Di tích lịch sử phủ thành Quy Nhơn nay chỉ còn là một phế tích thuộc địa phận thôn Châu Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn. Trên Quốc lộ 1, từ thị trấn Bình Định ra Bắc, đi khoảng 8 km là tới UBND xã Nhơn Thành, rồi rẽ theo con đường đất ven sông nhỏ về hướng Đông Bắc khoảng chừng 500m là tới di tích phủ thành xưa.
Phủ thành Quy Nhơn như tên gọi, là lỵ sở trấn trị của phủ Quy Nhơn. Sau cuộc hành quân bình định Chiêm Thành năm 1471, vua Lê Thánh Tông đặt phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện là Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, rồi đến năm 1604 phủ Hoài Nhơn đổi làm phủ Quy Nhơn, năm 1651 đổi phủ Quy Nhơn làm phủ Quy Ninh, năm 1742 lại đổi phủ Quy Ninh làm phủ Quy Nhơn.
Trong khoảng thời gian hai thế kỷ rưỡi, lỵ sở của phủ này là thành cũ Đồ Bàn, quốc đô của Chiêm Thành, được xây dựng từ thế kỷ thứ X, mãi đến năm 1744 mới dời ra thôn Châu Thành, nơi còn để lại dấu tích đến ngày nay.
Thực ra tên thôn Châu Thành là mới đặt từ thời Minh Mạng, còn trước nữa là phường, có tên là xã Thời Lượng, tổng hạ huyện Phù Ly.
Sau một thời gian xây dựng và củng cố lực lượng trên đất Tây Sơn thượng đạo, năm 1773 nghĩa quân Tây Sơn tiến xuống giải phóng Tây Sơn hạ đạo rồi từ Tây Sơn hạ đạo tấn công đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn. Trận đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn là trận đánh thành đầu tiên của quân Tây Sơn.
Bấy giờ tuần phủ Quy Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên. Quân Tây Sơn sau khi giải phóng vùng Tây Sơn hạ đạo lực lượng đã phát triển tương đối mạnh. Nguyễn Nhạc xưng là Đệ nhất trại chủ cai quản hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn, Nguyễn Thung là Đệ tam trại chủ trông nom quân lương. Từ đại bản doanh ấp Kiên Thành, quê hương của anh em Tây Sơn, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Thung làm tiên phong đem một cánh quân tiến đánh phủ thành Quy Nhơn - trận đánh diễn ra vào một đêm tháng 9-1773.
Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên cùng đám binh lính giữ thành đã không chống cự nổi trước sự tấn công quyết liệt của nghĩa quân, phải bỏ chạy. Sử sách, cũng như dân gian đến nay, vẫn lưu truyền câu chuyện phản ánh mưu mẹo của Nguyễn Nhạc khi đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện viết: "Nhạc là người mưu mẹo khôn khéo. Một hôm, Nhạc tự vào ngồi trong cũi, sai đồ đảng thay đổi nhau đi báo rằng đã bắt được Nhạc đem giải nộp. Nguyễn Khắc Tuyên không ngờ là Nhạc lừa dối, sai mở cửa thành mà thu nhận. Đêm đến, đồ đảng của Nhạc lén đến ngoại thành. Nhạc liền phá cũi ra rồi mở toang cửa dinh, đồ đảng của Nhạc kéo vào đốt dinh giết tướng, bèn chiếm cứ lấy thành." Sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí cũng chép gần tương tự.
Trận đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn là chiến công lớn đầu tiên của nghĩa quân Tây Sơn từ khi phát động khởi nghĩa. Chiến thắng này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phong trào Tây Sơn, là hồi chuông báo hiệu "giờ phán xử của thượng đế đối với chúa Nguyễn đã điểm" – theo cách nói bóng bẩy của giáo sĩ D.jumila, người đã từng chứng kiến các sự kiện bấy giờ.
Từ đây, quân Tây Sơn trên đã thắng lợi, mở rộng phạm vi hoạt động, giải phóng toàn bộ phủ Quy Nhơn, tiến ra Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận… để rồi đi đến những đỉnh cao chiến công chói lọi của sự nghiệp diệt Nguyễn chống Xiêm, lật đổ vua Lê chúa Trịnh, đại phá Mãn Thanh.
