Chàng Lía và căn cứ Truông Mây
10:30', 7/9/ 2006 (GMT+7)

Chiều chiều én liệng Truông Mây

Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành.

Câu ca đượm buồn nhưng nói lên được nhiều điều, cuộc khởi nghĩa của chàng Lía, căn cứ truông Mây và tấm lòng người dân Bình Định đối với chàng Lía và phong trào đấu tranh chống chế độ cai trị hà khắc của chúa Nguyễn do chàng lãnh đạo.

Căn cứ Truông Mây nay thuộc địa phận xóm Ba, thôn Phú Thuận, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, cách huyện lỵ khoảng 3km. Từ thị trấn Tăng Bạt Hổ đi lên khoảng 1km, tới ngã ba Gia Đức rồi theo con đường đất nhỏ đi về phía Tây Bắc khoảng 1km tới sông Kim Sơn. Bên kia sông là di tích căn cứ Truông Mây.

Một chút về lịch sử

Bước sang nửa sau thế kỷ XVIII, xã hội Đàng Trong lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng trước lúc ngọn lửa chiến tranh nông dân Tây Sơn bùng cháy, ở Đàng Trong đã nổ ra một số phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chống chúa Nguyễn, trong đó tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa do chàng Lía lãnh đạo.

Không thấy chính sử, cả đương thời và về sau, ghi chép về cuộc khởi nghĩa này. Tuy nhiên, sự tích về cuộc khởi nghĩa, về thủ lĩnh Lía thì vẫn được ghi nhớ và truyền tụng phổ biến trong dân gian qua bài vè chàng Lía và nhiều chuyện kể khác.

Lía vốn xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khổ, cha là người huyện Phù Ly, mẹ là người thôn Phú Lạc ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) cũng thuộc phủ Quy Nhơn. Phú Lạc, quê ngoại của Lía, cũng là quê ngoại của các thủ lĩnh Tây Sơn. Cha Lía mất sớm, mẹ đưa Lía về quê ngoại nuôi dưỡng. Gia cảnh bần hàn, chàng phải đi ở chăn trâu cho một phú hộ trong vùng, chịu sự hành hạ, đánh đập rất khổ cực, vì thế mà chàng sớm có tinh thần quật khởi. Lía là người có sức khoẻ, tính tình khí khái, ngang tàng lại thông minh nhanh nhẹn, giỏi võ nghệ.

Câu chuyện lý giải bước khởi đầu của cuộc khởi nghĩa thật đơn giản. Chuyện kể rằng, có một lần, do không chịu được cảnh một tên lính triều đình cậy thế ức hiếp dân làng, Lía đã đánh chết hắn. Quan trên cho lính về vây bắt. Lía cõng mẹ vượt qua mấy vòng vây chạy lên núi, ở đây chàng gặp một toán cướp. Tài nghệ và tính cách khẳng khái của Lía đã cảm hoá được bọn chúng. Chàng được tôn làm chủ trại, bèn sai sửa thành Uất Trì của người Chiêm Thành làm sơn trại, hàng ngày đem quân xuống núi cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo. Nhân dân hoan hỉ còn bọn quan lại địa chủ thì căm tức.

Sau khi người mẹ qua đời, Lía tìm cách đưa hài cốt mẹ về quê, táng ở Hòn Sưng, phía bắc sông Kôn. Buồn lòng, Lía tìm đến Phù Ly thăm mộ cha rồi bỏ đi ngao du đây đó. Đến Truông Mây thấy địa thế hiểm yếu Lía dừng chân ngắm cảnh. Bấy giờ nơi đây có một toán cướp do Hồ và Nhẫn cầm đầu mà nhân dân quen gọi là cha Hồ, chú Nhẫn. Cũng như lần trước, tài ba võ nghệ, chí khí và lòng dũng cảm của Lía đã làm thay đổi toán cướp này. Lía trở thành thủ lĩnh của một phong trào mà mục đích hoạt động đã hoàn toàn đổi khác. Cảnh chặn đường cướp giật đã chấm dứt. Thay vào đó là chủ trương cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo. Phong trào ngày càng phát triển thu hút đông đảo nông dân tham gia. Tiếng tăm nghĩa quân lan rộng khắp trong vùng. Truông Mây được xây dựng thành một căn cứ vững chắc, là đại bản doanh của nghĩa quân.

