Nhà có hai mẹ Việt Nam Anh hùng
8:51', 24/8/ 2006 (GMT+7)

Về xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, anh cán bộ văn hóa xã giới thiệu: “Ở thôn Nghĩa Lộc, một nhà có hai mẹ VNAH, một người là mẹ, người kia là con. Con ngoài 70 tuổi chăm mẹ tuổi ngoài 90. Những trường hợp ấy chắc cũng không nhiều ở tỉnh Bình Định đâu…”.

 

Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thanh bên hai tấm hình của song thân. Ảnh: T.H

 

Ngôi nhà của mẹ VNAH Nguyễn Thị Thanh tuy nhỏ nhưng khá khang trang nằm trong một ngõ nhỏ ở thôn Nghĩa Lộc, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ. Trước hiên nhà là những chậu cây cảnh, những giò lan duyên dáng treo ở cây mãng cầu bên hiên nhà… Ở gian phòng thờ, nơi có hai Bằng Bà mẹ VNAH treo song song. Một của mẹ Đặng Thị Mật, có ba con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Cái nữa là của mẹ Nguyễn Thị Thanh - có chồng và con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

* Mẹ anh hùng

Cụ Đặng Thị Mật, mẹ của mẹ Nguyễn Thị Thanh, sinh được 8 người con, nhưng nuôi nên vóc nên hình thì chỉ còn lại 5 người. Vợ chồng cụ Mật có nuôi một người cháu ruột từ lúc còn nhỏ nên cũng coi cháu như con đẻ. Mẹ Thanh là con gái duy nhất trong nhà. Người con trai đầu của cụ Mật tên là Nguyễn Khiết tập kết, sau đó lại hồi kết, tiếp tục hoạt động và hy sinh tại xã Mỹ Đức năm 1965. Cũng trong năm này, người con trai thứ bảy của cụ là Nguyễn Văn Á bị địch bắt ở tù. Năm 1967 ông Á mất vì đạn lạc khi đang bị địch bắt đi tải đạn, để lại vợ cùng hai đứa con gái, đứa 3 tuổi, đứa mới 3 tháng. Kế đó, năm 1968, người con trai Nguyễn Văn Châu, hy sinh khi đang làm Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc. Năm 1969, người em kế của ông Châu là Nguyễn Văn Sỹ lên thay anh làm Phó Chủ tịch UBND xã cũng hy sinh luôn. Sang năm 1970, vợ chồng cụ Mật lại tiếp tục nhận hung tin người cháu ruột hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Người cháu gái đầu của cụ Mật (con của liệt sĩ Khiết) lại bị trúng đạn mà mất khi đang chuẩn bị lấy chồng.

Những cái tang dồn dập đến từng năm, vợ chồng cụ Mật nuốt nước mắt vào trong vì nỗi lá vàng phải khóc lá xanh. Mẹ Thanh kể lại: “Ba mẹ tôi đau lắm, nhưng chỉ biết khóc nín, khóc thầm vì sợ tai mắt địch xung quanh. Có những đêm, tôi vào ngủ chung với mẹ. Hai mẹ con trằn trọc, trăn trở, đến khi quay lại với nhau thì mới hay cả hai nước mắt chan hòa như mưa”.

Ký ức về người mẹ đã “liễu” (nghĩa là mất theo cách gọi của mẹ Thanh- PV) cách đây hai năm vẫn vẹn nguyên: “Một tuần trước khi mẹ “đi”, tôi cầm tay mẹ thủ thỉ: “Mẹ ráng sống với con mẹ nhé. Để cho con có được diễm phúc nuôi mẹ đến 100 tuổi”. Mẹ bảo, mẹ hổng muốn sống lâu chút nào. Mẹ muốn về cùng với ba và bầy con trai của mẹ. Hai mẹ con tôi vẫn thủ thỉ như vậy cho đến ngày mẹ lịm đi. Mẹ tôi mất sau đó một ngày, thọ 96 tuổi”.