Thôn Châu Thành – nơi đóng phủ thành Quy Nhơn xưa – nay là một trong bảy thôn của xã Nhơn Thành. Hiện nay trong thôn vẫn còn miếu thờ "Tiền hiền tam phái", tức ba dòng họ đầu tiên (là Nguyễn, Trần, Hoàng) đã có công khai khẩn đất đai xây dựng xóm làng. Căn cứ vào gia phả, thì thời điểm mà các họ này đến đây là khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Điều đó có nghĩa rằng khi phủ thành Quy Nhơn được xây dựng (1744) thì nơi đây đã có sự tập trung dân cư ở một mức độ nào đó.
Có phủ thành đóng tại địa phận làng mình nên dân Châu Thành (bấy giờ gọi là phường Hoa Phúc) được huy động vào các công việc phục vụ chính quyền và quan lại trấn trị theo kiểu "dân vi tử". Nghề nghiệp chính của người Châu Thành là nông nghiệp, ngoài ra còn có nghề làm nón ngựa chóp bạc, nghề mộc…
Nón ngựa là đặc sản của vùng này, về sau thường đem bán ở chợ Gò Găng nên gọi là nón ngựa Gò Găng. Một phần sản phẩm nón ngựa được dùng trang bị cho quan quân.
Thôn Châu Thành có năm xóm là Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung. Xóm Trung chính là khu vực phủ thành Quy Nhơn xưa. Hơn hai thế kỷ trôi qua với biết bao biến cố, biết bao thăng trầm, đến nay dấu vết phủ thành cũ còn lại rất mờ nhạt. Tuy nhiên nếu quan sát kỹ thì vẫn thấy khá rõ một thành đất hình chữ nhật chiều dài đo được 100m, chiều còn lại đo được 65m, diện tích ước khoảng trên dưới 7.000 m2. Chỗ cao nhất của cạnh thành còn lại (bờ lũy) đo được 1,6m, mặt lũy rộng hơn 2m.
Dấu tích kiến trúc trong thành cũ chỉ có một ít gạch vỡ nằm tập trung ở đìa bờ lũy, kích thước của một viên gạch còn nguyên vẹn đo được là 32 x 13 x 165cm. Trong thành, cách cạnh phía Nam 15m còn một giếng cổ hình vuông xây bằng đá ong mỗi cạnh đo được 0,85m, chiều sâu từ miệng giếng đến đáy là 54m, hiện đang được sử dụng lấy nước sinh hoạt. Khu vực ngoại thành cũng còn một số giếng nước cổ nằm rải rác ở các xóm, cũng hình vuông, xây bằng đá ong nhưng kích thước lớn hơn (mỗi cạnh trên dưới 1m) sâu trên dưới 6m. Đó là những giếng cổ của người Chiêm Thành.
Cho đến đầu thế kỷ XX, trong khuôn viên phủ thành cũ vẫn là khu đất hoang vu. Dân gian kể rằng sở dĩ không ai dám "động thổ" nơi này là vì mọi người sợ động đến oai linh người xưa.
Trở lại Châu Thành, trở lại phủ thành xưa là đến với một địa chỉ quan trọng trên con đường phát triển của phong trào Tây Sơn. Một trận đánh mau lẹ đầy mưu trí của nghĩa quân ngay những ngày đầu trứng nước đã báo hiệu một cơn bão táp nông dân quật khởi.
Cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, các chúa Nguyễn đã có tính toán kỹ càng khi chọn Châu Thành là trụ sở của phủ Quy Nhơn. Một hệ thống sông suối lớn nhỏ bao bọc từ xa làm thành vòng hào chắn chắc chắn (sông Cầu Ván ở phía Bắc, sông Cầu Dài ở phía Nam) phía Bắc có đồi thấp với tháp Phốc Lốc, phía Nam có núi Mò O, rất thuận lợi trong việc phòng thủ lại dễ cơ động vì tiện giao thông. Thế nhưng bấy giờ chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng trong đã quá ọp ẹp. Thành Quy Nhơn dù kiên cố cũng chỉ trong chốc lát đã bị thiêu rụi trước sức mạnh quật khởi của nhân dân đang rên siết bởi xiềng áp bức nặng nề.
|