Nữ võ sư Hồ Hoa Huệ:
Người truyền bá võ cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài
9:43', 8/8/ 2006 (GMT+7)

Nữ võ sư Hồ Hoa Huệ sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ thuật. Với ước mơ, bằng sự say mê và khổ luyện, võ sư đã gặt hái nhiều thành công: 4 năm liền (1996 - 1999) đạt Huy chương Vàng tại các kỳ thi võ thuật Việt Nam, năm 1998 được cấp bằng Võ sư Quốc tế 5 đẳng, năm 2006 bằng Võ sư Quốc tế 7 đẳng và hiện là Chưởng môn Tinh võ đạo Việt Nam.

 

Võ sư Hồ Hoa Huệ biểu diễn bài “Thương thuật”.

 

Kể về cuộc đời và nghiệp võ của mình, võ sư Hồ Hoa Huệ xúc động tâm sự: “Mặc dù xa quê hương đã lâu, nhưng khi nhắc về Bình Định, tôi luôn nhớ về chiếc nôi của võ thuật. Và cũng chính nơi đây là chiếc nôi đã cưu mang tôi trước khi bước vào võ nghiệp và góp phần rèn dạy tôi trở thành một võ sư như hôm nay”. Sinh ra từ một gia đình có truyền thống võ nghiệp ở Tân Giang - Tây Sơn (nay thuộc An Khê - Gia Lai), võ sư bắt đầu mê võ từ lúc lên 2 tuổi. Ba tuổi cha mất, bà ở với ông nội là võ sư Hồ Văn Cao và được ông nội truyền dạy võ. Năm lên 10 tuổi, ông nội qua đời, bà lại được võ sư Phạm Đồng tiếp tục truyền dạy cho đến khi 14 tuổi. Sau đó, bà vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Tại đây, bà vẫn tiếp tục theo đuổi đến cùng nghề võ và được võ sư Hồ Văn Lành (cũng là một võ sư thuộc một môn phái võ Tây Sơn - Bình Định) truyền dạy trong suốt 2 năm, rồi tiếp tục học quyền Anh do một võ sư người Philippin truyền dạy. Đến năm 17 tuổi, chị học thêm các môn võ: Thiếu Lâm, Vịnh Xuân Quyền, dưới sự hướng dẫn của thầy Lư Trọng Nho (người Trung Quốc). Đến năm 1978, bà về quê mẹ Tiền Giang, mở lò dạy võ ở xã Hòa Hưng - Bắc Mỹ Thuận. Năm 1984, võ sư Hồ Hoa Huệ trở lại thành phố Hồ Chí Minh, nơi có điều kiện tốt hơn để phát triển võ nghiệp. Được sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp và gia đình, năm 1985 bà đứng ra sáng lập môn phái Tinh võ đạo Việt Nam, để truyền dạy cho thế hệ trẻ ham mê võ thuật. Đến nay môn phái này đã thu hút cả nghìn môn sinh theo học.

Bà nói: “Ước mơ của tôi là làm sao đem võ cổ truyền Việt Nam truyền bá ra nước ngoài, để qua đó muốn khẳng định với bạn bè quốc tế rằng: quê hương tôi - Bình Định- có những nét đặc thù riêng về võ thuật cổ truyền Việt Nam mà không có nơi nào sánh kịp. Để thực hiện ước mơ đó, võ sư Hồ Hoa Huệ đã lăn lộn với cuộc sống, kiếm tiền để đi nhiều nước trên thế giới truyền bá võ thuật cổ truyền Việt Nam như: Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Hà Lan, Bỉ, Đức, Italia và Ma rốc… Có thể nói nữ võ sư Hồ Hoa Huệ là một nữ võ sư đầu tiên của Việt Nam đã đem võ cổ truyền Việt Nam đi truyền bá ra nước ngoài. Bà cho biết thêm: nhiều thanh, thiếu niên Việt kiều và người nước ngoài rất trân trọng và yêu thích võ cổ truyền Việt Nam… chị dự kiến đến tháng 9-2006 sẽ sang Mỹ trong thời gian 2 tháng rưỡi để tiếp tục truyền bá võ cổ truyền dân tộc Việt Nam.

Được tin Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ I tổ chức tại Bình Định, võ sư Hồ Hoa Huệ cảm thấy đây là một dịp may hiếm có. Và bà đã tham gia Ban tổ chức Liên hoan, làm Phó Trưởng ban Tổ chức phụ trách chuyên môn và đối ngoại. Ở cương vị này, bà đã cùng với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam và các cơ quan chức năng Ủy ban Thể dục Thể thao Việt Nam mời gọi các đoàn từ trong nước và quốc tế về dự Liên hoan. Kết quả là đã có 59 đoàn, trong đó có 37 đoàn quốc tế, đại diện cho 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng 22 đoàn trong nước đăng ký về dự Liên hoan. Võ sư Hồ Hoa Huệ nói: “Tôi hy vọng Liên hoan này sẽ là cơ hội tốt cho các đoàn quốc tế và trong nước gặp gỡ, giao lưu văn hóa, võ thuật. Qua đó, sẽ giới thiệu về đất nước con người Việt Nam và Bình Định nói riêng với bạn bè quốc tế. Liên hoan sẽ mở ra triển vọng mới cho nền võ học nước nhà ngày càng phát triển không chỉ trong nước và trên thế giới”.

  • Viết Ý
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tham vọng của một bác sĩ giỏi  (07/08/2006)
Vị tướng người Bình Định hy sinh trong những ngày đầu chống Pháp  (04/08/2006)
PHẦN MỀM QUẢN TRỊ BÁN HÀNG   (03/08/2006)
Trò chuyện với sinh viên giỏi nhất thế giới  (03/08/2006)
Thêm một giả thuyết mới về mộ vua Quang Trung  (01/08/2006)
Nuôi con ăn học bằng lúa, khoai quê nghèo  (01/08/2006)
Sông Kôn mùa võ  (31/07/2006)
Còn không hở cốm ?  (31/07/2006)
"Nước loạn anh hùng khoác chiến y"  (28/07/2006)
Người đàn bà tìm mộ  (27/07/2006)
Văn Cao và tháp Chàm Bình Định  (26/07/2006)
Cô thủ khoa yêu nghề giáo  (25/07/2006)
Cổ tích làng H’re  (24/07/2006)
Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái  (31/07/2006)
Sáu mươi tuổi vẫn tòng quân  (21/07/2006)