|
Bà Năm bánh xèo ở Mỹ Cang, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. |
Rạng sáng, bà trở dậy, lục đục phía sau chái nhà bé xíu. Vớt mớ gạo đã ngâm từ đêm trước, người phụ nữ 73 tuổi nặng nhọc vần nhau với chiếc cối xay bằng đá để những giọt bột trắng nõn ứa ra… Lép bép bên cạnh là tiếng củi còn ẩm, cháy hừng hừng và khói xông lên mù mịt. Gà gáy ó o, con chó giật mình sủa vu vơ phụ hoạ…
Bà tên Thu, nhưng mấy chục năm nay chẳng ai nhớ cái tên ấy. Người ta gọi bà là bà Năm bánh xèo. Bánh xèo của bà Năm khác hẳn những loại bánh xèo bán rất nhiều ở làng quê nghèo miền Trung này. Khác đến nỗi, dù cái thôn Mỹ Cang xã Phước Sơn huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định mà bà ở cách thành phố Quy Nhơn đến hai mươi mấy cây số, người ta vẫn lũ lượt kéo nhau về ăn. Khác đến nỗi, công tử nhà giàu phải nhờ “ô shin” chạy xe hơi xuống vào sáng sớm để có bánh mà ăn. Và khác đến nỗi, dân Quy Nhơn có khách ở xa ghé chơi là mời đi ăn bánh xèo.
|
Ăn bánh xèo bà Năm, dường như không chỉ để là ăn mà còn để được sống trong cái không gian ấm mùi khói bếp, cái gian nhà ăm ắp sự chăm sóc của một bà mẹ quê. |
Có gì đâu, tiệm bánh xèo của bà cũng chính là căn nhà chưa đầy mười mét vuông đang nằm trong diện giải toả để mở rộng đường. Sáng dọn dẹp hết mùng mền chiếu gối, nhét vào rương, khoá lại; kê thêm hai cái bàn, thế là bán. Ngày nào cũng như ngày nấy, bà xay bột, nấu nước xong thì anh con trai cũng vừa vặn dắt chiếc xe đạp ra. Mẹ con tòng teng nhau ra chợ. Lựa từng mớ tôm, sao cho con nào cũng còn nhảy lách tách, nhặt nhạnh từng mớ rau để kiếm loại rau ngon nhất trong ngày. Rồi nào thì bánh tráng, chỉ mua ở hàng quen, rồi nước mắm, phải là loại ngon nhất. Nhiều người cứ hay cười bà, bán có mấy cái bánh xèo xập xa xập xệ mà đòi hỏi như nhà hàng năm sao.
Ai nói gì, bà cũng kệ. Ai gợi ý bán nhiều hơn, bà cười móm mém: “Làm nhiêu đó đủ ăn rồi, già quá, ăn đâu có bao nhiêu”. Rồi bà lụi cụi với ba lon gạo, cái chái bếp ám khói của mình. Cái cảm giác ngồi xì xụp cuốn cuốn, chấm chấm món bánh xèo nhà quê, nghe miếng tôm ngọt thơm, thấy cái đậm đà của nước mắm cá thu tan trên đầu lưỡi, hoá ra lại không thích bằng cảm giác được bà cụ kéo cái ghế ngồi kế bên và bảo: Ăn thêm miếng này nữa đi…
Ghé bánh xèo bà Năm, dường như không chỉ để ăn bánh xèo, mà còn để được sống trong cái không gian ấm mùi khói bếp, cái gian nhà ăm ắp sự chăm sóc của một bà mẹ quê.
Chiều, ngồi cầm miếng mì gà của tiệm thức ăn nhanh trệu trạo nhai, chợt thấy thèm mùi khói cay cay của một gian bếp rất xa…
. Theo SGTT |