Có lần chúa Nguyễn có tổ chức thi võ tại thành Quy Nhơn để chọn người tài cầm quân đánh Trịnh. Lía cùng cha Hồ chú Nhẫn cải trang xuống núi thi tài. Trước cảnh quan giám khảo tham ô hối lộ bắt những sĩ tử nộp tiền đút lót, chàng bất bình trở về căn cứ Truông Mây, tập hợp binh sĩ đốt phá trường thi, giết quan giám khảo. Tuần phủ Quy Nhơn cho cho quân truy kích nhưng đến Truông Mây thì bị chặn đứng. Một đêm, Lía đem theo một ít quân tinh nhuệ bí mật theo đường núi xuống phủ thành Quy Nhơn rồi nhân lúc trời tối lính canh lơ là, phóng lửa đốt các dinh thự, doanh trại, Tuần phủ Quy Nhơn bị chém đầu, vợ bị bắt mang đi.

Được tin Quy Nhơn có biến, quan cai trị dinh Quảng Nam cho quân cứu viện, đồng thời cử người về triều đình Phú Xuân cấp báo. Chúa Nguyễn phái đại binh tinh nhuệ vào đàn áp. Trước tình hình đó, Lía cho quân đắp thêm thành lũy, củng cố vững chắc căn cứ Truông Mây. Cuộc chiến đấu kéo dài suốt mấy năm trời mà quân Nguyễn không sao đàn áp được, buộc phải rút lui.

Biết không thể thắng được nghĩa quân bằng vũ lực, viên quan tuần phủ mới bèn dùng mưu kế. Dò biết được ái thiếp của quan cựu tuần phủ bị Lía bắt về lấy làm vợ, y liền tìm kiếm người thân của thị đưa vào hàng ngũ nghĩa quân, rồi dụ dỗ, thuyết phục thị làm nội ứng. Một hôm Lía mở tiệc khao quân, vợ Lía bí mật bỏ thuốc mê vào rượu rồi ép các nghĩa sĩ uống say, trong đó có cả Lía. Thị dùng dây thừng trói chặt Lía vào một tấm phản sau đó mở cửa thành chạy về Quy Nhơn báo tin. Quân Nguyễn kéo đến tàn sát nghĩa quân. Lía giật mình tỉnh dậy thấy bị trói bèn hiểu ra tất cả rồi nổi giận vùng dậy mang cả tấm phản trên mình thoát ra khỏi vòng vây chạy lên núi. Quân Nguyễn không đuổi bắt được liền phá hủy thành lũy rồi rút quân về. Lía buồn lòng phẫn uất nên đã tự sát.

Cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng hình ảnh chàng Lía dũng cảm, khí phách hiên ngang, không chịu khuất phục trước áp bức cường quyền, yêu thương người nghèo khổ cùng các nghĩa binh do chàng lãnh đạo thì vẫn sống mãi trong lòng dân Bình Định, trong lòng những người bị áp bức.

Một lần đến Truông Mây

Trở lại căn cứ Truông Mây nay vẫn còn một số dấu tích về cuộc khởi nghĩa. Truông Mây là một đoạn đường chạy giữa hòn Núi Một và sông Kim Sơn từ phía Bắc thôn Phú Thuận đến phía Nam thôn Vĩnh Hoà, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân. Xưa kia đây là con đường độc đạo lên nguồn Kim Sơn, bên sườn núi mây mọc thành rừng, khung cảnh hoang vắng, đi lại rất khó khăn nên mới có tên là Truông Mây. Các dấu tích về cuộc khởi nghĩa còn lại đến ngày nay tập trung ở dưới chân và bên sườn hòn Núi Một.

