Huyện đường Bình Khê
16:17', 11/9/ 2006 (GMT+7)

Huyện Bình Khê (nay là Tây Sơn) được dựng đặt từ năm Đồng Khánh thứ ba (1888), là một phần của huyện Tuy Viễn phủ An Nhơn (trước nữa là Quy Nhơn) bao gồm 4 tổng: Vinh Thạnh, Phú Phong, Thuận Truyền và Trường Định. Một huyện mới ra đời thì cũng cần phải có một huyện đường mới, vì thế huyện đường Bình Khê được gấp rút xây dựng. Địa điểm chọn đặt là thôn Đồng Phó, nay là thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn.

Lần theo ký ức dân gian được lưu truyền đến ngày nay ta biết huyện đường Bình Khê bấy giờ là một ngôi nhà nhỏ xây gạch, khung gỗ, mái tranh, nền đắp cao xung quanh kè đá, lát gạch thường. Huyện đường chỉ dài chừng 6m quay hướng Đông nhìn ra sông Kôn, chính giữa là công đường, nơi làm việc của quan huyện, hai bên là hai phòng để quan tếp khách. Phía sau huyện đường là tư gia của quan tri huyện, sau nữa là nhà giam thường phạm.

Khuôn viên huyện đường xưa ngày nay là trụ sở UBND xã Tây Giang. Đó là một khu đất hình vuông rộng chừng 900m2, phía Đông giáp sông Kôn, phía Tây và Tây Bắc giáp thổ cư, phía Nam nhìn ra quốc lộ 19, nằm cách huyện lỵ Tây Sơn 12km và thành phố Quy Nhơn 50km về phía Tây Bắc, cách quốc lộ 19 nối Quy Nhơn với Buôn Ma Thuột không đầy nửa cây số. Dấu vết của huyện đường xưa nay hầu như không còn gì, ngoài phần nền nhà tương ứng với dãy nhà bên trái UBND xã bây giờ. Cũng là bời thời gian với biết bao biến cố, nhất là từ năm Bảo Đại thứ 4 (1929) lỵ sở Bình Khê dời xuống Gò Sặc (thôn Trinh Tường cũ), rồi đến năm Bảo Đại 17 (1942) lại dời xuống Vườn Quận (Phú Phong bây giờ).

Huyện đường Bình Khê từ lâu đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam, và sẽ mãi mãi được các thế hệ người Việt Nam nhắc đến. Bởi lẽ, một thời gian cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhậm chức tri huyện đến làm việc ở đây và có lần người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trên đường đi tìm đường cứu nước đã đến thăm cha.

Cụ Nguyễn Sinh Huy, tên cũ là Nguyễn Sinh Sắc, đỗ cử nhân năm Giáp Ngọ (1894), đỗ Phó bảng năm Tân Sửu (1901), được bổ hành tẩu bộ Lễ (1902), thăng tri huyện Bình Khê (1909). Thời gian cụ làm tri huyện Bình Khê không lâu, chỉ hơn 200 ngày (từ tháng 7 năm 1909 đến tháng 1 năm 1906) nhưng đã để lại trong lòng nhân dân Bình Khê, đương thời và sau này những tình cảm hết sức đẹp đẽ về một vị quan thanh liêm chính trực, yêu nước, thương dân, sống thanh bạch giản dị.

Với quyền hạn của quan tri huyện, Cụ thương đứng ra bênh vực dân nghèo. Cụ tha người thiếu nợ địa chủ, tha dân nấu rượu lậu mà bọn Tây Đoan bắt giao đòi bỏ tù. Với bọn cường hào ác bá, bọn lưu manh trộm cắp, Cụ nghiêm trị. Những vụ kiện lớn Cụ xử công bằng, những vụ kiện nhỏ Cụ khuyên giảng hòa. Tù oan thì Cụ thả. Là quan đứng đầu một huyện nhưng Cụ lại ngầm làm trái với yêu cầu của chính quyền. Cụ không thúc ép dân phu đài tạp dịch, có khi còn vận động nhân dân không nộp thuế, người Pháp hỏi thì Cụ trả lời: “Dân chúng không nộp cho huyện, huyện lấy đâu ra tiền nộp cho nhà nước?”. Là người yêu nước hễ có điều kiện là Cụ khích lệ tinh thần yêu nước thương dân. Chuyện kể rằng có vụ tranh chấp bờ ruộng trong dân, Cụ khuyên giải đôi bên rồi nói đầy thâm ý: “Nước mất không lo, chỉ tranh cái bờ ruộng.”

