Vị tướng người Bình Định hy sinh trong những ngày đầu chống Pháp
8:20', 4/8/ 2006 (GMT+7)

Lê Đình Lý (sinh năm 1790) là người thôn Vạn Thái (nay thuộc xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ). Thuở nhỏ, ông được cho học cả văn lẫn võ, lại ham đọc binh thư, nên sớm thể hiện là người có năng khiếu về binh cách.

Thời Gia Long, ông được tuyển vào quân ngũ. Vốn tính cẩn trọng, trù liệu việc quân cơ kỹ càng, ông được vua tin dùng, tới năm ông đã 68 tuổi mà vẫn chưa cho về trí sĩ.

Lúc bấy giờ, sau một thời gian cho hạm đội diễu võ dương oai ở Đà Nẵng, thực dân Pháp đưa thư yêu cầu triều đình cho lập Lãnh sự ở Huế và mở thương điếm ở cửa Hàn nhưng bị từ chối. Ngày 1-9-1858, Phó Đề đốc Pháp Rigautl de Guenouilly đưa 2.350 binh sĩ Pháp và Tây Ban Nha đánh chiếm hai đồn Điện Hải và An Hải ở cửa Đà Nẵng. Dù đã chống cự quyết liệt, nhưng trước thế giặc mạnh, quân ta đành rút khỏi hai đồn.

Tin cấp báo về triều, Tự Đức sai quan Khâm sai Đào Trí đem 2.000 quân hợp sức với quân Tổng đốc Nam Ngãi cự địch. Đào Trí đưa quân vào đến nơi, hai đồn đã mất về tay giặc. Tình thế nguy cấp, vua Tự Đức vời lão tướng Lê Đình Lý vào triều. Lúc này ông đã 68 tuổi và đang là Tổng quản Hữu quân bảo vệ Hoàng thành. Sau lời ủy lạo, vua phong ông làm Thống tướng, đem 2.000 cấm binh tinh nhuệ vào Đà Nẵng cứu vãn tình thế.

Vào đến nơi, ông họp các tướng để thống nhất lực lượng, rồi lệnh cho binh sĩ đào công sự để tránh đạn pháo địch, củng cố lại các đồn cận kề với Điện Hải và An Hải, lại sai đặt các vọng lâu và xích hậu thám thính để theo dõi tình hình địch hòng kìm chân chúng rồi tìm thời cơ tái chiếm hai đồn. Nhiều ngày đụng độ giữa quân ta và quân tuần chiến của Pháp, hai bên ở thế giằng co. Ta không cho Pháp hành quân lan rộng ra, Pháp cũng cản ta vây chặt thêm vùng chiếm đóng.

Tới ngày 6-10-1858, sau khi nã pháo dữ dội vào làng Mỹ Thị, quân Pháp hùng hổ xông vào phá ụ súng, lũy cản của quân ta, rồi kéo quân sang làng Cẩm Lệ. Tại đây, Thống tướng Lê Đình Lý trực tiếp chỉ huy quân ta đánh trả quyết liệt, khiến quân Pháp núng thế phải thối lui. Không may, một viên đạn địch đã xuyên trúng ngực ông. Quân sĩ vội đưa ông về Quảng Nam điều trị, mấy ngày sau thì ông qua đời. Triều đình thương xót vị lão tướng liều thân cứu nước, đã đưa bài vị ông vào thờ ở miếu Hiền lương. Ông là một trong những vị tướng Việt Nam đầu tiên hy sinh trong những ngày đầu chống Pháp.

  • Xuân Thanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
PHẦN MỀM QUẢN TRỊ BÁN HÀNG   (03/08/2006)
Trò chuyện với sinh viên giỏi nhất thế giới  (03/08/2006)
Thêm một giả thuyết mới về mộ vua Quang Trung  (01/08/2006)
Nuôi con ăn học bằng lúa, khoai quê nghèo  (01/08/2006)
Sông Kôn mùa võ  (31/07/2006)
Còn không hở cốm ?  (31/07/2006)
"Nước loạn anh hùng khoác chiến y"  (28/07/2006)
Người đàn bà tìm mộ  (27/07/2006)
Văn Cao và tháp Chàm Bình Định  (26/07/2006)
Cô thủ khoa yêu nghề giáo  (25/07/2006)
Cổ tích làng H’re  (24/07/2006)
Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái  (31/07/2006)
Sáu mươi tuổi vẫn tòng quân  (21/07/2006)
Nhớ phở Quy Nhơn  (21/07/2006)
Hạnh phúc của một gia đình nghèo  (20/07/2006)