Nơi thành lập Chi bộ Cửu Lợi
13:24', 15/1/ 2007 (GMT+7)

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3-2-1930), tại Bình Định, các chiến sĩ cách mạng trung kiên trong tổ chức Tân Việt và Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã tìm cách bắt liên lạc với Đảng và đã có những quyết định đáp ứng kịp thời đòi hỏi của phong trào cách mạng địa phương. Tháng 8 năm 1930, Chi bộ Cửu Lợi - chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Hoài Nhơn được thành lập tại nhà đồng chí Tôn Chất ở thôn Cửu Lợi, xã Tam Quan (nay là xã Tam Quan Nam).

 

Nhà lưu niệm chi bộ Cửu Lợi.

 

Nơi thành lập Chi bộ Cửu Lợi ở ngay dưới gốc cây dừa sát ven đầm nước, có tên gọi là đầm Nước Lợ, sau này còn có tên gọi là Chợ Cầu. Hiện nay di tích nằm ở địa phận thôn Cửu Lợi Tây, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, cách quốc lộ số 1 về phía Đông 2,5 km và huyện lỵ Hoài Nhơn 17 km. Do vị trí nằm ở khu vực đồng bằng ven biển và quốc lộ 1, nên có thể đi đến di tích bằng các phương tiện đều thuận tiện.

Lúc mới thành lập, Chi bộ Cửu Lợi có 5 người, do đồng chí Nguyễn Trân làm bí thư. Sau khi thành lập, chi bộ đã vạch ra một chương trình hành động cụ thể:

- Ra sức phát triển đảng viên, trước tiên chú ý lựa chọn đảng viên trong tổ chức thanh niên của nhóm "ủng hộ Cộng sản", qua thử thách "vô sản hóa" lập thêm nhiều chi bộ mới tiến tới thành lập huyện đảng bộ.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng, lập ra các đoàn thể cách mạng như Nông hội, Phụ nữ giải phóng, Cứu tế Đỏ để tập hợp quần chúng tích cực trong nhân dân lao động.

- Gấp rút bắt liên lạc với tổ chức đảng trong và ngoài tỉnh, tìm cách bắt liên lạc cho được đại diện của xứ ủy tại Đà Nẵng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, dựa vào cơ sở thanh niên trước kia và quần chúng tích cực tại Cửu Lợi, phong trào đã nhanh chóng phát triển ra các vùng chung quanh. Đến tháng 11-1930 trong toàn huyện đã có gần 400 đảng viên. Về tổ chức, thời kỳ này toàn huyện Hoài Nhơn đã có 6 chi bộ mới: chi bộ Cửu Lợi, chi bộ Bình Thạnh, chi bộ Chương Hòa, chi bộ An Đỗ, chi bộ Tấn Thạnh và chi bộ Tài Lương.

Sau khi bắt liên lạc được với Xứ ủy Trung kỳ và các chi bộ Cộng sản trong và ngoài tỉnh, chi bộ Cửu Lợi đã có cơ sở vững chắc ở địa phương có thể tổ chức quần chúng rải truyền đơn, mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5, treo cờ búa liềm ủng hộ Xô Viết Nghệ -Tĩnh, kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga…

Từ tháng 11-1930 đến tháng 4-1931 cũng như các nơi khác trong tỉnh, Chi bộ bị đứt liên lạc với xứ Ủy Trung kỳ, phong trào bị địch khủng bố ác liệt, phần lớn các đảng viên chủ chốt của Chi bộ bị bắt. Nhưng chỉ một thời gian sau đó phong trào được củng cố lại thành 3 chi bộ gồm Chi bộ Bắc Hoài Nhơn, Trung Hoài Nhơn và Nam Hoài Nhơn tiếp tục chỉ đạo phong trào quần chúng trong toàn huyện, tiêu biểu là cuộc đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp và tay sai chấm dứt cuộc khủng bố trắng đối với phong trào Xô Viết Nghệ -Tĩnh. Phong trào được quần chúng tham gia ủng hộ một cách rầm rộ và lan tỏa trên một phạm vi rộng lớn từ Hoài Nhơn cho đến Sông Cầu (Phú Yên). Tiêu biểu nhất là cuộc biểu tình vào đêm 22 rạng 23-7-1931. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, hơn 3.000 quần chúng nhân dân đủ mọi tầng lớp ùn ùn kéo về huyện lỵ Bồng Sơn đấu tranh, đã làm rung chuyển bộ máy chính quyền cơ sở của đế quốc Pháp chính quyền tay sai tại nhiều làng xã ở Hoài Nhơn. Cuộc đấu tranh này là đỉnh cao của phong trào công nhân và nông dân Bình Định dưới sự lãnh đạo của chi bộ trong thời kỳ 1930-1931.

Sự ra đời của chi bộ Cửu Lợi đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng huyện Hoài Nhơn nói riêng và nhân dân Bình Định nói chung, đã trở thành linh hồn phong trào đấu tranh của nhân dân Bình Định trong những ngày đầu có Đảng. Cửu Lợi là niềm tự hào của nhân dân và Đảng bộ Hoài Nhơn, là biểu tượng và niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng ngay trong những ngày đầu khó nhất.

Ngày nay, tại nơi thành lập Chi bộ Cửu Lợi đã hiện diện một nhà lưu niệm khang trang, đã và đang phát huy tác dụng tích cực trong công tác giáo dục truyền thống và hun đúc tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

  • B.H(theo Địa chí Bình Định)
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Huyền thoại về một vị tướng  (12/01/2007)
Mộ Đào Tấn trên núi Hoàng Mai  (09/01/2007)
Gò Đống Đa  (08/01/2007)
Một lời làm dậy cả cơ đồ   (05/01/2007)
Nỗi buồn của chinh phụ Băng Tâm  (29/12/2006)
Bến Trường Trầu  (26/12/2006)
Đoạt thành đón vua vào Thăng Long  (22/12/2006)
Lăng Mai Xuân Thưởng  (20/12/2006)
Chiến thắng Chợ Cát  (15/12/2006)
Người đoạt ngựa của Chúa  (15/12/2006)
Chiến thắng Phù Ly  (12/12/2006)
Nơi thành lập chi bộ Hồng Lĩnh  (10/12/2006)
Khu vườn nhà của Tăng Bạt Hổ  (08/12/2006)
Vỡ mộng bá vương  (08/12/2006)
Danh tướng Ngô Văn Sở và vua Càn Long  (07/12/2006)