Nguyễn Đăng Tuyển - vị quan thanh liêm đất An Lương
15:14', 26/1/ 2007 (GMT+7)

Nguyễn Đăng Tuyển vốn là người làng Chánh Trực, tổng Hòa Lạc, huyện Phù Mỹ, sau dời đến làng An Lương (nay thuộc thôn An Lương, xã Mỹ Chánh), đỗ Giải nguyên (thủ khoa) khoa Ất Mão, năm Tự Đức thứ tám. Ông xuất thân bần hàn nhưng có chí hiếu học, khí tiết thanh bạch.

Vào những năm đầu thời Tự Đức, triều đình tuyển dân binh, bọn hào lý địa phương bắt ông đầu lính, nhưng vì sự học đã thông nên cùng cụ thân sinh lánh vào đất Kiến Hàng, thuộc phủ An Nhơn. Vốn thông minh, lại thêm học lực dồi dào, vài năm sau, ông đỗ thủ khoa kỳ thi hương và được bổ làm Tri huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi). Đi nhậm chức, ông một thân một mình đăng trình, không cho vợ con hay thủ hạ đi theo. Ấy là cái thuật để giữ đức thanh liêm và trừ cái tệ thâu lễ vật.

Lúc làm quan, mỗi lần người quen đến thăm, ông cứ phàn nàn và an ủi:”Như ai thương tưởng tôi, xin ở nhà thì hơn. Tới đây chẳng qua thấy mặt tôi, chứ chẳng có ích gì, càng làm cho tôi thêm buồn lòng vì hai tiếng “thân quan” vậy”. Mỗi khi sai lính đi đòi người, ông chỉ viết lệnh vào lòng bàn tay và kỳ hẹn ngày giờ phải về chứ không ra công văn như các vị quan khác. Chẳng là viết vào giấy, thì đi đến đâu sai dịch cũng hạch sách dân chúng. Còn như viết vào tay, ở lâu mồ hôi làm lem chữ và sai dịch không dám sai hẹn. Sau ông được thuyên chuyển làm Tri phủ Tuy Phước.

Có năm, ông làm Chánh Chủ khảo trường Nghệ An. Vừa đến nơi, học trò xem thường quan Chủ khảo là người Bình Định, nên khua môi múa mép, kêu la inh ỏi. Thấy vậy, ông bảo: “Mai là ngày thi, quý trò gắng sức thi, bảng vàng đề tên, cớ sao không vui mà ở đây kêu khóc?”. Họ đồng thanh đáp: “Bẩm quan lớn vẫn biết là vậy, nhưng chúng tôi tài sơ học thiển, chắc mai hỏng cả, nên buồn rầu mà than khóc”. Ông tự nghĩ, chúng chê ta tài sơ học thấp không chấm được bài nên nói miệt ta.

Hôm sau, nhập trường thi, ông ra hai đầu đề: một là Phụng Hoàng lai nghi, hai là thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ. Bọn học trò cả thảy đều ngơ ngác như cá mắc cạn, bộ dạng buồn so. Ông ngồi trên lầu cao thấy thế buồn cười bèn phóng bút viết liền hai bài luận theo đề đã ra. Sau có người dâng bài này lên vua Tự Đức, ngài khen ngợi vô cùng và nói: “Quan Chánh Chủ khảo trường này khá thật. Bấy lâu nghe tiếng thanh liêm nức tiếng, nay thấy văn tài như thể Văn Khúc tinh giáng thế. Trẫm muốn cất nhắc người này làm chức Phụ đạo cho Đông cung Dục Đức”.

Cả cuộc đời Nguyễn Đăng Tuyển thanh liêm, tiết dục, làm quan thì để việc dân lên đầu, học vấn thì lấy sự thấu đáo kinh sử làm trọng. Đến lúc hồi hưu, ông vui thú điền viên, ở nhà mở trường dạy học trò, môn sinh ngày một đông. Ông là tấm gương sáng của đức chuyên cần, hiếu học, dốc lòng lo việc dân, việc nước, giữ mình trong sạch, khí tiết của ông là mẫu mực cho con cháu đời sau.

  • Nguyễn Hiểu My
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Từ đường Bùi Thị Xuân  (22/01/2007)
Chém sứ giữ vẹn tấm lòng son  (19/01/2007)
Từ đường Võ Văn Dũng  (17/01/2007)
Nơi thành lập Chi bộ Cửu Lợi  (15/01/2007)
Huyền thoại về một vị tướng  (12/01/2007)
Mộ Đào Tấn trên núi Hoàng Mai  (09/01/2007)
Gò Đống Đa  (08/01/2007)
Một lời làm dậy cả cơ đồ   (05/01/2007)
Nỗi buồn của chinh phụ Băng Tâm  (29/12/2006)
Bến Trường Trầu  (26/12/2006)
Đoạt thành đón vua vào Thăng Long  (22/12/2006)
Lăng Mai Xuân Thưởng  (20/12/2006)
Chiến thắng Chợ Cát  (15/12/2006)
Người đoạt ngựa của Chúa  (15/12/2006)
Chiến thắng Phù Ly  (12/12/2006)