Cụ Tú Nguyễn Khuê (làng Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn) nổi tiếng về đức độ và tiết tháo, đã đào tạo nhiều thế hệ học trò làm nên danh phận.
Cụ có 4 người con trai. Nguyễn Bá Huân là con trưởng, tiếp đến Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Thúc Mân và Nguyễn Quý Luân. Thành đạt trong thi cử có khác nhau, nhưng cả bốn đều có tài thơ văn, giữ nếp nhà thi lễ, lĩnh hội cái tinh túy của đạo thánh hiền. Vì thế, cụ cùng các con lập thành một gia đình thi phú nức tiếng gần xa.
Giặc Pháp mang quân vào giày xéo quê hương, các con cụ đều một lòng hưởng ứng chiếu Cần Vương. Cụ Tú chỉ để người con thứ ba là Nguyễn Thúc Mân ở nhà lo việc gia đình, còn thì khuyến khích hai anh và người con trai út ra giúp Mai Xuân Thưởng tổ chức nghĩa quân đánh Pháp. Nguyễn Bá Huân được Mai Nguyên soái tin cậy cử làm Than tán Sự vụ trấn thủ mật khu Linh Đổng, Nguyễn Trọng Trì làm Hiệp trấn thứ Hương Sơn.
Khi phong trào Cần Vương thất bại, ba anh em phải chạy vào núi ẩn náu suốt 8 năm trời. Năm 1895, vua Thành Thái có chiếu bãi bỏ lệnh truy nã các chiến sĩ Cần Vương đào tỵ, ba anh em từ vùng núi Thuận Ninh trở về làng cũ. Trong ngày tái hợp, cha con mừng mừng tủi tủi. Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, xúc động trước cảnh đoàn viên, người con út là Nguyễn Quý Luân xướng lên bài thơ mừng Cốt nhục may sao họp một nhà. Thế là cuộc xướng họa bằng thơ Nôm Đường luật theo chủ đề Hiếu trung giữ trọn nếp nhà ta diễn ra giữa 5 cha con. Dứt bài xướng của em út, các ông anh nối tiếp họa lại, bài nào cũng hay. Cụ Tú Khuê xúc động đến trào nước mắt. Trong bài họa cuối cùng, cụ nhắc lại với các con hãy “giữ tấm lòng ngay” với đời, chớ để “anh em áo rách tà”.
Vâng lời cha, các con cụ giữ tiết tháo kẻ sĩ giữa thời nhiễu nhương: tận trung với nước, tận hiếu với cha mẹ… Nguyễn Bá Huân chăm chú về thơ văn. Ngoài thơ, từ, tạp văn lập thành Mộ Chân Sơn Nhân thi văn từ tập, ông còn viết nhiều tác phẩm về nhà Tây Sơn với một thái độ dũng cảm, chẳng sợ án văn tự của triều Nguyễn treo trên đầu. Nguyễn Trọng Trì thì “thà bỏ thân nơi rừng rú chứ không cúi mặt trước kẻ thù” và cũng để lại một số lượng tác phẩm khá lớn. Thơ có Tả am thi tập, văn có truyện viết về các danh tướng Tây Sơn, nhiều liễn đối, điếu văn và hai vở tuồng hát bội Phụng Hoàng Anh và Lý Phụng Đình.
Họ Nguyễn thôn Vân Sơn, một gia đình thơ phú lừng danh, quả là điều hy hữu ở đời.
|