Hoài Chung và những ký ức quê hương
17:4', 5/9/ 2006 (GMT+7)

 

Chân dung Hoài Chung khi còn du học ở Singapore.

Năm học lớp 8, có một anh chàng đã tự viết ca khúc đầu tiên và dành tặng cho riêng mình. Lớn lên, khi được du học ở Singapore, rồi sang Mỹ nghiên cứu, anh đã đem những ký ức tuổi thơ, ký ức đồng quê vùng ngoại thành Quy Nhơn phổ vào trong những sáng tác. Chàng trai ấy có tên là Trương Phạm Hoài Chung.

Lũy tre làng và anh chàng hát hay, học giỏi

Hoài Chung sinh năm 1984 trong một gia đình nhà giáo ở nội thành Quy Nhơn. Rồi do hoàn cảnh khó khăn, gia đình anh chuyển về sống tại một vùng ngoại ô thành phố Quy Nhơn nơi giáp với huyện Tuy Phước. Cuộc sống, trong cái rủi lại có cái may. Chung tâm sự : “Chính ở vùng quê này, tuổi thơ của tôi đã được nuôi dưỡng bởi những cánh cò, bởi hương lúa chín, bởi những buổi làm đồng, tiếng rặng tre gài kẽo kẹt, những đêm trăng đẹp như một giấc mơ... Từ năm lớp 1 đến năm lớp 8, mỗi ngày đi học của tôi là một ngày thật sự tinh khôi. Ngang qua những cánh đồng, nhìn những đàn cò trắng bay chấp chới, tôi đã rung trong lòng mình tình yêu quê hương. Quê hương mình đẹp vô cùng”.

Vốn đam mê văn nghệ , đặc biệt lại có giọng hát rất trong trẻo, Chung đã tham gia nhiều hoạt động văn nghệ tại địa phương ngay từ thời thơ ấu. Năm học lớp 8, anh tình cờ đọc một bài thơ hay viết về cánh đồng, anh ngẫu hứng phổ nhạc và ca khúc đầu tiên đã ra đời như vậy.

Đến năm lớp 9, gia đình Chung lại chuyển về sống ở nội thành Quy Nhơn, bản thân anh được học lớp 9 ở trường Quốc học Quy Nhơn và học rất giỏi. Lên năm lớp 10, khi đang là học sinh lớp 10 Văn - Anh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn - Bình Định. Với thành tích học tập xuất sắc Hoài Chung được nhận học bổng toàn phần du học trung học tại Singapore. Đến năm 2005, anh lại được trường Đại học Williams của Mỹ cấp học bổng toàn phần. Hiện nay, anh đang là sinh viên năm nhất chuyên ngành... Hóa trường đại học này.

Chăm học Hóa, siêng viết Nhạc

Học ngành Hóa và học khá giỏi nhưng niềm đam mê âm nhạc vẫn luôn ở mãi bên Chung. Nơi đất khách quê người, những khi trời chuyển sang thu, những khi mùa đông giá rét, anh lại nhớ nhà, nhớ cánh đồng tuổi thơ anh, và những bài hát về quê hương đã lại ra đời. “Tìm đâu ngày xưa thuở nào chạy trên đất quê...”

Nhạc của Chung có sức gợi nhớ rất mạnh, hơn 60 ca khúc được anh viết lời và phổ nhạc là những bản ballad nhẹ nhàng giàu âm hưởng ca dao, hát ru khiến ký ức được khơi dòng tuôn trào. Trong những ca khúc ấy, anh tự hát, tự làm bè, tự đánh guitar cho mình. Đôi khi anh hát mộc, không cần tiếng đàn, đôi khi anh dùng chương trình vi tính để viết nhạc và tự đệm piano cho bài hát. Những ngón đàn có thể còn thô vụng, những nốt nhạc chưa thật vững tay nhưng trên tất cả là tình yêu, là niềm tự hào của anh đối với một miền quê, cánh cò, tia nắng sớm và  một người em gái...

