|
Tiến sĩ Từ Diệp Công Thành (bên trái) đang hướng dẫn sinh viên thực tập nghiên cứu về máy sản xuất ozone phục vụ xử lý môi trường. |
Anh tự đặt cho mình mục tiêu trở thành tiến sĩ trước khi đến tuổi 30. Và anh đã đạt được mục tiêu sau 2 năm tu nghiệp ở Đại học Ulsan (Hàn Quốc). Vừa về nước, không kịp nghỉ ngơi, người trai trẻ ấy lại lao ngay vào một dự án thiết kế các thiết bị trợ giúp cho người bị bệnh về khớp gối. Rất nhiều người hồ nghi những dự án của Thành nhưng những ai từng biết sức học, sức hành và niềm đam mê của Từ Diệp Công Thành những năm còn học ở Quy Nhơn thì không...
* Hy vọng cho người bệnh khớp gối, người khuyết tật
Suốt 8 năm học tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), cậu bé Từ Diệp Công Thành luôn giữ vị trí nhất nhì trong lớp. Năm lớp 9, cả nhà chuyển vào TPHCM sinh sống. Hoàn thành chương trình lớp 12, Thành thi vào 4 trường đại học: Bách khoa, Kinh tế, Luật, Học viện Bưu chính Viễn thông… Trường nào, Thành cũng đậu với số điểm cao, trên 25 điểm. Riêng ở Trường ĐHBK, Thành đạt 27,5 điểm và đây chính là nơi anh chọn học và từng bước phát huy năng lực của mình. Thành trong trí nhớ của mọi người là như vậy. Nhưng càng về sau mọi chuyện lại còn hấp dẫn hơn...
Trong một lần tình cờ đến thăm Khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện Chợ Rẫy, Từ Diệp Công Thành nhận thấy có rất đông bệnh nhân ở các tỉnh đến chữa trị trong khi máy móc quá thô sơ và luôn quá tải. Chứng kiến những con người có cảnh đời bất hạnh từ các tỉnh lặn lội lên TPHCM rồi phải ngậm ngùi về quê, Thành ấp ủ ước mơ đem những kiến thức mình đã học giúp đỡ cho những người khuyết tật, người nghèo được điều trị bệnh nhanh, ít tốn kém.
Anh lên mạng tìm tài liệu về những máy móc hiện đại của Nhật, Mỹ, Anh… Trong quá trình tìm kiếm, anh thấy những ưu điểm và tính năng an toàn của các thiết bị y tế dựa trên cơ cấu phỏng sinh học đã được ứng dụng ở các nước. Và thế là dự án “Công trình thiết kế và chế tạo thử nghiệm một số thiết bị y tế phục hồi chức năng cho khớp gối” được hình thành. Khi nghe anh bày tỏ ý định của mình, Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Thế Luyến, Trường ĐH Y Dược TPHCM đã đánh giá rất cao và khuyên anh nên tiến hành ngay.
Thành cho biết, dự án này thuộc chương trình “Ươm tạo công nghệ” của Bộ Khoa học và Công nghệ và đang trong thời gian chờ nghiệm thu. Đây là một trong những giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu bức bách của ngành y tế trong việc hiện đại hóa trang thiết bị, tìm kiếm các thiết bị y tế hiện đại, đa năng, an toàn, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc, thay thế cho các thiết bị đã lỗi thời đang được sử dụng ở nhiều bệnh viện. Theo dự án này, người bệnh sẽ được sử dụng thiết bị phục hồi chức năng khớp gối bằng tác động điện và sử dụng cơ cấu tác động phỏng sinh học. Trong dự án còn có chương trình khởi động khớp, được xây dựng với những bài học ở các mức độ khác nhau, từ đơn giản đến nâng cao; thay đổi linh hoạt các thông số để phục vụ cho việc phục hồi chức năng. Bên cạnh đó, dự án này còn hỗ trợ các chuyên gia vật lý trị liệu xác định bệnh lý bằng “thiết bị hỗ trợ ghi nhận thông số phục hồi chức năng của bệnh nhân”.
Nếu kết quả nghiên cứu thành công, công trình này sẽ được đưa vào thử nghiệm ở khoa vật lý trị liệu trong ngành y tế, trước hết là khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó, thiết bị phục hồi khớp gối cũng sẽ được sử dụng trong các trung tâm chấn thương, chỉnh hình; các trung tâm huấn luyện thể dục, thể thao trong cả nước.
Bác sĩ Bùi Thu Huệ, Trưởng khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Đây là công trình khoa học, mang tính thời sự. Khoa chúng tôi đồng ý nhận thử nghiệm lâm sàng kết quả nghiên cứu và sẽ giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm nghiên cứu. Công trình thành công sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc cải tiến máy móc, thiết bị của ngành y tế”.
