|
Võ sư Hồ Bửu. Ảnh: V.T |
Gặp lại võ sư Hồ Bửu (Giám đốc Võ đường Tây Sơn - Bình Định tại Virginia - Mỹ) sau khi Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ I kết thúc gần một tháng trời. Hóa ra, võ sư đã dành hẳn cả tháng trời lang thang và chuẩn bị cho một dự định dài hơi: "xuất ngoại" nhạc võ Tây Sơn.
* Truyền bá võ Tây Sơn trên đất Mỹ
Võ sư Hồ Bửu có may mắn là học trò giỏi của hai võ sư vào hàng bậc thầy của giới võ thuật Bình Định thế kỷ trước: Diệp Bảo Sanh (chưởng môn nhân đời thứ hai của Bình Thái Đạo) và Hồ Nhu (tức võ sư Hồ Ngạnh với bài roi nổi tiếng). Đây cũng là hai võ sư tiêu biểu của hai làng võ nổi tiếng của Bình Định: Thuận Truyền (Tây Sơn) và An Thái (An Nhơn).
Sinh năm 1942 tại Quy Nhơn. 5 tuổi, Hồ Bửu bắt đầu học võ với người cha, một người như bao người Bình Định khác, cũng biết chút ít võ nghệ để hộ thân. Lên 10 tuổi, ông bắt đầu theo thầy Diệp Bảo Sanh học võ; rồi sau đó, lại có một thời gian vừa theo học Nhu đạo ở Sài Gòn vừa dạy võ. Năm 1968, về quê, ông lại theo học võ sư Hồ Nhu cho mãi đến năm 1974.
"Ngày tôi học Nhu đạo, rồi học võ của thầy Hồ Nhu, tôi đều hỏi ý kiến thầy Diệp Bảo Sanh. Thầy bảo: không sao, con cứ học để biết cái sở trường, sở đoản của mình và các môn võ khác. Tìm đến gặp thầy Hồ Nhu tại Phú Phong, khi ấy thầy không thâu nhận học trò mà chỉ dạy cho con cháu trong nhà là chính, tôi cũng thú thật với thầy vậy. Thầy chỉ cười và bảo: "Con đi thử một bài cho thầy xem". Có lẽ, thấy tôi đàng hoàng, biểu diễn có đường nét, thầy thâu nhận. Được học võ với hai người thầy như vậy, tôi tự cho mình có cái duyên với nghiệp võ vậy".
Có lẽ, bởi được học từ hai người thầy tiêu biểu của hai làng võ, mà sau này qua Mỹ, mở võ đường, võ sư Hồ Nhu lấy tên võ đường mình là Tây Sơn - Bình Định, một cách gọi chung các dòng võ Việt, Hoa và Việt - Hoa giao thoa từ thế kỷ trước mà ông được tiếp nhận từ cả hai người thầy. Hỏi: "Sao ông không lập võ phái riêng, tổng hợp tinh hoa của các thầy, để có thể xưng danh là chưởng môn?", võ sư Hồ Bửu cười: "Võ là di sản mà ông cha để lại, còn tôi chỉ là người lưu giữ. Tôi không phải là chưởng môn. Tất nhiên, khi dạy học trò, tôi cũng cố gắng tổng hợp tinh hoa cả hai dòng võ lại thành hệ thống. Điều thú vị là cả hai dòng võ này không hề chõi nhau chút nào cả mà lại có phần bổ sung cho nhau".
Học trò đầu tiên mà võ sư Hồ Bửu thâu nhận trên đất Mỹ lại là hai người Mỹ, một người có… 3 đẳng Taekwondo, người kia ngoài 3 đẳng Taekwondo ra còn có thêm 5 năm học võ Tàu. Chẳng là một lần, hai võ sinh người Mỹ to con, vóc dáng lừng lững này thử sức với võ sư người Việt Nam nom thấp bé, nhẹ cân này. Vậy mà hôm sau, tay của hai võ sinh Mỹ tê rần, đỏ lên. Vậy là họ theo võ sư Hồ Bửu học võ Tây Sơn từ đó. Đến nay, sau hơn ba chục năm, võ đường Tây Sơn - Bình Định đã đào tạo tới cả ngàn học trò, trong đó, 200 võ sinh đã được lên đai đen. Khác với các võ đường môn phái khác, thường chỉ học hơn 2 năm là được lên đai đen, với võ đường Tây Sơn - Bình Định để lên tới đai đen phải mất cả 4 năm theo học. Riêng với những võ sinh là người gốc Việt Nam, võ sư Hồ Bửu còn quy định thêm: phải biết đọc và nói… tiếng Việt. Khó là vậy, mà võ đường này vẫn không vắng người theo học.