Mộ ông Lía là di tích gắn liền với truyền thuyết dân gian cho rằng sau khi Lía tự vẫn, với lòng ngưỡng mộ và ghi nhớ công lao của chàng nhân dân đã xây dựng một ngôi mộ khang trang. Ngôi mộ hiện nay mà nhân dân gọi là mộ ông Lía có quy mô khá lớn, gồm hai lớp tường thành: thành ngoại và thành nội. Hai lớp thành có hình dáng giống nhau. Mặt trước xây vuông quay mặt về Đông, mặt sau xây hình bán nguyệt dựa lưng vào núi. Lớp thành ngoại có chiều dài 30m, chiều rộng 25m xây bằng đá núi xếp chồng lên nhau với nhiều kích cỡ khác nhau, cao 1,4m, rộng 1,5m, phía trước có cửa ra vào rộng 2,0m. Lớp thành nội nằm cân đối trong lớp thành ngoại, mặt trước cũng có cửa ra vào, dài 7,0m, rộng 5,0m, cao 1,0m, được xây cẩn thận hơn bao gồm 3 lớp đá ong được cắt vuông vức với kích thước 0,5m x 0,3m x 0,2m. Nhân dân cho biết trước kia giữa thành nội có một tấm bia đá khắc chữ Hán nhưng đã bị bọn đào trộm vàng phá huỷ mất. Bên ngoài ngôi mộ phía Nam có một phế tích kiến trúc khác hình vuông, một lớp tường thành, mặt quay hướng Đông, dài 6,0m, rộng 4,0m, dày 1,5m. Truyền rằng đây là nền doanh trại nghĩa quân.

Di tích Bờ Lũy ở ngay phía sau ngôi mộ, là dấu tích một bờ lũy xây bằng đá, chạy dài dẫn đến sườn núi, di tích hiện còn dài 50m, rộng 0,8m. Hai bên bờ lũy, dọc theo sườn nủiaỉ rác còn có những bờ kè xây bằng đá, cao 1,0m, dài 3,0m. Nhân dân cho biết trước đây lũy khá đồ sộ nhưng đã bị dân phá vỡ lấy đá về xây nhà.

Di tích Miếu mục đồng nằm ở phía Bắc ngôi mộ. Miếu được xây (đúng hơn là xếp) bằng đá núi với chiều dài 12m, chiều rộng 10m, tường cao 1,0m đến 1,5m. Miếu quay hướng Đông có hai lối vào hai bên, vách phía Tây dựa vào núi. Dân gian truyền rằng ngày xưa đây là vị trí trại chỉ huy, nơi ở của các thủ lĩnh nghĩa quân. Không hiểu vì sao lại có tên là miếu Mục Đồng (?).

Bằng ấy dấu tích vật chất về một phong trào cách nay đã hơn hai thế kỷ cũng đã là đáng quý. Tuy nhiên, những dấu tích còn ít ỏi nó đang ngày một mai một thêm. Vì Truông Mây ở nơi hẻo lánh nên việc bảo vệ di tích gặp rất nhiều khó khăn. Nhân dân lấy đá làm nhà, đặt các di tích trước nguy cơ bị phá hoại, ấy là chưa kể bọn tìm vàng vẫn lăm le đào trộm mộ.

Đến thăm di tích Truông Mây hôm nay dù không còn cảnh quá hoang vắng điêu tàn vì đã có một số bà con lên xây dựng nhà dựng cửa, nhưng lòng ta vẫn không khỏi bùi ngùi. Trên nấm mộ người thủ lĩnh nghĩa quân năm xưa, cái cảm giác lạnh lẽo tràn ngập lòng ta. Thắp một nén hương lên mộ người xưa mà lòng thầm mong rằng một ngày không xa nữa những di tích lịch sử này sẽ được đầu tư bảo tồn và cải tạo, để ngày càng có nhiều người đến đây, để thêm những bàn tay làm ấm hơn vầng cỏ trên mộ người nghĩa sĩ.

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Chung và những ký ức quê hương  (05/09/2006)
Số lùi số tới  (05/09/2006)
Một võ sư Việt kiều ước mơ đem nhạc võ Tây Sơn "xuất ngoại"  (05/09/2006)
Dấu tích thành Thị Nại  (03/09/2006)
Nhớ thầy Đinh Thành Chương   (01/09/2006)
Xanh thắm Núi Bà  (01/09/2006)
Chuyện về những cuồng sĩ ở trường thi Bình Định  (01/09/2006)
Nhớ bếp quê  (29/08/2006)
Người mẹ Cát Nhơn  (28/08/2006)
Một nhà thơ phú lừng danh  (25/08/2006)
Nhà có hai mẹ Việt Nam Anh hùng  (24/08/2006)
Người cầm chịch  (23/08/2006)
Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo - Linh hồn phong trào chống thuế ở Bình Định  (22/08/2006)
Quang Dũng từng khóc vì điều tiếng  (22/08/2006)
Một cựu học sinh Bình Định được mời dạy tại một trường ĐH ở Úc  (21/08/2006)