* Chàng trai “mê” học vượt
Từ những năm đại cương, Thành đã đề ra kế hoạch để học vượt nhằm rút ngắn thời gian học đại học. Tận dụng tính linh hoạt trong phương pháp đào tạo của trường cho sinh viên tự đăng ký số tín chỉ theo khả năng, Thành đăng ký học luôn cả 22 tín chỉ, môn nào chưa sắp xếp được giáo viên dạy thì anh “rút” môn đó ra và… “chêm” ngay môn khác vào. Bộc bạch với chúng tôi, anh cười: “Nhiều lúc nghĩ lại cũng không hiểu sao lúc đó mình học được như vậy, chỉ biết là phải cố hết sức mình”. Nhờ quyết tâm và không ngừng nỗ lực, Thành đã hoàn thành giai đoạn đại cương chỉ sau 1 năm học tập, thay vì một năm rưỡi. Chưa kịp vui thì khó khăn mới xuất hiện, do trường hợp của Thành quá đặc biệt nên trường không thể cho chuyển anh sang học chuyên ngành được.
Để tiếp tục học “vượt” theo kế hoạch, anh phải trực tiếp đến gặp Ban Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM trình bày trường hợp của mình. Được xem xét và chấp nhận, Thành nhanh chóng đề ra kế hoạch để “học đuổi” vì anh đã trễ hơn nửa năm so với khóa trước. Học ngày, học đêm kể cả khi nghỉ hè, công sức của Thành đã được đền đáp. Không chỉ vươn lên bằng các anh chị khóa trước mà còn tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, Thành được xem là người “lập kỷ lục” ở trường từ thành tích học tập.
Trong thời gian học đại học, năm nào chàng sinh viên Công Thành cũng nhận được học bổng học tập và đoạt luôn học bổng tài trợ của Hội Nhật – Việt. Do đó, anh không phải bận lòng chuyện học phí, tài liệu học tập, nghiên cứu… Chuyên tâm lo học nhưng không phải lúc nào cũng “chúi mũi” vào sách, Thành vẫn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa của lớp. “Đây là biện pháp giảm stress rất hữu hiệu” – Thành tâm sự.
* Tiến sĩ tuổi 27
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, từ chối những lời mời gọi hấp dẫn của nhiều đơn vị với mức lương nghe là “choáng”, Thành về làm giảng viên ở bộ môn Cơ – Điện tử, Khoa cơ khí Trường ĐHBK TPHCM. Sau đó, anh tiếp tục hoàn thành xuất sắc chương trình thạc sĩ với hai công trình nghiên cứu khoa học: “Máy bắn banh tennis phục vụ luyện tập” và “Nghiên cứu và chế tạo máy sản xuất ozone phục vụ xử lý môi trường” trong vai trò chủ nhiệm đề tài.
Tháng 9-2003, Thành “bay” sang Hàn Quốc theo đuổi học bổng toàn phần tiến sĩ ngành cơ điện tử của ĐH Ulsan. Anh tâm sự: khi giáo sư bộ môn hỏi anh có thể hoàn thành chương trình học trong thời gian bao lâu? Anh nói sẽ cố gắng hoàn thành trong khoảng thời gian ba năm. Với câu trả lời đó, Công Thành nhận được tiếng cười nghi ngờ của các bạn cùng lớp. Vì từ trước đến nay chưa có ai có thể ra trường trước thời gian quy định là 4 - 4,5 năm.
Vượt qua những khó khăn về thời tiết, rào cản ngôn ngữ…, chỉ trong vòng 2 năm, 12 môn học - 36 tín chỉ đã được hoàn thành. Không dừng lại ở đó, Thành còn làm hài lòng các vị giảng viên Trường ĐH Ulsan với 6 công trình nghiên cứu được quốc tế công nhận và đã được đăng tải trên Tạp chí Khoa học thế giới.
Luận văn Tiến sĩ: “A Study on the Control Perfomance Improvement of Pneumatic Artificial Muscle Manipulator Using Intelligent Control” (Nghiên cứu nâng cao thực thi điều khiển hệ thống chấp hành sử dụng cơ cấu tác động phỏng sinh học với giải thuật điều khiển thông minh) rất thành công của anh đã chinh phục được các vị giám khảo khó tính.
Hướng dẫn Thành, Giáo sư, tiến sĩ Ahn Kyoung Kwan (Trường ĐH Ulsan) vô cùng bất ngờ trước những gì mà chàng trai trẻ này đã làm được. Ông nói với anh: “Có lẽ bạn là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng hoàn thành xuất sắc khóa học trước thời gian quy định. Bạn không cần phải cám ơn tôi mà hãy cám ơn chính bạn”. Ông Ahn và một vị giám khảo khác đã tặng cho Thành 3 suất học bổng tiến sĩ nữa để anh giới thiệu những nghiên cứu sinh Việt Nam có năng lực. Thành nhận bằng tiến sĩ vào tháng 8-2005, ở tuổi 27.
Vẫn chưa hài lòng với kết quả đó, cuối tháng 7 vừa qua, TS Từ Diệp Công Thành, giảng viên bộ môn Cơ-Điện tử Trường ĐHBK TPHCM, lại tiếp tục lên đường sang Hàn Quốc với chương trình học bổng nghiên cứu toàn phần ngắn hạn sau tiến sĩ.
Anh tâm sự: “Có cơ hội là tôi học. Tôi muốn học càng nhiều càng tốt để có thêm kiến thức. Để đạt hiệu quả hơn trong việc giảng dạy, truyền đạt lại cho sinh viên, tôi còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa”.
. Theo SGGP
|