 

Hoài Chung và một bạn gái ở Đại học Williams.

 

Người viết có may mắn được anh cho xem rất nhiều những bản ký âm, những trang ghi lời bài hát mà anh sáng tác. Có thể nói, điểm quy chiếu cho những sáng tác của Chung, rốt lại là hình ảnh quê hương thông qua cái nhìn da diết nhớ của một người con xa quê. Anh nhớ bếp lửa bập bùng bên mái nhà tranh nhỏ nhoi : “Bếp lửa đưa ta vào giấc mơ/ Giấc mơ trong những đêm trăng tỏ/ Bếp lửa đưa ta về ấu thơ/ Ấu thơ bên mái tranh nhỏ nhoi...” (Bếp lửa), anh chờ đợi một tia nắng ban mai “Một ngày nắng lên, nắng toả hơi ấm bao la/ Ruộng đồng ngát xanh, hấp thụ tia nắng ban mai...” (Một ngày nắng lên) hay là hình ảnh những cái cò trong ca dao, trăng rằm và luỹ tre làng cho đến một người em gái dịu dàng (Em thêu bức tranh đời ta). Nghĩa là những ký ức đẹp của tuổi thơ anh đã trở thành lời, thành giai điệu thật dễ thương và trữ tình.

Ghi âm được nhiều bài hát, nhưng Chung chỉ “để dành” cho những người bạn thân nghe. Gần đây, anh nảy ra ý định, thông qua mạng internet để đưa những ca khúc của mình đến được với nhiều người hơn. Hiện nay, trang web vnmusic.com và trang myspace.com có giới thiệu một số sáng tác của Chung. Anh tâm sự: “Trong tương lai, nếu có đủ kinh phí, tôi muốn ra một album riêng. Mong muốn của tôi là qua những bài hát này, tôi muốn chia sẻ phần nào với mọi người, đặc biệt là những người xa quê, tình yêu và lòng tự hào đối với quê hương Việt Nam”.

Đi xa để nhớ và yêu quê nhiều hơn

Một ngày đầu thu, sau khi cùng những người bạn tổ chức một hội thảo du học ở TP.HCM, anh về Quy Nhơn. Những ngày biển đẹp, anh ra biển, ôm đàn và hát thật hay. Anh nói : Mình nhất định sẽ viết một bài hát về biển của thành phố  tụi mình. Công việc trước mắt đối với anh – một người 8x -  vẫn là những năm tháng học đại học tại trường Williams, là ước mơ trở thành một nhà hoá học, nhưng tôi biết, ở một nơi nào đó trong tim anh, tình yêu âm nhạc và tình yêu mảnh đất quê hương sẽ còn mãi mãi nồng nàn, như có lần anh đã viết: “Tôi về đây, bên bờ cát trắng/ Tình yêu quê bỗng hóa sóng vỗ bờ”.

  • Lê Minh Kha
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Số lùi số tới  (05/09/2006)
Một võ sư Việt kiều ước mơ đem nhạc võ Tây Sơn "xuất ngoại"  (05/09/2006)
Dấu tích thành Thị Nại  (03/09/2006)
Nhớ thầy Đinh Thành Chương   (01/09/2006)
Xanh thắm Núi Bà  (01/09/2006)
Chuyện về những cuồng sĩ ở trường thi Bình Định  (01/09/2006)
Nhớ bếp quê  (29/08/2006)
Người mẹ Cát Nhơn  (28/08/2006)
Một nhà thơ phú lừng danh  (25/08/2006)
Nhà có hai mẹ Việt Nam Anh hùng  (24/08/2006)
Người cầm chịch  (23/08/2006)
Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo - Linh hồn phong trào chống thuế ở Bình Định  (22/08/2006)
Quang Dũng từng khóc vì điều tiếng  (22/08/2006)
Một cựu học sinh Bình Định được mời dạy tại một trường ĐH ở Úc  (21/08/2006)
Bãi Bàng  (18/08/2006)