* Và dự định "xuất ngoại" nhạc võ Tây Sơn
Lại là một cái duyên khác, khi một lần, biểu diễn võ ở Sài Gòn, võ sư Hồ Bửu được gặp võ sư Đoàn Phong - một trong những danh thủ của võ Bình Định đương thời. Thấy Hồ Bửu giỏi võ, võ sư Đoàn Phong hướng dẫn cho ông đánh nhạc võ Tây Sơn theo cách của con nhà võ: tức bằng tay, chân và các thế võ. Sau này, võ sư Hồ Bửu lại được học thêm về nhạc với nhạc sĩ Dương Minh Ninh. Học để hiểu và càng thêm yêu nhạc võ.
Từ ngày sang Mỹ, võ sư Hồ Bửu đã ấp ủ dự định đưa nhạc võ Tây Sơn biểu diễn trên đất Mỹ trong những ngày kỷ niệm thánh tổ võ Quang Trung mùng 5 tháng giêng hàng năm do võ đường tổ chức. Tuy nhiên, nếu cứ máy móc đưa nguyên dàn trống trận Tây Sơn như tại Bảo tàng Quang Trung hiện nay với bốn trống lớn, 4 trống nhỡ và 4 trống nhỏ, cỡ từ 20 đến 40 phân lên sân khấu lớn thì không mấy ấn tượng về tính hoành tráng trong mắt người Mỹ. Đồng thời, dàn trống này nhỏ nên chỉ có thể dùng roi biểu diễn chứ nếu dùng tay, chân và các thế võ thì lại không phù hợp. Võ sư Hồ Bửu nói: "Tôi muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống độc đáo này, nhưng là giữ lấy cái hồn. Còn thì có thể cải tiến đi cho phù hợp với điều kiện sân khấu và khán giả bên đó. Bởi vậy, thay vì bộ 12 trống nhỏ, tôi dùng 12 chiếc trống cỡ trống chầu. Bên cạnh đó, do mỗi võ sinh ở một thời điểm, ra một thế võ, cùng lắm cũng chỉ có thể đánh vào ba chiếc trống, nên tôi bố trí 4 người cùng đánh một lúc nhằm tạo ấn tượng về sự mạnh mẽ, hoành tráng. Bài nhạc vẫn được tuân thủ, nhưng cũng phải tạo ra những khoảng lặng, lúc khoan, lúc nhặt phù hợp, nhằm tạo nhiều dư âm trong thính giả".
Để có 12 chiếc trống này, võ sư Hồ Bửu phải về Việt Nam, tìm đặt ở làng trống sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn ngũ âm Việt Nam. 12 chiếc trống nay đã hoàn thành và lần này sang Mỹ, ông Bửu bắt đầu cho những võ sinh mang đai đen trở lên luyện trống. Bên cạnh đó, ông lại cất công tìm nhạc bổ trợ cho trống. Dàn nhạc ở Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn) có kèn xôna, não bạt, sênh tiền, mõ, và gần đây bổ sung chuông, trống chầu, còn võ sư Hồ Bửu dự định dùng nhạc nền chính là nhạc Tuồng Bình Định. "Lúc đầu, tôi định nhờ nhạc sĩ Bảo Phúc (TP. Hồ Chí Minh) viết nhạc nền, nhưng sau lại nghĩ nếu đưa âm nhạc hiện đại vào sợ sẽ "chõi" nên tôi quyết định chọn nhạc Tuồng Bình Định làm nhạc nền"- võ sư Hồ Bửu giải thích.
Theo dự kiến, năm 2008, nhạc võ Tây Sơn sẽ chính thức được võ đường Tây Sơn - Bình Định đem lên sân khấu biểu diễn cùng với các bài võ mang tinh chất võ Tây Sơn - Bình Định và một số hoạt cảnh lịch sử Việt Nam trước những người Mỹ và người Việt Nam tại Mỹ. "Công việc còn nhiều, cũng không dễ, nhưng nếu làm được thì sẽ rất thu hút người xem và cũng là cách giới thiệu truyền thống dân tộc mình cho lớp trẻ người Việt ở Mỹ và những người Mỹ"- võ sư Hồ Bửu tâm sự.
|