Giáo viên sai được SV góp ý cũng rất vui vẻ tiếp thu chứ không áp đặt… Tôi cho rằng, các bạn SV Việt Nam rất tài năng, tuy nhiên, nhiều bạn chưa có điều kiện để được phát triển đến mức tối đa. Điều đó có thể thấy, khi đã ra nước ngoài học tập, các bạn đã nhanh chóng thể hiện được khả năng của mình.

Nguyễn Chí Hiếu, sinh ngày 27- 11- 1984, tại TP Quy Nhơn, Bình Định, nguyên là học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn TP Quy Nhơn. Năm 2002, Hiếu được nhận học bổng và sang Anh học A-Level. 2 năm học A- Level, Hiếu đã luôn đạt điểm A  các môn học, là thủ khoa của nhóm môn học Toán và trở thành “SV hệ dự bị ĐH của năm” vượt qua 335.000 SV khác ở Anh.

Hiện nay, Hiếu đang là SV năm thứ 2 ngành kinh tế của Học viện Kinh tế- Chính trị Luân Đôn- một trong 5 trường ĐH hàng đầu của nước Anh và cũng luôn ở vị trí đầu. Vừa qua, anh là 1/100 SV đã vinh dự được nhận danh hiệu “SV giỏi nhất thế giới” năm 2006.

* Vậy nên, trong dịp về Việt Nam nghỉ hè năm nay, Hiếu đã rất tích cực mở các hội thảo du học. Bạn có ý tưởng gì khi muốn “kết nối” SV Việt Nam ra thế giới? 

Tìm một cơ hội học bổng ở các trường ĐH danh tiếng ở Anh, ở Mỹ không khó nhưng đó không phải là con đường cho số đông học sinh, SV. Để cơ hội du học đến với rất nhiều người, tôi nghĩ rằng, cần phải mở được con đường liên thông  đào tạo giữa các trường ĐH trong nước và nước ngoài. Hiện nay, để vào học các trường ĐH tốt trên thế giới, học sinh đều phải trải qua 2 năm học A- Level.

Bằng A- Level là một chứng chỉ có uy tín và đã được chấp nhận trên toàn thế giới. Do đó, một học sinh đã trải qua chương trình A-Level, sẽ được chấp nhận vào học tại một trường ĐH nào đó ở nước ngoài, không phân biệt là học A- Level ở đâu, Trung Quốc, Singapore hay ở Việt Nam. Nên chăng, Bộ GD & ĐT cần thí điểm một mô hình đào tạo A- Level như một bậc học chuyển giao giữa THPT và ĐH.

Học sinh hoàn tất chương trình lớp 11 sẽ tiếp tục học 2 năm A- Level. Sau đó có thể lựa chọn, tiếp tục học 3 năm ĐH ở trong nước hay ở nước ngoài. Như thế, học sinh sẽ tiết kiệm được rất nhiều về thời gian và chi phí học tập. Tuy nhiên, muốn được như vậy, Bộ GD & ĐT phải có sự liên hệ và thiết lập được môi trường đào tạo liên thông với các trường ĐH lớn ở nước ngoài. Mặt khác, phải đầu tư đội ngũ giáo viên dạy học bằng tiếng Anh và các phương tiện hỗ trợ học tập…

  • Q.H
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thêm một giả thuyết mới về mộ vua Quang Trung  (01/08/2006)
Nuôi con ăn học bằng lúa, khoai quê nghèo  (01/08/2006)
Sông Kôn mùa võ  (31/07/2006)
Còn không hở cốm ?  (31/07/2006)
"Nước loạn anh hùng khoác chiến y"  (28/07/2006)
Người đàn bà tìm mộ  (27/07/2006)
Văn Cao và tháp Chàm Bình Định  (26/07/2006)
Cô thủ khoa yêu nghề giáo  (25/07/2006)
Cổ tích làng H’re  (24/07/2006)
Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái  (31/07/2006)
Sáu mươi tuổi vẫn tòng quân  (21/07/2006)
Nhớ phở Quy Nhơn  (21/07/2006)
Hạnh phúc của một gia đình nghèo  (20/07/2006)
Tài dùng người của Quang Trung - Nguyễn Huệ  (19/07/2006)
Lộc Xuyên Đặng Quý Địch: Người chép sử cho quê hương  (18/07/2006)