Hết chiến tranh, những má Sáu, bà Ba, ông Tư... làm cơ sở, liên lạc, nuôi giấu cán bộ cách mạng lại cùng con cháu lấp từng hố bom, xới từng luống đất, ươm những mầm xanh trên vùng đất thiêng của cách mạng - Núi Bà. Từ đó, những làng quê thuần nông ven chân núi Bà như: Cát Trinh, Cát Tường, Cát Hưng, Cát Nhơn bừng lên sắc màu mới.
|
Đường vào thôn An Đức (Cát Trinh) đã được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại, buôn bán.
|
* Xóm mới Gò Quy
Mới, thực ra cũng đã hơn 20 năm rồi. Xóm hình thành từ năm 1984, khi có chủ trương giãn dân của "xó núi" An Đức (Cát Trinh, Phù Cát). Hơn 20 năm, đủ để cuộc sống ổn định, cây điều lên xanh trên vùng đất cằn cỗi của Nông trường Núi Bà xưa. Hôm chúng tôi đến, nhà ông Huỳnh Văn Nhơn đang có chuyện vui. Đó là chuyện vui nhất của gia đình ông, và có lẽ là của cả cái xóm Gò Quy này: con trai út ông Nhơn là Huỳnh Văn Gió vừa trúng tuyển vào Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, cũng là người đầu tiên của xóm Gò Quy này đậu đại học !
Trong ký ức của ông Nhơn, những ngày mới lập nghiệp ở xóm Gò Quy là chuỗi ngày gian khổ trên vùng đất mới. Lúc ấy xóm chỉ có 27 hộ, xoay vần với đất cằn mỗi năm một vụ lúa ăn nước trời. 3 cha con ông Nhơn phải lên núi Bà hái sim bán kiếm thêm tiền chợ. Giờ thì không chỉ gia đình ông Nhơn mà 45 hộ gia đình ở xóm Gò Quy đã khá hơn xưa rất nhiều nhờ cây điều. Ngoài thu nhập từ 3 ha điều, vợ chồng ông Nhơn còn bó chổi đót bán, mỗi tháng cũng được gần 200 cây. Tiền chợ là từ chổi đót, còn tiền bán điều thì ông để dành.
Những năm gần đây, cây điều đã giúp bà con 2 thôn rìa núi Bà của xã Cát Trinh là An Đức và Phú Nhơn có đời sống khấm khá hơn. Cả xã có hơn 390 ha điều thì 2 thôn trên đã chiếm 300 ha. Người trồng ít thì vài sào, nhiều cũng được 4 - 5 ha. Mốc đánh dấu cho sự phát triển của đời sống người dân nơi đây là năm 1994, khi Nhà nước có chủ trương giao quyền sử dụng đất lâu dài cho người dân. Nhiều người đã mạnh dạn đầu tư phân giống, bắt vùng đất khô cằn sỏi đá phải "đẻ" ra cơm, ra gạo.
Ông Huỳnh Thậm, 80 tuổi, ở xóm Lộc Nam (thôn An Đức) hồi tưởng: "Hồi đó, đây là vùng tranh chấp. Cách mạng muốn đứng chân ở vùng này để bám trụ dân hoạt động, địch cũng cố giữ nếu không muốn bị trống chân. Cứ vậy, ngày địch - đêm ta". Trong kháng chiến chống Mỹ, gia đình ông làm cơ sở, liên lạc và tiếp tế lương thực cho cách mạng. Sau giải phóng, ngoài trồng trọt, có thời kỳ ông nuôi vài trăm con gà công nghiệp, gần chục con heo, thu nhập thuộc loại khá trong vùng. Hiện nay gia đình ông có 2 ha điều, mỗi năm thu cũng được vài tấn hạt. Ông ao ước: "Nếu có nhiều đất và đất tốt hơn thì trồng điều tốt lắm. Từ lúc điều có giá (năm 2000) đến nay, nhiều người đã đầu tư mạnh cho cây điều". Còn gia đình ông Huỳnh Sân - cũng từng là cơ sở cách mạng hồi chống Mỹ - thì ngoài gần 4 ha điều còn nuôi thêm vài chục con dê, và đặc biệt là 3 con hươu nuôi lấy nhung. Ông Sân đã được bình chọn là Nông dân sản xuất giỏi cấp huyện.
