Năm 1908, Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo đang làm tri huyện Tân Định - tỉnh Khánh Hòa, về quê (làng Hòa Cư, huyện An Nhơn) chịu tang mẹ. Ấy là vào năm 1908, các xã thôn Bình Định đang sôi sục khí thế biểu tình xin giảm xâu thuế. Với bàn tay không, đi chân đất, từng đoàn người cắt tóc ngắn kéo tới các phủ huyện đưa đơn đòi quan địa phương giảm xâu thế cho dân. Bọn quan lại các phủ huyện vốn quen thói hống hách, truy bức dân, nay nghe tin ở Bồng Sơn, hàng ngàn người biểu tình kéo tới huyện đường bắt quan huyện cột vào túi lưới rồi giong đi suốt mấy ngày liền mới thả, liền hốt hoảng bỏ nhiệm sở chạy về thành Bình Định.
Trước khi cùng nhau kéo tới tỉnh lỵ, buộc chính quyền Bảo Hộ và Nam Triều chấp nhận yêu sách của dân, những người biểu tình mong tìm được người có uy tín đứng ra dẫn dắt họ đấu tranh. Vậy là họ cử một đoàn đại diện đến, khẩn cầu Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo cùng tham gia đấu tranh, đòi giảm xâu thuế.
Một tình huống éo le, bất ngờ đến với vị đại khoa: đi đòi quyền lợi chính đáng cho hàng vạn người lao khổ, cũng tức là chống lại triều đình khi ấy; hay ngoảnh mặt làm ngơ trước lời cầu mong tha thiết của dân để giữ ghế quan trường? Day dứt với lời dạy “dân vi quốc bản” (dân là gốc của nước), lại nghĩ tới bọn quan lại Nam Triều dưới chế độ Bảo Hộ nay chỉ còn là “bù nhìn một lũ”, khí tiết kẻ sĩ đã giúp Hồ Sĩ Tạo vứt bỏ không thương tiếc chiếc ghế Tri huyện, cùng cơm đùm cơm nắm, dẫn đầu hàng vạn người dân quê thuần phác, nghèo khổ rầm rộ tiến về bao vây thành Bình Định tới hơn chục ngày liền. Bọn Pháp và quan lại Nam Triều trong thành hết sức run sợ. Thực dân Pháp phải điều quân đổ bộ vào Quy Nhơn, lên Bình Định phối hợp cùng các toán quân cứu viện từ Quảng Ngãi vào, đàn áp dã man cuộc biểu tình, khiến nhiều dân thường bị chết, bị thương hay bị bắt. Bị đàn áp, đoàn biểu tình lại tỏa về vùng phụ cận, truy bắt bọn tay sai bấy lâu nay truy bức dân. Tên Giám binh Pháp là Coutelle phải tăng cường thêm lính, tiến hành một cuộc tàn sát, mới dập tắt được phong trào.
Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo bị bắt và bị Tổng đốc Bình Phú kết án tử hình vì tội cầm đầu dân nổi loạn. Sau nhờ sự vận động của Phó bảng Đào Phan Duân, vua Duy Tân đã giảm xuống án khổ sai chung thân. Sau 12 năm tù đày, mãi tới năm 1920, dưới triều Khải Định, ông mới được ân xá về quê. Tới năm 1934, Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo qua đời, hưởng thọ 65 tuổi. Cảm phục phẩm chất và khí tiết cao thượng của ông, dân gian hãy còn lưu truyền bài diễn ca dài, kể lại cảnh đời lưu đày của ông.
|