Con voi ngự và người quản tượng của vua Quang Trung
7:43', 29/9/ 2006 (GMT+7)

Thời nhà Tây Sơn mới làm chủ được phủ Quy Nhơn, có già làng người Thượng tặng Nguyễn Huệ một thớt voi đực đang độ trưởng thành. Con voi rất dữ, nhưng thông minh, nhiều quản tượng sừng sỏ nhưng không sao leo lên lưng nó để đóng bành.

Nhưng rồi có một nghĩa binh mưu trí, dũng mãnh tên là Hai đã thuần phục được và giúp nữ tướng Bùi Thị Xuân huấn luyện nó trở thành con voi thiện chiến nhất trong tượng binh. Rất thích con voi này, Nguyễn Huệ giao cho nài Hai chăm sóc cai quản. Nghĩa quân quen gọi nó là ông Ầm. Ông Ầm có cặp ngà to dài, trắng bóng, nhọn hoắt, mỗi lần ra trận là rống vang, xông lên dùng vòi quật ngã quân thù, lập bao nhiêu chiến công.

Kể từ ngày được thuần phục, ông Ầm sống nghĩa tình với chủ tướng và người quản tượng. Khi Quang Trung lâm bệnh, sắp qua đời, nài Hai được cùng các cận thần gặp vua lần cuối. Vua ra hiệu cho nài Hai tới bên giường bệnh, bảo: “Ngươi theo trẫm từ ngày Hoàng huynh mới làm chủ được Quy Nhơn, đã bao lần cùng trẫm vào sinh ra tử. Nhiều lần trẫm muốn phong cho ngươi làm tì tướng cầm quân, nhưng ngươi không chịu rời trẫm. Nay trước lúc đi xa, trẫm phong tước cho ngươi. Ngươi nghĩ sao?”. Người quản tượng khóc mà rằng: “Thần theo bệ hạ suốt thời trai trẻ. Thần không mong danh vọng, chỉ mong được làm người quản tượng suốt đời của bệ hạ. Nhà vua cảm động: “Vậy thì sau khi ta qua đời, ngươi hãy điều khiển voi cho tự quân. Hãy hộ giá cho tự quân như đã từng theo trẫm”.

Đêm ấy, vua băng hà. Con voi ngự thõng vòi xuống đất, hai tai không buồn ve vẩy, lặng lẽ cùng nài Hai và đoàn cấm binh theo sau linh xa.

Sau tang lễ Quang Trung, ông Ầm trở thành voi ngự của vua Cảnh Thịnh. Nài Hai lại dẫn voi xông pha giữa làn tên đạn, đưa ông vua trẻ rút khỏi Phú Xuân, bảo vệ nhà vua trong cuộc chiến ở lũy Đầu Mâu, xả thân giúp tự vương những lúc hiểm nguy nhất.

Triều Tây Sơn sụp đổ, Cảnh Thịnh bị bắt. Người quản tượng lúc này đã vào tuổi ngũ tuần. Ông định trốn đi, nhưng lại nghĩ đến con voi từng vào sinh ra tử với mình suốt gần ba chục năm qua, liền cải dạng thành lái buôn miền ngược, dẫn voi vào rừng. Cứ thế, người và voi xuyên dọc Trường Sơn, trải bao gian nguy, hơn một năm mới về tới Tây Sơn Thượng đạo. Trở lại mật khu xưa, người quản tượng trá hình thành người Thượng, chở hàng trao đổi ngược xuôi sinh sống.

Hai mươi năm sau, người quản tượng tóc đã bạc phơ. Ông Ầm tuy không còn hùng dũng như xưa, nhưng dáng vẻ vẫn đường bệ. Một buổi chiều, trước khi về rừng, quản tượng dẫn voi lội sông Côn, tới miếu Thành hoàng mà thực chất là thờ Tây Sơn Tam Kiệt, ở Kiên Mỹ. Ông thủ từ quen vội mở cửa cho lão vào cúng tuần rượu. Sau khi rót rượu và thắp nhang, voi cùng người quỳ trước án thờ.

  • Nguyễn Xuân Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (27/09/2006)
Chợ tre Phù Mỹ  (24/09/2006)
Đầm Trà Ổ  (24/09/2006)
Bỏ quan làm dân  (22/09/2006)
Tiết tháo một nhà nho Bình Định   (15/09/2006)
Thầy hiệu trưởng trường Trung học Cách mạng đầu tiên  (12/09/2006)
Huyện đường Bình Khê  (11/09/2006)
Từ Côn Sơn kết bè vượt biển  (08/09/2006)
Chàng Lía và căn cứ Truông Mây  (07/09/2006)
Hoài Chung và những ký ức quê hương  (05/09/2006)
Số lùi số tới  (05/09/2006)
Một võ sư Việt kiều ước mơ đem nhạc võ Tây Sơn "xuất ngoại"  (05/09/2006)
Dấu tích thành Thị Nại  (03/09/2006)
Nhớ thầy Đinh Thành Chương   (01/09/2006)
Xanh thắm Núi Bà  (01/09/2006)