* Khởi sắc Núi Bà
Mà không chỉ người dân sống ven núi Bà ở Cát Trinh mới khá lên, đời sống người dân các thôn vốn chỉ bám núi như Xuân An, Chánh Liêm, Trường Sơn (Cát Tường), Chánh Nhơn, Đại Ân, Liên Trì (Cát Nhơn), Mỹ Thuận, Mỹ Long, Lộc Khánh, Hội Lộc, Hưng Mỹ I (Cát Hưng) cũng có nhiều thay đổi.
Hồi trước con gái Cát Tường không muốn lấy chồng thôn Trường Sơn vì sợ cái đói giáp hạt, phải đi than, đi củi, không sánh được với vùng "ruộng sâu trâu nái" Kiều Đông, Xuân Quang, Chánh Hòa, Chánh Lạc. Nhưng nay thì người Trường Sơn, và cả Đại Ân, Liên Trì có thể tự hào mà nói rằng mọi sự đã thay đổi ngược lại. Khi 2 hồ chứa nước Trường Sơn và Cửa Khâu được xây dựng vào năm 1981 thì cũng là lúc người dân trong vùng chuyển từ 1 vụ lúa thiếu nước lên làm 2 vụ ăn chắc. Rồi cây điều cũng được mọi người "để ý" vì phù hợp với đất núi. Người trồng điều nhiều nhất vùng thu được cả chục tấn hạt điều mỗi năm. Ông Nguyễn Văn Háo, Bí thư Đảng ủy xã Cát Tường, cho biết thêm: "Đặc biệt từ năm 1996 đến nay, khi 2 hồ chứa nước trên được nâng cấp và phát huy hiệu quả, cùng với việc giá đậu phụng trên thị trường tăng cao, người dân trong vùng đã đầu tư mạnh vào cây đậu phụng. Hiện nay, nguồn thu chính của người dân các thôn ven núi Bà của Cát Tường là từ cây điều và đậu phụng, với tổng diện tích chừng 210 ha".
|
Thu nhập từ vườn điều này sẽ giúp ông Huỳnh Văn Nhơn đưa con trai đi đến cùng ước mơ trở thành kỹ sư đầu tiên của xóm Gò Quy.
|
Ở Cát Hưng, với chương trình PAM 327 (phủ xanh đất trống đồi núi trọc), những rừng bạch đàn, keo lai, điều đã lên rìa núi. Ông Phạm Anh, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay người dân cũng đang phát dọn để sắp tới trồng thêm 60 ha rừng theo dự án WB3. So với mươi, mười lăm năm trước, đời sống người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi.
Với Cát Nhơn, người dân các xóm núi cũng đã biết xoay chuyển tình thế bất lợi vốn dĩ đeo bám họ từ xưa đến nay. Ruộng xấu, năng suất lúa thấp (40 tạ/ha), người dân bèn khai hoang đất núi, đầu tư phân, giống để ươm lên những vườn điều tươi tốt. Họ còn cải tạo vườn tạp, trồng xoài, thơm, mít. Nhắc chuyện xưa, ông Nguyễn Văn Dũng - Bí thư Chi bộ thôn Liên Trì, vốn là dân "nhảy núi" - không quên được những năm tháng ở trong hang đá, gạo không đủ ăn, muối không đủ mặn. Nhưng giờ đây, trên vùng đất xưa, ông đã là chủ của hơn 1 ha xoài và vườn điều 250 cây, thu nhập hàng năm vài mươi triệu. Một người dân thôn Đại Ân tự hào: "Hồi trước thì đói khổ chứ bây giờ tính ra, đời sống của người dân các thôn giáp núi như Chánh Nhơn, Đại Ân, Liên Trì giờ đây còn ngon hơn cả các thôn mảng Nam sông Kôn vì họ vốn chỉ dựa vào làm ruộng".
Vậy là, hơn 30 năm sau chiến tranh, những làng quê ven núi Bà - vùng đất thiêng của phong trào cách mạng Bình Định vốn cằn cỗi, in đầy dấu tích đạn bom - đã thay da đổi thịt. Cũng như đã từng tin vào chiến thắng của cách mạng, những người xưa, bằng nghị lực và những dự cảm của mình, đã biến vùng đất chết cũ thành những vườn điều, keo lai, bạch đàn, ruộng đậu, ruộng lúa... tươi tốt.
Từ Núi Bà, cuộc sống đang ngày càng lên xanh.
|