Chuyện về những cuồng sĩ ở trường thi Bình Định
9:3', 1/9/ 2006 (GMT+7)

Trường thi Bình Định được xây dựng từ năm 1851 dưới triều Tự Đức và tồn tại gần 7 thập kỷ, cho đến khi bỏ thi Hán học, đào tạo ra hàng trăm cử nhân, tú tài cho Bình Định và các tỉnh Nam Trung bộ. Trong đó, có những người đã làm rạng rỡ cho quê hương như Đào Tấn, Mai Xuân Thưởng, Hồ Sĩ Tạo...

Bên cạnh đó, cũng có những sĩ tử không kém tài hoa, nhưng lại lận đận trên đường khoa cử vì thiếu chút “duyên trường” và trở nên cao ngạo, để lại nhiều giai thoại. Người đầu tiên là Phạm Trường Phát (làng Tân Hòa, huyện Phù Cát) thuở thiếu thời đã có tiếng hay chữ, lớn lên thi hoài vẫn không kiếm được mảnh bằng Tú tài. Bực mình, một lần đi thi, ông chít cái khăn nhiễu dài cột kín đầu và quấn quanh cổ. Có người thấy lạ mới hỏi. Ông bảo: Tôi quấn chặt đầu vì sợ chữ nghĩa nhiều quá làm nổ óc văng hết vào quan trường thì... uổng lắm.

Người thứ hai là Trần Kỳ Xương (làng Phong Niên, huyện Phù Cát) cũng hay chữ nổi tiếng, nhưng lần đầu đi thi chỉ đỗ Tú tài. Ông tự cho quan trường chưa đánh giá đúng văn tài, nên ba năm sau, vào phòng thi ông lấy rơm bện thành dây cột bó đầu lại ngồi trên chõng hí hoáy viết. Quan coi thi đi qua, ngạc nhiên hỏi. Ông trả lời: trong đầu tôi nhiều chữ quá nên... bị nhức. Khoa thi ấy ông bị đánh hỏng ngay từ đầu. Khoa sau, ông ngồi dựa cột lều, mở cúc áo phơi... bụng ra ngoài nắng. Quan coi thi đi qua, tưởng ông ngủ quên, quát dậy làm bài. Ông lại ung dung: Tôi phơi bụng để khỏi mốc cái bồ chữ dành dụm qua mười năm hương lửa. Kỳ thi này ông cũng bị đánh hỏng nốt. Cứ thế, qua 6 kỳ thi, ông Tú vẫn hoàn ông Tú. Mãi tới kỳ thi năm 1897, khi đã 40 tuổi, ông mới đỗ Cử nhân, nhưng ở nhà dạy học chứ nhất định không chịu ra làm quan với thực dân Pháp.

Hai cuồng sĩ trên xét ra vẫn kém Nguyễn Bá Huân về văn tài và độ cao ngạo. Tuy đường thi cử không được hanh thông như em là Nguyễn Trọng Trì, nhưng Nguyễn Bá Huân lại thông minh, tài hoa hơn người. Song tài hoa lắm, phóng túng nhiều, nên ba lần đi thi mà cũng chẳng đỗ đạt. Đến kỳ thứ tư, người ta đi thi thì lều chõng bút mực, còn ông chỉ xênh xang bầu rượu đầy. Làm bài tới đâu, ông lại rót rượu tự thưởng cho mình đến đó. Bài làm xong, ông lấy làm thỏa chí, tự khuyên đầy trang, rồi lăn ra ngủ. Đến khi lính gác tới đánh thức, mới biết đã hết giờ nộp quyển. Ông chẳng tiếc mà còn rót rượu mời anh lính uống vài chén rồi cười sảng khoái, ra về không chút hối tiếc. Ấy thế mà người thời bấy giờ hết lời ca ngợi tài văn chương của ông. Ông đã để lại cho đời một lượng lớn thơ, từ và nhất là truyện viết về các anh hùng Tây Sơn và chiến sĩ Cần Vương Bình Định.

Việc xuất hiện giai thoại về các sĩ tử tài hoa, cao ngạo là một hiện tượng dễ thấy khi nền Hán học suy tàn, chế độ khoa cử bộc lộ nhiều khuyết tật. Những cuồng sĩ trên là biểu hiện sự chống đối thể lệ thi cử thời bấy giờ với những quy định khắt khe, ràng buộc sự phát triển tài năng con người.

  • Tĩnh Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhớ bếp quê  (29/08/2006)
Người mẹ Cát Nhơn  (28/08/2006)
Một nhà thơ phú lừng danh  (25/08/2006)
Nhà có hai mẹ Việt Nam Anh hùng  (24/08/2006)
Người cầm chịch  (23/08/2006)
Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo - Linh hồn phong trào chống thuế ở Bình Định  (22/08/2006)
Quang Dũng từng khóc vì điều tiếng  (22/08/2006)
Một cựu học sinh Bình Định được mời dạy tại một trường ĐH ở Úc  (21/08/2006)
Bãi Bàng  (18/08/2006)
"Tôi viết bằng niềm say mê"  (17/08/2006)
"Tình yêu lớn nhất là dành cho võ thuật và nghệ thuật"  (15/08/2006)
Vị quan được dân khẩn cầu tái nhiệm   (11/08/2006)
Tiến sĩ tuổi 27  (10/08/2006)
Người truyền bá võ cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài  (08/08/2006)
Tham vọng của một bác sĩ giỏi  (07/08/2006)