* Con cũng anh hùng

Năm 1949, mẹ Thanh lấy ông Phan Bá Văn - người cùng quê, khác xã. Năm 1953 họ sinh được một người con trai, đặt tên là Phan Văn Minh. Chồng mẹ Thanh hoạt động cách mạng ở quê và thoát ly năm 1961. Sống trong bầu cách mạng sục sôi của quê hương, theo chân cha và các cậu, người con trai của mẹ mới hơn 10 tuổi đã bắt đầu đi làm giao liên liên lạc. “Thằng nhỏ lớn lên cùng với đồng ruộng, xó xỉnh nào cũng biết. Lớn chút nữa lại theo mấy anh mấy chú đi dẫn đường cho bộ đội, làm du kích mật. Tháng 4-1969, nó hy sinh khi mới tròn 16 tuổi” - mẹ nhớ lại. Sáu tháng sau (10-1969), mẹ Thanh tiếp tục nhận được hung tin chồng hy sinh tại địa bàn huyện An Lão. Chỉ trong năm 1969, mẹ Thanh chịu luôn 3 nỗi đau mất chồng, mất con và một người em ruột.

Trong câu chuyện với mẹ, tôi không dám khơi gợi nhiều về những nỗi đau ấy. Có lời nào đủ để diễn tả nỗi đau mất đi một phần ruột thịt của mình? Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã lấy đi của mẹ Thanh người chồng, đứa con trai duy nhất, 4 người anh em và 1 người cháu ruột. Chiến tranh còn để lại cho mẹ nỗi đau thể xác của những trận đòn tra tấn dã man mỗi khi mưa xuống, nắng lên.

Những tháng ngày trong chiến tranh ác liệt, ba người đàn bà trong gia đình (mẹ Mật, mẹ Thanh và người em dâu) dồn hết tình thương, lấy sự chăm bẵm, dạy dỗ vào hai người cháu - hậu duệ cuối cùng trong gia đình - làm lẽ sống. Mẹ Thanh là cô ruột mà cũng như cha của hai cháu, lo lắng mọi việc, từ nuôi nấng, dạy dỗ đến xin công ăn việc làm cho cháu, rồi dựng vợ gả chồng. Bởi- nói như mẹ Thanh - “em dâu của tôi rất yếu đuối. Việc đại sự trong nhà đều do tôi lo liệu”. Cho đến nay, hai người cháu gái của mẹ đều đã yên bề gia thất. Mẹ Thanh sống với người cháu gái đầu đang dạy học ở Trường Tiểu học Mỹ Lộc.

Hiện mỗi tháng mẹ Thanh nhận được 700.000 đồng từ tiền tuất liệt sĩ của chồng và con, và được Cảng Quy Nhơn nhận phụng dưỡng đến hết đời. Tôi hỏi, cuộc sống hiện tại của mẹ hiện thế nào? Mẹ bảo: “Nhờ trời, tôi vẫn nhúc nhắc được và vui vầy với đàn cháu con của cháu gái tôi. Thời tôi còn mẹ, hai mẹ con vẫn sớm chiều thủ thỉ. Nay mẹ không còn, thì đã có lũ cháu kêu bằng mẹ líu lo. Bọn nhỏ cứ bảo tôi, cô ráng giữ gìn sức khỏe, để bọn con có chỗ nương nhờ. Bao năm nay chúng nó đã quen có cô bên mình…”.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người cầm chịch  (23/08/2006)
Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo - Linh hồn phong trào chống thuế ở Bình Định  (22/08/2006)
Quang Dũng từng khóc vì điều tiếng  (22/08/2006)
Một cựu học sinh Bình Định được mời dạy tại một trường ĐH ở Úc  (21/08/2006)
Bãi Bàng  (18/08/2006)
"Tôi viết bằng niềm say mê"  (17/08/2006)
"Tình yêu lớn nhất là dành cho võ thuật và nghệ thuật"  (15/08/2006)
Vị quan được dân khẩn cầu tái nhiệm   (11/08/2006)
Tiến sĩ tuổi 27  (10/08/2006)
Người truyền bá võ cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài  (08/08/2006)
Tham vọng của một bác sĩ giỏi  (07/08/2006)
Vị tướng người Bình Định hy sinh trong những ngày đầu chống Pháp  (04/08/2006)
PHẦN MỀM QUẢN TRỊ BÁN HÀNG   (03/08/2006)
Trò chuyện với sinh viên giỏi nhất thế giới  (03/08/2006)
Thêm một giả thuyết mới về mộ vua Quang Trung  (01/08/2006)