Là quan tri huyện nhưng Cụ ít có mặt ở công đường. Cụ thường giành nhiều thời gian thăm viếng dân chúng, nhất là những người nghèo. Cụ đến với dân như người thân đến với người thân, lặng lẽ chân thành, không khoa trương, không kẻ hầu người hạ. Không có khoảng cách lớn giữa Cụ với người dân bình thường. Từ bà hàng nước ở bến đò sông Kôn ngay trước mặt huyện đường họ Bùi tên gọi Sáu Chung đến ông Đỗ Trí, tức Độ Oanh, thập trưởng lính lệ Bình Khê đều cảm thấy gần gũi với quan tri huyện. Ông Bùi Phúc, tức Ba Thịnh, cháu bà Sáu Chung còn được Cụ truyền cho bài thuốc nam sau này từng đem cứu chữa cho nhiều. Lòng yêu nước thương dân, đức độ thanh liêm chính trực, lối sống giản dị của Cụ khiến cho nhà nho Bình Khê bấy giờ rất trọng vọng, nể vì. Cụ thường đến thăm tú tài Nguyễn Văn Chơn, người Đồng Phó, đàm đạo về thời cuộc (cụ tú tài Nguyễn Văn Chơn là cha của Nguyễn Hàn, tức Chánh Kham, chánh tổng Vĩnh Thạnh, người cầm đầu phong trào chống thuế của nhân dân Bình Khê năm 1908, bị Pháp bắt đầy đi côn đảo cuối năm 1908).

Trên đường từ Huế qua các tỉnh miền Trung rồi vào Nam xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tới Bình Định, đến Bình Khê thăm cha và đã ở lại đây một thời gian ngắn. Ngôi huyện đường đơn sơ, căn nhà đơn sơ, nơi nghỉ ngơi của quan tri huyện, đất trời Bình Khê đã chứng kiến cuộc gặp gỡ lịch sử này. Chính tại nơi đây bao trăn trở trước vận mệnh dân tộc, nỗi lòng đau đáu mong muốn tìm ra con đường cứu dân cứu nước của người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành được người cha thân yêu chia sẻ, khích lệ, động viên và tiếp thêm nghị lực .

Đã gần 100 năm trôi qua, người xưa tình cũ đều đã không còn nhưng hình ảnh một vị quan thanh liêm cùng người con trai thứ có đôi mắt sáng tinh anh vẫn sống mãi trong ký ức người dân thôn Đồng Phó, Thượng Giang ngày nay. Huyện đường xưa nay không còn nữa, cũng chưa có nhà lưu niệm nhưng người dân địa phương cũng như các cấp chính quyền địa phương vẫn có ý thức bảo vệ di tích lịch sử này, bằng việc không xây dựng công trình bền vững trên nền di tích. Đã có nhiều nhà nghiên cứu đến đây khảo sát, đã có nhiều công trình nghiên cứu về Hồ Chí Minh đề cập đến sự kiện này.

Tên gọi Bình Khê đã rất đỗi thân quen với người Việt Nam. Di tích huyện đường Bình Khê cần phải được tôn tạo để trở thành một điểm trong hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, niềm tự hào của nhân dân Bình Khê - Tây Sơn nói riêng, nhân dân Bình Định nói chung.

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Từ Côn Sơn kết bè vượt biển  (08/09/2006)
Chàng Lía và căn cứ Truông Mây  (07/09/2006)
Hoài Chung và những ký ức quê hương  (05/09/2006)
Số lùi số tới  (05/09/2006)
Một võ sư Việt kiều ước mơ đem nhạc võ Tây Sơn "xuất ngoại"  (05/09/2006)
Dấu tích thành Thị Nại  (03/09/2006)
Nhớ thầy Đinh Thành Chương   (01/09/2006)
Xanh thắm Núi Bà  (01/09/2006)
Chuyện về những cuồng sĩ ở trường thi Bình Định  (01/09/2006)
Nhớ bếp quê  (29/08/2006)
Người mẹ Cát Nhơn  (28/08/2006)
Một nhà thơ phú lừng danh  (25/08/2006)
Nhà có hai mẹ Việt Nam Anh hùng  (24/08/2006)
Người cầm chịch  (23/08/2006)
Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo - Linh hồn phong trào chống thuế ở Bình Định  (22/08/2006)