Quang Dũng từng khóc vì điều tiếng
9:4', 22/8/ 2006 (GMT+7)

Quang Dũng trong liveshow "Riêng một góc trời" của Tuấn Ngọc. Ảnh: quangdungfc

10 ngày sau kỷ niệm sinh nhật (8-8), cũng là ngày ra mắt CD mới, trong hai đêm 18 và 19/8 vừa qua, ca sĩ Quang Dũng đã có sự kiện đáng nhớ trong đời, được là một trong những khách mời trong liveshow đầu tiên của ca sĩ đàn anh Tuấn Ngọc. Xem ra, “hạt bụi” ngày nào đã “né” được cái bóng của “danh ca”.

Đã vừa tròn 8 năm kể từ ngày chàng trai tỉnh lẻ từ Quy Nhơn ngập ngừng bước chân vào làng ca nhạc TP HCM mang theo vốn liếng giải nhất trong Cuộc thi Giọng ca hay các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, cùng những đêm cuối tuần hát nhạc Trịnh bên cây guitar thùng trong quán cà phê Thu Vàng nổi tiếng ở thành phố quê hương.

Nhỏ nhẹ, khiêm tốn trong giao tiếp và rụt rè, cẩn trọng mỗi khi bước ra sân khấu, Quang Dũng giờ đây có lẽ cũng không mấy đổi thay trong tính cách. Nhưng vị trí của anh trên sàn diễn cũng như trong lòng người nghe đã rất khác xưa.

Nếu như những năm đầu vào nghề, một thân một mình đến “xứ lạ” lập nghiệp, lẻ loi từ cuộc sống đời thường cho đến dòng nhạc trữ tình mà Quang Dũng lựa chọn được xem là đi ngược xu thế thời thượng thì bây giờ, anh đã thành “sao”. Sự thành đạt của Quang Dũng, ít nhiều như một chất men, làm dậy lên xu hướng trở lại dòng nhạc xưa của không ít giọng ca trẻ.

“Sao” là chữ người ta gán cho, chứ hỏi anh, anh nói trong âm nhạc, sự phấn đấu không có điểm dừng. Còn trẻ thì cố gắng để lúc nào cũng có sự mới mẻ. Lúc “có tuổi” thì nỗ lực để còn được công chúng đón nhận. Anh luôn tự nhủ lòng hãy cố giữ hình ảnh đẹp trong lòng khán giả như thuở ban đầu: nhắc đến Quang Dũng là nhớ đến những bản tình ca đúng như khuôn mẫu Dũng từng có.

Nước mắt làm trôi những muộn phiền

Nỗ lực trau dồi rất nhiều để giọng hát ngày càng khỏe khoắn, mượt mà, Quang Dũng tự thấy có nhiều tiến bộ so với thuở ban đầu nên không thích ai đó nói anh thành “sao” nhờ vẻ điển trai. Một phong cách chỉn chu, lịch lãm trên sân khấu và thái độ gần gũi, thân mật trong đời thường giúp anh tự tin hơn trong công việc cũng như trong quan hệ với công chúng.

Nhiều “sao” cho là nỗi khổ khi bị người hâm mộ vây quanh quấy rầy, giật mũ, kéo áo, hoặc ngắt, véo... Với Quang Dũng, anh cho đó là điều bình thường khi trở thành người của công chúng. Ra đường, được mọi người nhận biết, nở một nụ cười thân thiện hoặc nắm lấy bàn tay, anh cảm thấy ấm áp. “Mà có làm quá đi nữa cũng không sao”, anh cười hiền hậu.

Nhưng Quang Dũng không chịu đựng được những lời đồn thổi ác ý. Nhiều năm qua, anh bảo “không biết từ đâu” mà những tai tiếng luôn rình rập để chực ập vào mình, trong khi anh luôn ý thức để người khác không nghĩ mình là người kém cỏi. Anh cho rằng, cạnh tranh lành mạnh trong nghề nghiệp là điều nên có để cùng nhau tiến bộ, còn nếu ganh tị, sự mệt mỏi hơn sẽ thuộc về “người kia”. Vì là người nhạy cảm, sống nội tâm, ưa nhẹ nhàng nên trước quá nhiều điều “không biết từ đâu” ấy, Quang Dũng dường như luôn bị “sốc”.

