Một lời làm dậy cả cơ đồ
10:23', 5/1/ 2007 (GMT+7)

Trước khi qua đời, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát có ý định lập hoàng tử thứ hai Nguyễn Phúc Luân đã lớn tuổi lên nối ngôi. Vương mất, Trương Phúc Loan thông đồng với bọn tay chân lập chiếu giả, đưa hoàng tử thứ 16 Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên kế vị. Trương Văn Hạnh chống lại, liền bị Loan giết đi. Người em thúc bá của Hạnh là Trương Văn Hiến, được anh nuôi dạy trong dinh, chạy thoát. Hiến cải dạng làm thường dân, đi về phía Nam tránh lệnh truy nã. Qua bao ngày leo núi, vượt rừng, Hiến mới vượt núi Hải Vân thăm thẳm, vào đến đất Quảng Nam.

Một hôm, Hiến ghé vào ngôi chùa cạnh đường xin độ thân qua đêm, tình cờ gặp nhà sư Trí Viễn, một vị cao tăng tinh thông thiên văn địa lý, bèn cùng sư đàm đạo. Hiến bộc bạch ý nguyện của mình. Thương kẻ có tài lâm vòng nguy nan, sư khuyên: “Cuộc đời như giấc mơ, khi hưng, khi suy, khi bỉ, khi thái. Bần tăng vốn chỉ lấy chốn lâm tuyền làm vui, xa lánh ưu phiền; nhưng gần đây xem trăng sao, thấy Đế Tinh sa xuống vùng đất Tây Sơn phủ Quy Nhơn. Thí chủ nên tới đó, giúp kẻ anh hào dựng nghiệp lớn giúp đời”. Như được vén mây mù trước mặt, hôm sau, Hiến bái biệt nhà sư lên đường vào Quy Nhơn, hỏi đường tới Tây Sơn.

Một chiều xẩm tối, đang đi ngược dòng sông Côn, bỗng Hiến thấy một toán cướp hung hãn đang đánh cướp thuyền buôn, liền ra tay cứu giúp. Thoát nạn, nhà phú thương Phan Nghĩa đón ân nhân về nhà tạ ơn. Phan giúp Hiến mở trường dạy học ở thôn An Thái, môn sinh tới học rất đông. Cụ Nguyễn Phi Phúc cũng đưa ba con trai là Nhạc, Huệ và Lữ tới xin thụ giáo. Ngắm hình dung, tướng mạo ba môn sinh mới đến, thầy mừng thầm cả ba sắc diện hơn người, khí chất anh hùng, về sau ắt làm nên đại sự. Bởi thế, thầy dốc tâm truyền dạy cả văn lẫn võ, hầu gửi gắm chí nguyện của mình.

Ba anh em học thành tài cũng là lúc chính sự Đàng Trong rối ren. Thầy Hiến khuyên Nhạc và Lữ về trước, chăm lo tụ tập nhân tài; còn Huệ ở lại thầy truyền dạy thêm rồi sẽ về sau. Sau hai năm, Nguyễn Nhạc đã tập hợp được anh hùng hào kiệt, mở rộng buôn bán, sản xuất, làm chủ cả ba vùng Tây Sơn. Trước ngày làm lễ tế cờ, Nguyễn Huệ về xuôi rước thầy lên An Khê. Trong giờ phút thiêng liêng, thầy ân cần khuyên tướng sĩ: “Nay dân tình đói khổ, oan ức đầy xóm thôn. Để cứu muôn dân, anh em hãy cầm gươm cầm giáo xông lên đánh đổ bọn tham quan ô lại, chiếm lấy thành Quy Nhơn làm đất căn bản rồi nhanh chóng đánh chiếm Quảng Ngãi, Phú Yên để nương tựa vào nhau cho mạnh thêm. Từ đó mới có thể chinh Nam phạt Bắc”.

Nhờ có người thầy mang hết tài trí vẽ đường chỉ lối từ buổi đầu khởi sự, quân Tây Sơn đã dũng mãnh chiến đấu, đập tan hai triều đại phong kiến Đàng Trong và Đàng Ngoài, đánh bại hai đội quân xâm lược hung hãn tràn vào hai đầu Tổ quốc, lập bao chiến thắng lẫy lừng làm rạng rỡ lịch sử dân tộc ta.

  • Song Lộc
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nỗi buồn của chinh phụ Băng Tâm  (29/12/2006)
Bến Trường Trầu  (26/12/2006)
Đoạt thành đón vua vào Thăng Long  (22/12/2006)
Lăng Mai Xuân Thưởng  (20/12/2006)
Chiến thắng Chợ Cát  (15/12/2006)
Người đoạt ngựa của Chúa  (15/12/2006)
Chiến thắng Phù Ly  (12/12/2006)
Nơi thành lập chi bộ Hồng Lĩnh  (10/12/2006)
Khu vườn nhà của Tăng Bạt Hổ  (08/12/2006)
Vỡ mộng bá vương  (08/12/2006)
Danh tướng Ngô Văn Sở và vua Càn Long  (07/12/2006)
Bàu Sấu  (06/12/2006)
Bãi Nhạn - Núi Tam Tòa  (01/12/2006)
Chuyện tình của một vị tướng  (01/12/2006)
Tân phủ Càn Dương  (28/11/2006)