Người Tuy Phước thường gọi Phó Bảng Đào Phan Duân là cụ Tuần Biểu Chánh, vì cụ sinh năm 1864 ở làng Biểu Chánh, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước.
Cụ đỗ đại khoa năm 1895 dưới triều vua Thành Thái, khi làm đến Tuần phủ Khánh Hòa thì xảy ra vụ xung đột dữ dội với viên Công sứ Pháp ở tỉnh này.
Nguyên nhân của vụ xung đột, theo lời kể một số người, thì thời bấy giờ, có hội kín chống Pháp ở Khánh Hòa bị bại lộ. Công sứ yêu cầu cụ Tuần bắt họ nộp cho Tòa sứ. Cụ trả lời rằng chưa đủ bằng chứng quy tội họ. Không thực hiện được ý đồ trấn áp những người chống Pháp, viên Công sứ tức giận, hùng hổ đến dinh cụ Tuần nạt nộ, thoái mạ. Tức giận, cụ Tuần đứng dậy giơ tay tát ông Sứ thì những người có mặt can đi. Sau vụ này, Toàn quyền Đông Dương đã khôn khéo đổi Công sứ Khánh Hòa đi tỉnh khác. Vua Khải Định vốn có ân tình với cụ Đào từ thuở chưa lên ngôi, nên thăng hàm Tổng đốc và để cụ về hưu.
Về quê, cụ vận động các nho sĩ thành lập Phước An Thương hội với ước mơ tự cường dân tộc, làm giàu cho quê hương, xây dựng cơ sở tài chính mong về sau có tiền đưa con em đi du học nước ngoài. Nhưng rồi Phước An Thương hội thất bại, hoài bão không thành, cụ rất buồn. Dẫu vậy, tinh thần độc lập dân tộc, ước mơ tự cường luôn nung nấu trong lòng cụ.
Cách mạng tháng Tám thành công, tuy đã 81 tuổi, cụ vẫn thấy có trách nhiệm đối với công cuộc xây dựng chế độ mới nên đã tham gia và trở thành vị chủ tịch danh dự đầu tiên của Mặt trận Liên Việt tỉnh Bình Định. Năm 1947, hạnh phúc cuối đời của cụ là được gặp lại cụ Huỳnh Thúc Kháng ở huyện đường Phù Cát. Lúc này, cụ Huỳnh là Quyền Chủ tịch nước. Cụ Huỳnh nói với mọi người: Đào công với tôi là đạo thầy trò. Thầy làm giám khảo khoa thi mà tôi là thí sinh khoa ấy, nên đến tỉnh nhà tôi phải được thăm thầy. Gặp lại cụ Đào, cụ Huỳnh không chịu ngồi cùng, mà lễ phép đứng cạnh hầu chuyện theo đạo thầy trò.
|