Chém sứ giữ vẹn tấm lòng son
9:0', 19/1/ 2007 (GMT+7)

Lê Văn Trung là danh tướng của nhà Tây Sơn, người huyện Phù Mỹ. Thuở nhỏ, bố mẹ không quản gian lao, nuôi ông ăn học cả văn lẫn võ với các thầy giỏi trong vùng. Đến tuổi trưởng thành, Văn Trung giỏi văn chương, tinh thông võ nghệ, giàu lòng trung nghĩa, chẳng sợ uy quyền. Nhà Tây Sơn khởi binh, Văn Trung hăng hái ứng nghĩa. Nhờ sức lực và tài trí hơn người, từ người lính mộ, ông được thăng thưởng nhanh chóng mà thành vị tướng nổi danh trong nghĩa binh Tây Sơn. Ra trận, Văn Trung thường cầm thương bạc xông vào quân giặc, giáng xuống những đòn sấm sét.

Khi ba anh em Tây Sơn phân vùng cai quản, ông theo Nguyễn Huệ ra Phú Xuân. Từ đây, cuộc đời chinh chiến của tướng quân Lê Văn Trung gắn bó với Trần Quang Diệu như cật ruột. Ông giúp Trần Quang Diệu đem binh đi đánh Trấn Ninh, Triệu Cao, Quy Hợp, tiến thẳng vào Vạn Tượng, truy đuổi quân Xiêm. Dẹp yên bờ cõi phía Tây, ông lại cùng Trần Quang Diệu đưa quân về Tuyên Quang, diệt Lê Duy Chí cấu kết với các tù trưởng miền núi nổi loạn.

Vua Quang Trung qua đời, Nguyễn Ánh đem quân ra vây thành Quy Nhơn. Lê Văn Trung cùng các tướng đem quân thủy bộ vào đánh đuổi quân Ánh, rồi ở lại cùng giữ thành Quy Nhơn. Trong giao tranh, không may vợ con ông bị bắt. Ánh sai sứ giả tới dụ hàng, hứa hẹn giữ nguyên chức tước để ông sống yên vui cùng gia đình. Đau lòng, nhưng ông dứt khoát chém sứ. Quân sĩ dưới trướng rất mến phục trước lòng trung nghĩa của ông.

Thế rồi, ở Phú Xuân, Thái sư Bùi Đắc Tuyên lộng hành, việc triều chính rối ren. Đắc Tuyên bị diệt, nhưng Cảnh Thịnh lại nghe lời sàm tấu, vu cho Nguyễn Văn Huân ở Quy Nhơn kết thông với giặc, nên gọi về Kinh giết đi. Nghe tin người cộng sự tận tụy cùng mình trấn giữ Quy Nhơn bị hại, Lê Văn Trung rất đau lòng. Cũng lại nghe lời sàm tấu, vua Cảnh Thịnh tước hết binh quyền của Trần Quang Diệu, chỉ còn làm thiếu phó với hư danh. Không thể để vị tướng trụ cột của triều đình bị hại, Lê Văn Trung giao lại Quy Nhơn cho phó tướng, rồi kéo quân ra đóng ở Quảng Nam. Vua Cảnh Thịnh sợ hãi, phải trả lại binh quyền cho Trần Quang Diệu như cũ.

Từ đấy, bọn nịnh thần lại xúi giục ông vua trẻ tìm cách trừ khử vị tướng đã hy sinh cả gia đình mình cho cơ nghiệp nhà Tây Sơn. Nguyễn Bảo, con vua Thái Đức nổi dậy chống Cảnh Thịnh, nhưng vì thế yếu nên bị giết. Thái phó Lê Văn Ứng mật tâu với vua, rằng nội biến là do Lê Văn Trung mà ra. Ông vua trẻ không cần biết đúng sai, liền gọi Lê Văn Trung về triều, rồi sai võ sĩ giết đi. Thiếu phó Trần Quang Diệu không kịp ngăn cản, đành ngậm ngùi tiếc thương vị tướng đã cùng mình vào sinh ra tử khôn xiết.

Tương truyền, Lê Văn Trung trước khi chết còn gọi tên Hoàng đế Quang Trung, vạch tội bọn gian thần làm loạn triều đình, giãi bày tấm lòng son của mình đối với nước.

  • Nguyễn Xuân Nhân
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Từ đường Võ Văn Dũng  (17/01/2007)
Nơi thành lập Chi bộ Cửu Lợi  (15/01/2007)
Huyền thoại về một vị tướng  (12/01/2007)
Mộ Đào Tấn trên núi Hoàng Mai  (09/01/2007)
Gò Đống Đa  (08/01/2007)
Một lời làm dậy cả cơ đồ   (05/01/2007)
Nỗi buồn của chinh phụ Băng Tâm  (29/12/2006)
Bến Trường Trầu  (26/12/2006)
Đoạt thành đón vua vào Thăng Long  (22/12/2006)
Lăng Mai Xuân Thưởng  (20/12/2006)
Chiến thắng Chợ Cát  (15/12/2006)
Người đoạt ngựa của Chúa  (15/12/2006)
Chiến thắng Phù Ly  (12/12/2006)
Nơi thành lập chi bộ Hồng Lĩnh  (10/12/2006)
Khu vườn nhà của Tăng Bạt Hổ  (08/12/2006)