Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo - Linh hồn phong trào chống thuế ở Bình Định
16:35', 22/8/ 2006 (GMT+7)

Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đặt lên đôi vai còm cõi của nhân dân Việt Nam những gánh nặng sưu thuế chồng chất. Nhân dân Trung Kỳ phải nộp thuế nặng hơn các khu vực khác. Những năm 1907 - 1908, Pháp tăng thuế thân lên 25%, thuế điền lên 30%, và đặt thêm nhiều thứ thuế mới như thuế chợ, thuế đò, thuế muối...

Nỗi cơ cực vì sưu cao, thuế nặng làm cho lòng hận thù của nhân dân ta vốn chất chứa trong lòng từ lâu có dịp bùng nổ do tác động của phong trào Duy Tân. Ngày 3/4/1908, phong trào chống thuế bùng nổ đầu tiên ở Quảng Nam rồi      lan nhanh vào Quảng Ngãi. Tiếp đến ngày 6/4/1908, nhân dân Bình Định nổi dậy chống thuế ở Bồng Sơn. Ngày 13/4, dân chúng Hoài Nhơn và ngày 14/4, dân chúng Phù Mỹ tổ chức biểu tình chống thuế. Họ cắt tóc và dẫn quan tri phủ cùng đi. Lúc này, tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo đang giữ chức tri huyện Tân Định, Khánh Hòa về quê cư tang mẹ. Ông được nhân dân vận động tham gia chống thuế để gây thanh thế cho phong trào.

Hồ Sĩ Tạo sinh năm 1869 tại làng Hòa Cư, huyện An Nhơn. Năm 36 tuổi ông đỗ tam giáp đồng tiến sĩ, khoa thi năm Giáp Thìn - 1904, Thành Thái thứ 16. Sự tham gia của Hồ Sĩ Tạo đã lôi cuốn được nhiều nhân sĩ hăng hái tham gia nên uy tín của phong trào ngày càng lên cao. Nông dân các phủ, huyện lớp do tổng lý hướng dẫn, lớp tự động rầm rộ kéo về tỉnh thành ngày một thêm đông. Ngày 16/4/1908, nhân dân 7 huyện đồng bằng tay không, chân đất, cơm đùm, cơm gói kéo về bao vây tỉnh đường, đông đến một vạn người. Đội ngũ bao vây được chia thành ba lớp: lớp trong gọi là dân cảm tử, lớp giữa là dân tự cường, lớp ngoài là dân vận động có nhiệm vụ tỏa đi các làng vận động nhân dân tham gia và đóng góp lương thực ủng hộ phong trào. Theo sự chỉ đạo của Hồ Sĩ Tạo, khoảng 4.000 người trong đó có các võ sĩ làng An Vinh, An Thái là lực lượng chủ lực làm nhiệm vụ bao vây cửa đông thành Bình Định. Số còn lại chia thành nhiều đoàn tỏa về các làng, các huyện tổ chức tuần hành, trừng trị bọn tổng lý cường hào, bọn nha lại và cả tòa sứ Pháp tại Quy Nhơn. ở An Lão, một trăm tráng đinh trang bị giáo mác do Đốc Tiềm chỉ huy ập vào đồn An Lão định bắt sống tên đồn trưởng người Pháp, nhưng hắn đã nhanh chân trốn thoát.

Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo vốn là người học cao, hiểu rộng nên phong trào chống thuế ở Bình Định được tổ chức chặt chẽ, quy củ, trật tự. Ông được nhân dân Bình Định coi là linh hồn của phong trào “đồng bào”. Trước sự lớn mạnh của phong trào, chính quyền thực dân - phong kiến vô cùng hoảng sợ, vội xin viện binh để  đàn áp, bắt bớ những người lãnh  đạo phong trào. Hồ Sĩ Tạo bị bắt giam, mấy ngày sau thì được trả lại tự do. Ông lui vào hoạt động bí mật, giữ vai trò cố vấn cho phong trào đang diễn ra liên tục và quyết liệt. Thực dân Pháp thẳng tay đàn áp đẫm máu. Đến cuối tháng 4/1908, đã có hơn 30 người chết. Chúng bắt giam hơn 1.000 người, kết án 101 người, trong đó có tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo bị án tử hình, sau giảm xuống còn tù chung thân, nhốt vào “nhà giam tiến sĩ” trong thành Bình Định, đến năm 1922 thì được ân xá.

  • Hoài Nam
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quang Dũng từng khóc vì điều tiếng  (22/08/2006)
Một cựu học sinh Bình Định được mời dạy tại một trường ĐH ở Úc  (21/08/2006)
Bãi Bàng  (18/08/2006)
"Tôi viết bằng niềm say mê"  (17/08/2006)
"Tình yêu lớn nhất là dành cho võ thuật và nghệ thuật"  (15/08/2006)
Vị quan được dân khẩn cầu tái nhiệm   (11/08/2006)
Tiến sĩ tuổi 27  (10/08/2006)
Người truyền bá võ cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài  (08/08/2006)
Tham vọng của một bác sĩ giỏi  (07/08/2006)
Vị tướng người Bình Định hy sinh trong những ngày đầu chống Pháp  (04/08/2006)
PHẦN MỀM QUẢN TRỊ BÁN HÀNG   (03/08/2006)
Trò chuyện với sinh viên giỏi nhất thế giới  (03/08/2006)
Thêm một giả thuyết mới về mộ vua Quang Trung  (01/08/2006)
Nuôi con ăn học bằng lúa, khoai quê nghèo  (01/08/2006)
Sông Kôn mùa võ  (31/07/2006)