Không phải tất cả mọi cái đều có thể tâm sự được với bạn bè nên anh thường có cảm giác rất nặng nề. Anh nén cả vào lòng, bởi không thể thanh minh hết mọi điều. Quang Dũng đã khóc, không phải chỉ một lần và khóc như một đứa trẻ bị đòn oan. Nước mắt như một phương pháp trị liệu hiệu quả, làm trôi đi những uất ức, muộn phiền để rồi anh tự nhủ lòng hãy cố quên để nghĩ tới âm nhạc. Với anh, âm nhạc vừa là công việc vừa là một phương tiện hóa giải nỗi buồn. Tìm một không gian tĩnh lặng nào đó với âm nhạc là đủ cho tâm hồn Quang Dũng trở lại thanh thản.

Trách nhiệm người đi xa

Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, thuở thiếu thời, chứng kiến nỗi cực nhọc mưu sinh của cha mẹ để nuôi một đàn con 7 đứa, Quang Dũng khi rời quê ra đi lập thân đã ước mong có ngày trở về chia sẻ gánh nặng cơm áo với người thân. Và anh đã làm được điều đó trong suốt những năm qua.

Với Quang Dũng, gia đình lớn luôn đem lại cho anh tình cảm ấm áp, là nơi anh luôn thấy bình yên mỗi khi trở về. Còn mảnh đất miền biển quê hương nơi anh sinh ra, lớn lên và được gieo mầm bằng những bài ca của Trịnh, cũng luôn gợi trong anh trách nhiệm của một người con đi xa.

Quê hương tuổi thơ tôi là chương trình ca nhạc mà anh tự làm với ước muốn được góp phần nhỏ bé chia sẻ nỗi đau với người già và trẻ em tàn tật ở Quy Nhơn quê anh. Chương trình lần đầu đã gửi về được trên 50 triệu đồng, chương trình lần hai dự tính sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay.

Ý nguyện của anh là mỗi năm làm một lần. Cùng với sự đóng góp vật chất cho những người không may ở quê nhà, Quang Dũng đang chuẩn bị để trong năm 2007 thực hiện một chuyến lưu diễn xuyên Việt với chủ đề Đêm du ca, đi qua 8 tỉnh, thành, với mục đích “mang những bản tình ca đến với sinh viên”.

Khán giả hâm mộ là nguồn động lực để Quang Dũng quyết định thực hiện chuyến đi xuyên Việt. Nguồn lực này khiến anh không bao giờ biết mệt, ngay cả những lúc phải hát đến 30 bài trong một đêm diễn.

Vẫn với nụ cười hiền lành lẫn chút rụt rè, Quang Dũng cho rằng chuyện tình cảm riêng tư của anh vừa qua quá ầm ĩ, giờ đây đã ngã ngũ. Anh muốn lật sang một trang mới, sẽ tìm kiếm niềm vui trong trang mới này, còn chuyện cũ, không muốn nhắc lại nữa.

. Theo NLĐ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một cựu học sinh Bình Định được mời dạy tại một trường ĐH ở Úc  (21/08/2006)
Bãi Bàng  (18/08/2006)
"Tôi viết bằng niềm say mê"  (17/08/2006)
"Tình yêu lớn nhất là dành cho võ thuật và nghệ thuật"  (15/08/2006)
Vị quan được dân khẩn cầu tái nhiệm   (11/08/2006)
Tiến sĩ tuổi 27  (10/08/2006)
Người truyền bá võ cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài  (08/08/2006)
Tham vọng của một bác sĩ giỏi  (07/08/2006)
Vị tướng người Bình Định hy sinh trong những ngày đầu chống Pháp  (04/08/2006)
PHẦN MỀM QUẢN TRỊ BÁN HÀNG   (03/08/2006)
Trò chuyện với sinh viên giỏi nhất thế giới  (03/08/2006)
Thêm một giả thuyết mới về mộ vua Quang Trung  (01/08/2006)
Nuôi con ăn học bằng lúa, khoai quê nghèo  (01/08/2006)
Sông Kôn mùa võ  (31/07/2006)
Còn không hở cốm ?  (31/07/2006)