Đầm Trà Ổ
9:19', 24/9/ 2006 (GMT+7)

Một trong những cảnh quan sinh thái tạo nên vẻ đẹp duyên dáng, nên thơ của Bình Định là hệ thống các bàu, đầm nằm dọc vùng đồng bằng ven biển. Trong số đó, xếp vào hàng danh thắng phải kể đến ba đầm lớn: Trà Ổ, Đạm Thuỷ và Thị Nại. Đầm Trà Ổ nằm trong khu vực của các xã: Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức và Mỹ Thọ huyện Phù Mỹ.

Với chu vi ước chừng 20km, đầm Trà Ổ nằm giữa một vùng bằng phẳng ở về phía Đông - Bắc huyện Phù Mỹ. Cánh đồng rộng lớn nằm gọn trong vòng tay của các dãy núi thấp bao bọc ba phía Bắc, Tây và Nam.

Không hiểu vì sao mà đầm có tên là Trà Ổ và trong dân gian còn được gọi là Bàu Bàng. Chỉ biết rằng Bàu Bàng xưa kia vốn là một vịnh nước mặn, ăn thông với biển bằng một dòng chảy đưa nước ra cửa Hà Ra, nơi đã từng có tàu bè qua lại, buôn bán tấp nập. Đến nửa cuối thế kỉ 19, nhà Nguyễn vẫn coi nơi đây là một hải tấn (cửa cảng biển) có đặt trạm thu thuế. Năm tháng qua đi, dòng chảy bị bồi lấp để lại dấu vết trên mặt đất một con lạch nhỏ chỉ có nước vào màu mưa lũ. Đầm không còn chung nhịp thở thuỷ triều với biển nhưng vẫn nhận đều nước nguồn từ núi qua vô số những con suối lớn nhỏ. Nước trong hồ vì thế luôn đầy và ngày tiếp ngày cũng nhạt dần vị muối.

Thứ nước chưa ngọt như sông những cũng không còn mặn như biển của đẩm Trà Ổ đã sinh tạo nên những loại thuỷ sản đặc sắc mà hương vị của chúng không thấy ở bất cứ nơi đâu. Đó là loại cá Chình Mun và Chình Bông, thịt thơm ngon, đậm đà và rất bổ. Tép ở đây rất nhiều, ăn không hết người ta phơi khô để dùng dần và đem đi nơi khác bán. Cho đến nay dân gian vẫn còn truyền lại một câu ca dao dung dị, mộc mạc:

Rủ nhau mua tép Trà Ổ

Sẵn bờ cát trắng phơi khô đem về.

Giữa mặt nước phẳng lặng như tờ, đột ngột nổi lên một cù lao nhỏ, chu vi chưa đầy 80m nhưng cây cối mọc sum suê, um tùm với những tán lá xanh mướt. Theo sử cũ thì nới đây vốn có những "đền miếu nguy nga, cũng là một nơi linh địa."

Đứng trên cao nhìn xuống Trà Ổ và phóng tầm mắt chút nữa ra ngoài khơi xa, cảnh trí thật ngoạn mục. Bên bờ phía đông Trà Ổ là một trảng cát trắng phau, bằng phẳng, mịn màng nằm trải dài trên diềm xanh biếc của nước biển. Trên đó điểm xuyết hai đầm nước nhỏ xinh xắn, một ở mạn Bắc có tên gọi Bình Hồ Hải Đông và đầm nhỏ kia xế về phía Nam có tên là Thuỷ Ki. Ngoài khơi đối diện với cửa Hà Ra có một hòn đảo nhỏ tục gọi là Hòn Khô. Đảo có hình dáng tựa như một con rùa biển khổng lồ đang dập dờn bơi lặn trên sóng nên còn được mệnh danh là Hòn Quy.

Nằm giữa một vùng thiên nhiên có cánh đồng rộng lớn, núi non nhấp nhô trùng điệp, từ đó những dòng suối lớn nhỏ uốn lượn trườn ra, Trà Ổ dịu dàng như một cô gái e lệ. Nhưng những trảng cát trắng trải dài, toả rộng không gian bờ phía Đông ra biển cả bao la với Hòn Quy thấp thoáng ngoài khơi lại cho ta một cảm giác hoành tráng không bến bờ. Thật tiếc cho ai chưa đến được Trà Ổ khi đã một lần đặt chân tới  Bình Định.

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bỏ quan làm dân  (22/09/2006)
Tiết tháo một nhà nho Bình Định   (15/09/2006)
Thầy hiệu trưởng trường Trung học Cách mạng đầu tiên  (12/09/2006)
Huyện đường Bình Khê  (11/09/2006)
Từ Côn Sơn kết bè vượt biển  (08/09/2006)
Chàng Lía và căn cứ Truông Mây  (07/09/2006)
Hoài Chung và những ký ức quê hương  (05/09/2006)
Số lùi số tới  (05/09/2006)
Một võ sư Việt kiều ước mơ đem nhạc võ Tây Sơn "xuất ngoại"  (05/09/2006)
Dấu tích thành Thị Nại  (03/09/2006)
Nhớ thầy Đinh Thành Chương   (01/09/2006)
Xanh thắm Núi Bà  (01/09/2006)
Chuyện về những cuồng sĩ ở trường thi Bình Định  (01/09/2006)
Nhớ bếp quê  (29/08/2006)
Người mẹ Cát Nhơn  (28/08/2006)