Người mẹ Cát Nhơn
14:44', 28/8/ 2006 (GMT+7)

Ở xã Cát Nhơn (Phù Cát) - ngay dưới chân núi Bà, có một bà mẹ được người dân nơi đây vô cùng kính trọng. Nếu có ai hỏi chuyện xưa, họ sẽ tự hào giới thiệu về bà là: dân cách mạng “gộc” ở đây đó. Đó là Mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Ba.

 

Mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Ba và người cháu đang ở cùng chăm sóc bà.

 

Mẹ

Tôi không biết gọi sao về bà cho thật đúng. Nhà nước phong tặng bà danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, còn tôi, tôi muốn gọi bà đơn giản là MẸ VIỆT NAM, với đầy đủ ý nghĩa nhất về một người mẹ. Duyên phận, số phận, chiến tranh đã lấy đi tất cả của bà: tuổi thanh xuân, sức khỏe, người chồng, đứa con duy nhất, rồi trả lại cho bà bắt bớ, tù đày, 20 năm đằng đẵng chờ chồng, 20 năm đi tìm mộ con, tuổi già, bệnh tật. Điều có ý nghĩa nhất bà nhận được và rất đỗi tự hào, đã an ủi bà phần nào là danh hiệu đảng viên và Mẹ Việt Nam anh hùng.

Bà tên thật là Trương Thị Ba, ở thôn Liên Trì, xã Cát Nhơn (Phù Cát) nhưng mọi người vẫn gọi bà một cách thân mật là bà Tám Thiết - cái tên từ thời tóc bà còn xanh, làm cơ sở nuôi giấu bộ đội, cán bộ cách mạng trong nhà. Năm nay đã 86 tuổi, lưng còng, mắt mờ nhưng bà vẫn còn trò chuyện minh mẫn.

Cuộc đời của bà là một chuỗi những ngày hoạt động không mệt mỏi, tất cả vì cách mạng. Hơn 30 tuổi, cô gái Trương Thị Ba bịn rịn chia tay chồng để ông lên đường tập kết. 14 tuổi, Nguyễn Văn Bằng - đứa con trai duy nhất của bà xin mẹ đi làm cách mạng. Bà rưng rưng hồi tưởng: “Tui biểu nó để học hết lớp 12 hãy đi, nhưng nó nói ở nhà tụi nó bắt lính con thì sao má?, nên thôi tui để nó đi”.

Ở nhà một mình, bà Tám Thiết bắt đầu tham gia cách mạng. Vườn nhà thì có hầm của cán bộ, trong nhà thì bộ đội địa phương ở. Làm ruộng, làm vườn, bà vẫn không quên quan sát, nghe ngóng tình hình địch để báo lại cho cán bộ của ta. Sợ bà tiếp tay cho cách mạng, cứ buổi tối tụi lính lại bắt bà lên trại quản thúc, đến sáng mới cho về. Bà liệu trước nên nấu cơm để sẵn ở nhà hoặc chuẩn bị gạo mắm để tối cán bộ, bộ đội vô tự nấu cơm ăn. Tụi lính hoạch họe, bà tỉnh queo: “Buổi tối mấy ông bắt tui lên đây, nhà bỏ không, họ vô thì làm sao tui biết được”. Đại để bà chỉ nhớ có vậy, chứ còn bảo kể chi tiết thì bà chịu.

Bà móm mém: “Lâu quá, quên hết rồi”. Chuyện nhớ nhất có lần anh em bộ đội bắt được một con chình to bằng cổ tay nhưng không biết cách nấu nên làm ra rồi ăn không được. Sáng ra, bà Tám ở trại quản thúc về thấy vậy liền phi hành mỡ, gia vị lại rồi xào lên, anh em bộ đội ăn cứ tấm tắc khen ngon mãi. Rồi chuyện nữa là lần có một anh cán bộ đi công tác từ Cát Chánh qua Cát Tường. Đến Cát Nhơn thì bà Tám Thiết cho biết lúc chiều bà thấy lính Đại Hàn đi lại trên núi và ngăn lại. Nhưng anh cán bộ bộ ấy không nghe. Và quả thật là tối ấy, đoàn cán bộ đi công tác Cát Tường đã bị địch phục kích bắn chết.

