Từ đường Võ Văn Dũng, một danh tướng của phong trào Tây Sơn, được xây dựng ngay trên quê hương ông, nay là thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn.
Thôn Phú Mỹ trước có tên là Phú Lộc thuộc ấp Phú An, tổng Thời Đôn, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Phú Mỹ nằm gần Phú Lạc, Kiên Mỹ - quê hương của các thủ lĩnh Tây Sơn. Từ thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) rẽ trái khoảng 3 km là tới thôn Phú Mỹ.
Phú Mỹ là một làng được hình thành do kết quả khai hoang của những lưu dân Việt vào quãng giữa thế kỷ 17. Trong làng có 12 dòng họ sinh sống, trong đó lớn nhất là ba họ: Võ, Trần, Nguyễn. Họ Võ là họ đầu tiên có công khai phá đất đai lập làng, lập ấp, được coi là tiền hiền khai canh. Dân Phú Mỹ chủ yếu làm nghề nông có kết hợp với nghề đi rừng lấy trầm hương và các lâm thổ sản khác.
Theo gia phả họ Võ do Võ Thừa Khuông, di duệ đời thứ 9, soạn trên cơ sở những tài liệu cũ, thì thủy tổ của họ Võ ở Phú Mỹ là Võ Văn Của, vốn quê gốc ở Nghệ An, di cư vào nam từ thế kỷ 17, đến lập nghiệp tai thôn Phú Lộc, ấp An Tư, tổng Thời Đôn, huyện Tuy Viễn. Đến thời thứ hai là Võ Văn Thọ, gia thế họ Võ đã tương đối khá giả. Võ Văn Thọ đã xuất tài lực tổ chức việc đắp đập Lộc Đổng và tham gia đắp nhiều đập khác dẫn nước vào đồng ruộng, mở mang kinh tế nông nghiệp, không chỉ cho Phú Mỹ mà còn cho cả nhiều làng xã khác trong vùng. Đời thứ ba là Võ Văn Khanh. Ông là một người tài trí, có công huân với nhà nước, từng được phong tước nam. Võ Văn Khanh kết duyên cùng Nguyễn Thị Điểm, sinh hai nam là Võ Văn Chỉnh và Võ Văn Dũng.
Như vậy, đến Võ Văn Dũng thì họ Võ đã sinh cơ lập nghiệp ở Phú Mỹ được bốn đời, giống như trường hợp họ Hồ, Nguyễn của các thủ lĩnh Tây Sơn.
Có thể tổ bốn đời của Võ Văn Dũng và tổ bốn đời của anh em Tây Sơn cùng bị chúa Nguyễn bắt và đưa đi khai hoang lập ấp trong một đợt. Và cũng giống như gia đình Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng (phụ mẫu 3 anh em Tây Sơn), gia đình Võ Văn Khanh - Nguyễn Thị Điểm có kinh tế tương đối khá giả với số ruộng đất 6 mẫu, một ngôi nhà gỗ 12 gian.
Võ Văn Dũng thuở nhỏ có tên là Độ, là một người thông minh, có chí khí từ sớm. Sống trong một gia đình khá giả, ông có điều kiện được học hành, lại hay đi đây đi đó nên hiểu biết rất rõ về thời cuộc, tầm nhìn được mở mang. Đặc biệt, ông rất giỏi võ nghệ, một phần là sự kế thừa truyền thống thượng võ của quê hương, một phần chính là sự nỗ lực rèn luyện của bản thân, bao gồm đủ các môn cung, đao, kiếm…
Là một người có tinh thần trách nhiệm cao với gia đình, với họ tộc nên mặc dù là con thứ, Võ Văn Dũng vẫn được ông Võ Văn Khanh trao quyền thừa tự. Tại quê hương Phú Mỹ, Võ Văn Dũng đã lập gia đình và sinh được 6 người con gồm 4 trai và 2gái.
Ngay từ đầu, khi ba anh em Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễ Huệ, Nguyễn Lữ tụ nghĩa trên đất Tây Sơn thượng đạo, Võ Văn Dũng đã có mặt. Và ông đã tham gia phong trào từ thuở ban đầu và phụng sự cho đến những ngày tháng cuối cùng. Với tài năng của mình, Võ Văn Dũng đã sớm được các thủ lĩnh Tây Sơn trọng dụng, sớm được đứng trong hàng ngũ các tướng lĩnh Tây Sơn. Trong quân Tây Sơn bấy giờ thường truyền tụng câu nói về tài võ nghệ của Võ Văn Dũng.
Võ Văn Dũng quán quân
Bách chiến khởi Tây thùy
(Tiếng tăm của tướng Võ Văn Dũng trùm khắp ba quân
Trăm trận đánh nổi lên từ bờ cõi phương tây)
Còn Nguyễn Nhạc khi xem Võ Văn Dũng múa đại đao đã ca ngợi:
Phá sơn trung tặc dị
Thắng Văn Dũng đao nan
(Phá giặc ở trong núi thì dễ, thắng được cây đao của Võ Văn Dũng thì khó)
Nhưng Võ Văn Dũng không chỉ là người có sức khỏe, giỏi võ nghệ mà còn rất mưu trí. Là người tham gia khởi nghĩa ngay từ những ngày đầu, Võ Văn Dũng đã gắn bó cả đời mình với phong trào Tây Sơn. Dường như trong mỗi bước phát triển của phong trào Tây Sơn điều có phần đóng góp của Võ Văn Dũng.
Khi nhà Tây Sơn thất bại, theo sử sách nhà Nguyễn thì Võ Văn Dũng bị thổ dân Nông Cống (Thanh Hóa) bắt giao cho quân Nguyễn và sau đó bị giết hại. Tuy nhiên, theo những phát hiện mới nhất thì Võ Văn Dũng đã trốn thoát về quê sau thất bại của nhà Tây Sơn, rồi sống ẩn dật ở đây cho đến lúc qua đời, ngày giỗ ông là ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch.
Lại có thuyết khác nói rằng sau khi trốn thoát về quê một thời gian, ông trở lại An Khê chiêu mộ đồng bào Thượng khởi nghĩa chống Nguyễn, mãi đến khoảng đời Thiệu Thị (1841-1847) ông mới mất, thọ trên 90 tuổi. Năm 1907, con cháu đem hài cốt ông về táng tại quê hương là làng Phú Mỹ.
Ngôi nhà 12 gian của ông bà Võ Văn Khanh - Nguyễn Thị Điển sau này được trao cho con cháu Võ Văn Dũng, nhưng cũng đã bị phá từ lâu. Đến năm 1945 cháu 5 đời của Võ Văn Dũng là Võ Văn Thiều đã cho xây cất trên nền nhà cũ một ngôi từ đường 7 gian. Ngôi từ đường này cũng đã bị phá hủy trong chiến tranh. Đến năm 1972, cháu 6 đời của Võ Văn Dũng là Võ Văn Diệu một lần nữa cho xây lại từ đường, vẫn trên nền cũ, gồm 5 gian, quay hướng đông, tường xây gạch, mái lợp ngói, trần lát gỗ. Đó là ngôi từ đường họ Võ, trong đó có thờ bài vị Võ Văn Dũng đang tồn tại hiện nay.
Hàng năm đến ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, con cháu dòng tộc Võ lại tập trung về đây, làm giỗ Võ Văn Dũng, để tưởng nhớ tổ tiên, cũng là để tưởng nhớ một vị tướng lỗi lạc đã có những đóng góp xuất sắc đối với phong trào Tây Sơn, với dân tộc, làm rạng danh họ mạc, xóm làng, làm rạng danh quê hương Bình Định.
|