Võ sư, diễn viên điện ảnh Trần Gia Linh:
"Tình yêu lớn nhất là dành cho võ thuật và nghệ thuật"
8:44', 15/8/ 2006 (GMT+7)

Võ sư, diễn viên điện ảnh Trần Gia Linh. Ảnh: C.T

Gặp Trần Gia Linh, cô con gái út của nữ võ sư Hồ Hoa Huệ, không mấy ai có thể nghĩ cô là một võ sư đang thay mẹ coi sóc cho mấy võ đường Tinh võ đạo ở Pháp, Đức. Rất trẻ, mới 26 tuổi đời, trông cô cứ như là một hoa hậu (mà sau này trò chuyện, mới biết Gia Linh là hoa hậu thật: Hoa hậu Việt Nam mùa hè 2004 tại Đức). P.V Báo Bình Định có cuộc trò chuyện với Trần Gia Linh.

* Con nhà võ, lại là một võ sư, nhưng lại được công chúng biết đến nhiều hơn với tư cách là một diễn viên điện ảnh. Cơ duyên nào đã đưa Gia Linh vào nghiệp diễn?

- Mình nhớ đó là vào năm 1992. Năm đó, Gia Linh đi thi học sinh thanh lịch tại Trường PTTH Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh) và đạt giải nhất. NSND Kim Cương khi đó đã chấm và chọn Gia Linh đang tìm diễn viên vào vai một cô gái nhu mì, có số phận bi kịch trong phim Biển động. Sau bộ phim đó, Gia Linh được mời đóng thêm một số bộ phim khác và bén duyên với điện ảnh từ đó. Tính đến nay, Gia Linh đã có 8 năm gắn bó với điện ảnh và đóng được khoảng 20 phim như Nữ Trinh sát Đặc nhiệm, Hồng hải tặc, Mãi mãi tình hồng, Đất và lửa... Hầu hết các phim này đều là phim võ thuật. Thay vào hình ảnh cô gái nhu mì của những ngày Biển động là những vai diễn võ thuật hành động, có lúc là vai nữ chính, có số phận. Còn nhớ lần thử vai trong phim Hồng hải tặc (Điện ảnh Hồng Kông hợp tác với nhóm Lý Huỳnh sản xuất), đạo diễn Trần Chí Hòa (Hồng Kông) cho Gia Linh đánh thử, nếu được mới mời vào vai. Đánh xong, đạo diễn "OK!" luôn.

* Một lần, đang tham gia đóng phim Nữ trinh sát đặc nhiệm ở Vũng Tàu, Trần Gia Linh ra chợ Long Hải để mua vài thứ đồ. Đang đi thì bị giật mất túi xách. Ngay lập tức, Gia Linh phóng theo và chụp cổ tên cướp lại. Trần Gia Linh bắt đầu học võ từ khi nào mà có thể dễ dàng đánh gục một tên cướp to lớn như vậy? 

- Mình bắt đầu học võ từ năm 6 tuổi với mẹ (nữ võ sư Hồ Hoa Huệ). Học rồi nhập tâm và mê võ luôn. Nay thì mình cũng có thể biểu diễn được Thập bát ban binh khí nhưng thích nhất vẫn kiếm, rồi mới đến roi, siêu. Mình thích đánh những bài như Tây Sơn kiếm pháp do mẹ sáng tác, rồi Huỳnh long độc kiếm của võ cổ truyền... nhưng nói thì nói vậy chứ trong nghề võ, mình cảm thấy còn phải học nhiều. Ngay với mẹ mình, có lẽ mình phải học cả đời cũng chưa hết.

* Công việc hiện tại của Gia Linh là gì?

- Cách đây 4 năm, Gia Linh được mẹ cho sang Đức để vừa tham gia khóa thực tập nghề luật sư (Gia Linh đã tốt nghiệp Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh), học thêm ngoại ngữ, vừa thay mẹ trông coi mấy võ đường Tinh võ đạo ở Đức, Pháp. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây, Gia Linh về Việt Nam để đóng phim. Gia Linh vừa đóng xong bộ phim Đất và lửa (đạo diễn Trần Vịnh). Phim dài 10 tập, nói về cuộc đấu tranh của nhân dân vùng Ninh Thành Lợi của tỉnh Bạc Liêu với thực dân Pháp nhằm đòi quyền làm chủ ruộng đất, sẽ khởi chiếu trên VTV1 vào tháng 8 này. Sắp tới Gia Linh sẽ tiếp tục tập huấn dạy võ và luyện võ cho võ đường Tinh võ đạo tại thành phố Hồ Chí Minh và tham gia những bộ phim về võ thuật sắp quay ở Việt Nam, rồi mới quay lại Đức.

* Trót đam mê nhiều thứ: diễn viên này, rồi làm nghề võ nữa, có lẽ khá bận bịu. Vậy nhưng Gia Linh có cảm thấy hạnh phúc?

- Với Gia Linh, tình yêu lớn nhất đã dành cho võ thuật và nghệ thuật. Và khi mình được sống với những gì mình thích, mình yêu thì đó là điều rất hạnh phúc. 

* Cảm tưởng của Gia Linh khi đặt chân đến Bình Định?

- Ngay từ hồi nhỏ, mình đã nghe mẹ kể nhiều về vùng đất này, quê gốc của mẹ, cũng là nơi mẹ đã lớn lên và được trao truyền nghiệp võ (nữ võ sư Hồ Hoa Huệ là người gốc Tây Sơn). Mình luôn mong được về Bình Định nhưng rồi cứ lỡ hẹn. Thật may là Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I đã cho mình cơ hội đó. Đến Bình Định lần này thật vui. Lúc đầu, mình cũng muốn biểu diễn một bài, như Tây Sơn kiếm pháp chẳng hạn, nhưng rồi thấy thời gian dành cho đoàn biểu diễn cũng ngắn nên đã dành lại cho các bạn võ sinh khác. Gia Linh hy vọng sẽ còn nhiều dịp về Bình Định nữa, để diễn, để đi thăm các địa danh quê mẹ.

* Xin cảm ơn Gia Linh !

  • Thạch Trung (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vị quan được dân khẩn cầu tái nhiệm   (11/08/2006)
Tiến sĩ tuổi 27  (10/08/2006)
Người truyền bá võ cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài  (08/08/2006)
Tham vọng của một bác sĩ giỏi  (07/08/2006)
Vị tướng người Bình Định hy sinh trong những ngày đầu chống Pháp  (04/08/2006)
PHẦN MỀM QUẢN TRỊ BÁN HÀNG   (03/08/2006)
Trò chuyện với sinh viên giỏi nhất thế giới  (03/08/2006)
Thêm một giả thuyết mới về mộ vua Quang Trung  (01/08/2006)
Nuôi con ăn học bằng lúa, khoai quê nghèo  (01/08/2006)
Sông Kôn mùa võ  (31/07/2006)
Còn không hở cốm ?  (31/07/2006)
"Nước loạn anh hùng khoác chiến y"  (28/07/2006)
Người đàn bà tìm mộ  (27/07/2006)
Văn Cao và tháp Chàm Bình Định  (26/07/2006)
Cô thủ khoa yêu nghề giáo  (25/07/2006)