Làm cộng sản không dễ đâu!

Năm 1966, bà Tám Thiết nhận được tin con trai hy sinh. Chồng đi xa, con chết, đau đớn tột cùng, nhưng bà gượng dậy, bám trụ quê hương. Thấy bà Tám Thiết có dấu hiệu hoạt động cách mạng, tụi địch bắt bà bỏ tù vì tội làm cộng sản. Chúng tra khảo: “Bà làm cộng sản phải không?”, Bà khẳng khái đáp lại: “Làm cộng sản không dễ đâu, mấy ông đừng có nói sảng! Mấy ông làm đã được chưa mà nói tui?”. Rồi bà bị bỏ tù 18 tháng, từ nhà tù Quy Nhơn, vào đến Nha Trang. Trong tù, bà làm thơ, rồi thêu lên áo gối để kỷ niệm những ngày cơ cực. Bà kể chuyện xưa và đọc rành mạch những lời thơ xưa, tưởng như những vần thơ ấy sẽ theo bà đến hết đời: “Ngồi buồn nghĩ nhớ quê hương/ Ngày về sum họp tình thương đậm đà/ Gian lao ơi nhớ những ngày đau khổ/ Thêu gối này này để kỷ niệm đời tôi”. Cách đây mấy năm, có mấy cán bộ huyện đã đến xin bà chiếc gối thêu trên cùng một thùng đạn đựng tài liệu để về trưng bày tại nhà truyền thống hay bảo tàng gì đó.

Hòa bình, người chồng từ Bắc trở về, cho hay đã có gia đình ngoài ấy, bà đau khổ quyết định “thôi” ông. Còn một nỗi đau canh cánh bên lòng là bà chưa tìm ra được mộ con trai. Vẫn biết rằng liệt sĩ Nguyễn Văn Bằng hy sinh tại đèo Nhông (Phù Mỹ) năm 1966 nhưng phải 20 năm sau chiến tranh và sau nhiều lần tìm, bà Tám Thiết mới biết được mộ con mình hiện nằm ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Mỹ Phong (Phù Mỹ). Tất cả chỉ vì một chút nhầm lẫm khi quê quán liệt sĩ Nguyễn Văn Bằng ghi trên bia mộ là Cát Sơn, thay vì Cát Nhơn.

Bây giờ, bà Tám Thiết đang sống trong căn nhà tình nghĩa ở thôn Liên Trì, xã Cát Nhơn, do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây tặng năm 2003. Chăm sóc bà là người cháu gọi bằng cô ruột. Bà cho biết cuộc sống hiện tại của bà rất thoải mái và bà luôn tự hào về hai chữ “đảng viên” mà mình có, tự hào về truyền thống gia đình, quê hương mình.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một nhà thơ phú lừng danh  (25/08/2006)
Nhà có hai mẹ Việt Nam Anh hùng  (24/08/2006)
Người cầm chịch  (23/08/2006)
Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo - Linh hồn phong trào chống thuế ở Bình Định  (22/08/2006)
Quang Dũng từng khóc vì điều tiếng  (22/08/2006)
Một cựu học sinh Bình Định được mời dạy tại một trường ĐH ở Úc  (21/08/2006)
Bãi Bàng  (18/08/2006)
"Tôi viết bằng niềm say mê"  (17/08/2006)
"Tình yêu lớn nhất là dành cho võ thuật và nghệ thuật"  (15/08/2006)
Vị quan được dân khẩn cầu tái nhiệm   (11/08/2006)
Tiến sĩ tuổi 27  (10/08/2006)
Người truyền bá võ cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài  (08/08/2006)
Tham vọng của một bác sĩ giỏi  (07/08/2006)
Vị tướng người Bình Định hy sinh trong những ngày đầu chống Pháp  (04/08/2006)
PHẦN MỀM QUẢN TRỊ BÁN HÀNG   (03/08/2006)