Nhắc đến Thầy Huỳnh Văn Gi, học sinh cũ của trường Collège de Quy Nhơn và trường Trung học Nguyễn Huệ đều nhớ rất rõ hình ảnh người thầy nho nhã, điềm đạm, ôn hoà, lúc nào cũng ung dung tự tại. Lúc làm Tổng Giám thị cũng như khi làm Hiệu trưởng, dạy tiếng Pháp, Thầy không bao giờ mắng mỏ, nặng lời với học sinh mà luôn ân cần dạy bảo những học sinh sai phạm.
Thầy sinh năm 1898, quê tỉnh Thừa Thiên. Thầy tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, trường Cao đẳng lớn nhất Đông Dương thời bấy giò. Đầu thập kỷ 30 của thế kỷ trước, Thầy làm Tổng Giám thị trường Collège de Quy Nhơn, thời ông Boullarand người Pháp làm hiệu trưởng.
Cách mạng tháng 8-1945 thành công, Thầy Gi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Trung học Nguyễn Huệ (kế thừa Collège de Quy Nhơn), niên khoá 1945-1946, 1946-1947 đóng tại làng An Lương, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ và niên khoá 1947-1948 đóng tại Hoà Bình, xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn.
Niên khoá 1948-19949, trường Nguyễn Huệ tách chia thành hai bộ phận: bộ phận chính gọi là Nguyễn Huệ Bắc có các lớp cuối cấp đóng tại thôn Vạn Thắng, xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn do Thầy Huỳnh Văn Gi làm Hiệu trưởng; Nguyễn Huệ Nam gồm các lớp đệ nhất và đệ nhị đóng tại Hoà Bình do Thầy Ngô Chanh làm Phân Hiệu trưởng. Tuy làm Hiệu trưởng nhưng Thầy Gi vẫn dạy tiếng Pháp các lớp cuối cấp.
Năm học 1949-1950, trường mở thêm 3 lớp chuyên khoa (ban tú tài) gồm hai lớp đệ nhât toán-lý, vạn vật và một lớp đệ nhị toán lý, như vậy là trường Nguyễn Huệ có đủ các lớp từ cao đẳng tiểu học (trung học cơ sở) đến chuyên khoa (trung học phổ thông) gồm 18 lớp từ đệ nhất niên đến đệ nhị chuyên khoa với 730 học sinh, nhiều gấp hai lần số học sinh trường Collège de Quy Nhơn niên khoá 1944-1945. Năm học nầy, Thầy Hịệu trưởng Hùynh Văn Gi được sự trợ giúp đắc lực của Thầy Đinh Thành Chương với cương vị Giám học trực tiếp quản lý khối chuyên khoa.
Năm 1950, sau khi các lớp chuyên khoa không còn nữa (vì học sinh chuyên khoa lớp thì gia nhập quân đội, lớp về địa phương công tác, lớp tiếp tục học sư phạm ra dạy cấp II, cấp III), Thầy Gi xin nghỉ hưu. Thầy không đi tập kết ra Bắc mà ở lại quê nhà giữ trọn đạo người thầy của nhà trường cách mạng.
Thầy qua đời năm 1962, hưởng thọ 64 tuổi.
|