|
TS Nguyễn Hữu Lệ |
33 năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài, gần 15 năm tham gia vào ngành CNTT trong nước, TS Nguyễn Hữu Lệ là một trong những người tiên phong trong ngành gia công phần mềm tại Việt Nam gắn liền với những tên tuổi PSV, TMA. Tuy nhiên, ông được biết đến nhiều hơn ở những tham vọng, nhiệt huyết và những hành động để gióng lên tiếng nói cho ngành CNTT Việt Nam
“Máu” marketing…
“Máu marketing” lúc nào cũng chảy trong người ông Lệ, người có nhiều năm làm phó tổng giám đốc tiếp thị của tập đoàn Nortel. Ông nói với phóng viên rằng một bài viết trên Asia Wall Street Journal có tác dụng quảng bá cho ngành CNTT Việt Nam đáng giá hơn nhiều lần những cuộc hội nghị, hội thảo.
Nói đến ông là nhắc nhớ đến câu chuyện làm tiếp thị với “hai chiếc mũ” ông thường chia sẻ với các doanh nghiệp nhỏ trong nước. Rằng hãy đội chiếc mũ Việt Nam bên ngoài và nói về Việt Nam trước khi nói đến chiếc mũ bên trong là doanh nghiệp. “Vì nếu thế giới không biết đến Việt Nam thì TMA, PSV, Glass Egg, FPT… cũng sẽ không được biết đến trong làng công nghệ thế giới”, ông Lệ chia sẻ. Hình ảnh của ông Lệ còn khá ấn tượng trong các cuộc phỏng vấn của CNN, NHK hay Global. Ông luôn nói về Việt Nam như một điểm đến của ngành gia công phần mềm bằng các dẫn chứng thuyết phục về lợi thế của Việt Nam.
Hình ảnh ông Lệ diễn thuyết bằng tiếng Việt “hơi cà lăm” đã trở nên quen thuộc trong giới CNTT TP.HCM, nhưng có một điều là bao giờ ông cũng nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng kéo dài bởi nó toát lên sự trải nghiệm, nhiệt huyết và đam mê của một người còn ấp ủ nhiều ước vọng về nghề. Ông Lệ “promote” đội ngũ của mình mỗi khi có cơ hội, cũng như ông đã làm khi nói về ngành CNTT Việt Nam, ở đó vai trò cá nhân luôn được nhấn mạnh trong việc tạo nên sức bật của TMA. “Phải biết promote năng lực của từng cá nhân để tạo nên sức mạnh của công ty. Làm thế nào để trong cơ hội phát triển họ thấy được vai trò của chính mình”, ông Lệ nói.
Hình mẫu cho nhân viên
Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ, vai trò cá nhân của người lãnh đạo là hình mẫu cho nhân viên. Người lãnh đạo phải giỏi đối ngoại và hoạt động cộng đồng để tạo sự khác biệt cho công ty mình mà các nhân viên theo đó rèn luyện kỹ năng giao tiếp, bản lĩnh thị trường, sự nhạy bén và quan trọng là họ biết cách “tự tin vào mình hơn người khác tin vào họ”. Nhưng người lãnh đạo còn có vai trò “đối nội”, theo giải thích của ông Lệ, không sa đà vào công việc sự vụ mà là tâm huyết với nhân viên, gần gũi bình dị, không giữ khoảng cách nhưng “biết tạo niềm tin đối với họ và đặt niềm tin vào họ”. “Trách nhiệm của tôi là tạo nên sức mạnh văn hoá, tinh thần và niềm tin cho nhân viên để họ làm việc và sáng tạo", ông Lệ nói.
Các đối tác quan trọng: Nortel (Canada), Lucent Technologies, Telephony@Work, EasyLink, Comsys, SchoolOutfitters, Reefpoint, Blade Network Technologies (Mỹ); NTT-Software, Openwave (Nhật); Symital (Úc).
Bốn lĩnh vực gia công quan trọng: viễn thông; mạng dữ liệu; các ứng dụng quản lý trong doanh nghiệp như quản lý mạng, tổng đài, thư điện tử, quản lý kinh doanh; hệ thống nhúng và di động. |
Từ niềm tin và tinh thần đó, TMA có được một đội ngũ đầy nhiệt huyết và tham vọng, tạo được văn hoá TMA ngày nay phảng phất một mô hình doanh nghiệp Bắc Mỹ. Theo ông Lệ, doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài cần tối thiểu ba khả năng: song ngữ, song văn hoá và kinh nghiệm tổ chức quản lý. Vì vậy, môi trường “song văn hoá” luôn được chú trọng xây dựng ở TMA. TMA là doanh nghiệp gia công vì thế phải tiếp xúc với rất nhiều khách hàng lớn, bên cạnh yếu tố chuyên môn, khả năng về ngôn ngữ và diễn đạt, thì cần hiểu rõ môi trường song văn hoá - văn hoá của mình và của khách hàng - “biết mình biết người” thì mới có thể thành công.
Ông cũng thường chia sẻ với giới trẻ kinh nghiệm làm việc, khuyến khích họ rèn luyện bản lĩnh để đạt được tham vọng. Ông nói: “Nếu muốn làm được việc lớn phải tham vọng lớn nhưng tham vọng phải thực tế và có tính chiến lược lâu dài”. Vì thế những tham vọng ông đặt ra cho TMA như ngọn lửa thổi bùng vào đội ngũ nhân viên của mình.
“Hai tay hai súng”
Ông Lệ dùng khái niệm “cao bồi hai tay hai súng” để chỉ về mục đích của TMA là kinh doanh và đào tạo song hành, mà qua đó, TMA có được “lợi nhuận kép” về đầu tư cho con người. Mô hình trường đại học tư thục chuyên ngành CNTT tại TP.HCM, theo ông Lệ, sẽ vận dụng mối quan hệ về chuyên viên nước ngoài, đội ngũ trí thức Việt kiều và các chuyên viên tại các trường đại học hàng đầu trong nước.
“Tôi sinh ra ở vùng đất khô cằn miền Trung, con đường duy nhất để thoát khỏi nghèo khó là học tập” - ông Lệ kể về mình - “Những nhân viên trong công ty bây giờ gọi tôi là “chú Lệ” nhưng với độ tuổi trung bình 26 của họ, tôi còn già hơn cách mà họ gọi. Ông Lệ tâm sự rằng mình già rồi, chỉ kỳ vọng còn đủ sức để xây dựng TMA có được con số… 5.000 kỹ sư cùng với trường đại học đào tạo chuyên ngành. Nhưng cả hai công việc kinh doanh và đào tạo đang đặt vai trò cầm chịch của ông và cả TMA trước nhiều thách thức. Hình ảnh ông Lệ miêu tả TMA như chàng “cao bồi hai tay hai súng” có lẽ vẫn chưa kết thúc “cuộc trường chinh” của ông bao nhiêu năm qua.
. Theo SGTT
Vài nét về Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ
Sinh năm: 1950 tại Bình Định.
1971-1977 : kỹ sư điện, tiến sĩ chuyên ngành viễn thông Đại học Adelaide, Úc.
1978-2000: Làm việc tại Công ty viễn thông Nortel, Canada. Từ năm 1993, Phó tổng giám đốc tiếp thị toàn cầu của Nortel.
2000-2001: Tổng giám đốc Paragon châu Á, phụ trách Paragon Solutions Vietnam (PSV) và Paragon Ấn Độ.
2001-2006: Chủ tịch Hội đồng cố vấn TMA Solutions. | |